Bài toán việc làm cho các “phu vàng”
(Cadn.com.vn) - Mặc dù biết rất nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lợi nhuận từ việc khai thác vàng đã khiến nhiều người dân ở huyện Phú Ninh (Quảng Nam) vẫn bất chấp, liên tục tham gia khai thác vàng trái phép. Hậu quả, trung bình mỗi năm đã có từ 2-3 người chết vì sập hầm vàng nhưng số người tìm đến với vàng vẫn không giảm. Đặc biệt, từ khi mỏ vàng Bồng Miêu hoạt động cầm chừng, một số công nhân Cty vàng thất nghiệp gia nhập vào đội ngũ những người khai thác vàng trái phép. Nếu không có những biện pháp kịp thời, có lẽ con số này không dừng lại trong thời gian đến. Vậy, bài toán việc làm nào cho các phu vàng? Đó là câu hỏi đặt ra cho chính quyền H. Phú Ninh hiện nay.
Chúng tôi có mặt tại nhà anh Lâm Hùng Phát, thôn Đàn Thượng xã Tam Lãnh. Anh là một trong nhiều phu vàng trước đây tại mỏ vàng Bồng Miêu, nhìn cơ ngơi của anh chắc hẳn ai cũng nghĩ ngay đó là kết quả của việc khai thác vàng nhiều năm qua. Thế nhưng anh lại cho rằng, lợi ích từ việc làm vàng rõ ràng là có nhưng chỉ tồn tại đối với những người biết tích lũy. Còn đối với những thanh niên ngày đêm còng lưng tìm vàng rồi sau đó nướng vào bài bạc, tệ nạn thì có làm cả đời cũng chỉ trắng tay, đó là chưa nói đến việc sống chết ra sao trong những hầm lò mà ngày cũng như đêm, chẳng thấy ánh nắng mặt trời.
Từ sự ám ảnh đó và nhờ nhận thức được những nguy hiểm của việc khai thác vàng trái phép, anh Lâm Hùng Phát đã trở về làm kinh tế gia đình khi chưa quá muộn. Giờ đây, với sự hỗ trợ đắc lực từ người vợ, cộng thêm bản tính chịu thương chịu khó và ham học hỏi của mình, anh Lâm Hùng Phát đã có trong tay một cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, điện nước, mua sắm ô-tô tải để vận chuyển hàng hóa, xây dựng được nhà cửa khang trang và nuôi 2 con chu đáo. Anh Phát chia sẻ: “Làm vàng thì suốt ngày cứ chui xuống hầm vàng, làm cũng có dư nhưng bấp bênh lắm. Sau này có công ty khai thác rồi thì tui nghĩ mình phải làm cái khác, không thể đánh cuộc với số phận mình được. Giờ làm ăn buôn bán, kinh tế ổn định rồi”.
Các bãi vàng bị cày xới nham nhở trên địa bàn xã Tam Lãnh, H. Phú Ninh |
Ông Lê Văn Ngọc, trú thôn Phước Lợi (Tam Lãnh) thì lại chọn hướng đi khác sau 12 năm lăn lộn từ bãi vàng này đến bãi vàng khác trong và ngoài tỉnh để mưu sinh. Đối với ông, ngày ngày được chăm sóc 4ha rừng trồng đã cho thu hoạch, 200 chói tiêu, các loại cây ăn quả và nuôi thêm mấy con trâu, bò và ao cá trong vườn là niềm vui khi ở vào tuổi xế chiều. Dù chưa gọi là nhiều song nhờ biết kết hợp lấy ngắn nuôi dài nên nguồn thu nhập từ mô hình tổng hợp vườn - ao - chuồng đã đem về cho gia đình ông mỗi năm khoảng hơn 100 triệu đồng.
Ông Ngọc tâm sự: “Nghĩ lại vẫn còn thấy sợ trong quãng thời gian nằm vùng trên bãi vàng, sống chết lúc nào chẳng hay, rốt cuộc tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Giờ về làm kinh tế gia đình, cuộc sống nhàn hạ, tâm lý thoải mái và được gần vợ con để chăm sóc, dạy dỗ con cháu nên người. Trước đây tui làm vàng có đó, nhưng tiêu phá cũng hết, già rồi về cải tạo ruộng vườn làm nông dân nhưng cũng đủ nuôi con cái ăn học đàng hoàng...”.
Hầm vàng tự phát. |
Theo chân đoàn các lãnh đạo H. Phú Ninh khảo sát khu vực mỏ vàng Bồng Miêu tại xã Tam Lãnh và những vùng lân cận mới thấy hết được sự phức tạp của việc khai thác vàng trái phép và những hệ lụy kéo theo. Triền núi bị tàn phá nghiêm trọng, những dòng sông, con suối bị vẩn đục, mùi khí cyanua bốc lên cả một vùng, người dân sống trong cảnh lo âu bởi sự ô nhiễm nghiêm trọng của nguồn nước và môi trường. Đặc biệt, kể từ ngày 16-11-2013, Cty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu tạm ngừng hoạt động đã sa thải gần 500 lao động là người địa phương, lực lượng này đã quay ngược lại tổ chức khai thác, chế biến quặng vàng trái phép ngay tại những nơi họ đã từng làm việc.
Không những thế, đã có hàng trăm người dân từ khắp nơi đổ về đây công khai dựng lán trại, lắp đặt máy xay đá, lọc quặng lấy vàng... Việc khai thác vàng trái phép kéo dài, không chỉ làm mất an ninh trật tự ở địa phương, ô nhiễm môi trường mà tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây sập hầm chết người và mất ổn định an ninh trật tự xã hội.
Công tác cứu hộ tại các vụ sập hầm vàng. |
Trước những phức tạp và hệ lụy từ “vàng tặc”, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo UBND H. Phú Ninh triển khai biện pháp ngăn chặn tình trạng phức tạp tại khu vực Bồng Miêu. Trong đợt cao điểm toàn lực lượng tổ chức truy quét từ ngày 31-3 đến 2-4-2014 cũng như các đợt truy quét thường xuyên trước và sau đó; lực lượng chức năng đã phá hàng trăm lán trại; thu giữ rất nhiều xe máy, máy nổ, máy nén khí, cối xay đá, hàng chục thùng hóa chất, quặng vàng, hàng nghìn mét dây dẫn nước...cùng nhiều phương tiện khai thác quặng vàng; đồng thời đẩy đuổi gần 500 lao động khai thác vàng trái phép ra khỏi khu vực hầm lò. Song song với công tác truy quét, Phú Ninh đang hướng tới tạo việc làm cho các phu vàng bằng cách mở các lớp đào tạo nghề để họ có điều kiện vào làm việc tại các khu công nghiệp, kết hợp với Cty khai thác vàng Bồng Miêu trong việc thu hút công nhân vào làm việc tại đây, đồng thời hướng dẫn chuyển đổi nghề nghiệp bằng nhiều hướng phát triển kinh tế khác nhưng vẫn bám đất bám làng...
Vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng hy vọng với sự phấn đấu và biết vươn lên sau khi đoạn tuyệt với nghề làm vàng như anh Lâm Hùng Phát, ông Lê Văn Ngọc xã Tam Lãnh hay một số mô hình khác đã phần nào khẳng định, người dân Tam Lãnh nói riêng không chỉ biết làm giàu bằng việc khai thác vàng trái phép mà đã từ bỏ cuộc sống phu vàng để về phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững, an toàn. Tuy chưa thể nói đấy là mô hình hoàn hảo cho “bài toán việc làm cho các phu vàng”, song đã hé mở những gợi ý cho người dân và chính quyền H. Phú Ninh cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào vàng và gánh chịu những hệ lụy của nó.
Kim Thái - Bích Uyên