Bàn giải pháp vận hành an toàn đập thủy điện

Thứ sáu, 08/06/2018 15:30

Làm thế nào để quản lý, vận hành an toàn đập thủy điện và phòng chống thiên tai, nhất là trong mùa mưa bão sắp tới là chủ đề được đưa ra thảo luận tại hội nghị do Bộ Công thương tổ chức tại Đà Nẵng ngày hôm qua (7-6). Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng, Trưởng Ban Chỉ huy (BCH) Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương.

Theo thống kê đến tháng 5-2018, cả nước có 385 nhà máy thủy điện đang vận hành, tổng dung tích hồ chứa khoảng 56 tỷ m3 nước, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên cả nước. Vì vậy, công tác quản lý, vận hành an toàn các đập thủy điện không chỉ góp phần quan trọng trong sản xuất điện, đảm bảo an ninh năng lượng mà còn cung cấp nước, hỗ trợ cắt, giảm hoặc làm chậm lũ cho vùng hạ du, bảo đảm an ninh lương thực và ổn định trật tự, an toàn xã hội.

Đập thủy điện Sông Tranh 2, H. Bắc Trà Mi, Quảng Nam.

“Siết” quy trình vận hành

Theo lãnh đạo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), để đảm bảo an toàn các công trình thủy điện, thời gian qua, cùng với các bộ, ngành, địa phương, Bộ Công Thương xác định việc giám sát, kiểm tra chặt chẽ chất lượng công trình thủy điện ngay từ giai đoạn xây dựng là hết sức quan trọng. Bộ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức giám sát, kiểm tra các dự án xây dựng thủy điện, từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, quản lý an toàn đến giải quyết sự cố thi công và cam kết về môi trường; cho ý kiến về việc điều chỉnh quy mô, thay đổi thiết kế bản vẽ kỹ thuật thi công so với hồ sơ thiết kế dự án... “Qua kiểm tra, Bộ Công Thương đề nghị chính quyền một số địa phương chỉ đạo tạm dừng thi công và tổ chức kiểm tra, rà soát tổng thể quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng của chủ đầu tư một số dự án chưa đảm bảo yêu cầu về quy hoạch, kỹ thuật và an toàn. Với một số sự cố xả lũ, Bộ cũng đã tích cực thực hiện giám định nguyên nhân, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình và chuẩn bị phương án thi công trở lại khi đủ điều kiện”, ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết.

Bên cạnh việc quản lý chặt chất lượng xây dựng công trình, thì việc vận hành công trình theo quy trình vận hành hồ chứa (QTVHHC) cũng được Bộ Công Thương “siết chặt”. Căn cứ QTVHHC đơn hồ và liên hồ được duyệt và các Quy chế phối hợp giữa các chủ đập trên cùng bậc thang và giữa các chủ đập với địa phương, đa số chủ đập đã thực hiện đầy đủ thông tin về thông báo và thời gian thông báo cho địa phương, các đơn vị liên quan trước và trong quá trình xả lũ. Tuy nhiên, theo ông Cao Anh Dũng, Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, qua kiểm tra thực tế, Bộ Công Thương nhận thấy vẫn còn những tồn tại nhất định dẫn đến một số sự cố xả lũ gây mất an toàn cho hạ du. Nguyên nhân chủ yếu do một số chủ đập chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của địa phương trong công tác vận hành xả lũ. Cụ thể là chưa thông báo hoặc thông báo chưa đầy đủ, kịp thời những thông tin liên quan đến xả lũ cho cơ quan chức năng của địa phương. Một số cơ quan chức năng của địa phương chưa thực hiện kịp thời việc thông báo xả lũ đến nhân dân vùng hạ du theo quy định nên người dân không nhận được hoặc nhận muộn thông tin về xả lũ nên không xử lý kịp thời...

Phải cảnh báo sớm

Ông Nguyễn Tấn Triết, Phó Giám đốc Công ty thủy điện Buôn Kuốp cho biết, nhận thức được sự nguy hiểm có thể xảy ra cho khu vực dọc hạ du, khi các hồ đang vận hành điều tiết, xả lũ. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cao cho khu vực hạ lưu các hồ, cần phải tăng cường công tác thông báo, cảnh báo sớm đến nhân dân dọc hạ lưu các hồ, để người dân có đủ thời gian sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, hạn chế các hoạt động trên sông khi các hồ đang tiến hành điều tiết, xả lũ. Xuất phát từ các yêu cầu trên, năm 2010, Công ty đã nghiên cứu và chế tạo thành công “Hệ thống cảnh báo xả lũ từ xa” sử dụng sóng điện thoại di động, lắp đặt dọc hạ du hồ. Trạm cảnh báo đầu tiên được đưa vào thử nghiệm đã được nhân dân và chính quyền địa phương đánh giá cao, sau đó được Bộ Công Thương và EVN yêu cầu phổ biến rộng rãi, để các công ty thủy điện khác nghiên cứu ứng dụng. Đến nay công ty lắp đặt được 19 trạm cảnh báo dọc hạ du các hồ. “Nhờ được cảnh báo sớm nên người dân có đủ thời gian, chủ động di dời người, tài sản, gia cầm, gia súc... ra khỏi khu vực nguy hiểm, góp phần giảm thiểu thiệt hại về tài sản và con người (đến nay chưa để xảy ra thiệt hại về con người do vận hành, điều tiết, xả lũ các hồ). Mặt khác, thông qua các trạm cảnh báo, chính quyền địa phương và người dân được thông báo trước quá trình điều tiết, xả lũ để sớm có biện pháp phòng tránh hữu hiệu”, ông Triết cho biết.

Để triển khai hiệu quả công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, công tác quản lý và vận hành an toàn đập thủy điện trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chỉ đạo các chủ đập tổ chức kiểm tra, đánh giá tình trạng đập, các thiết bị, công trình xả lũ, nhận nước... và khắc phục kịp thời các khiếm khuyết (nếu có) trước mùa mưa bão, bảo đảm an toàn đập và an toàn cho vùng hạ du. Thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý an toàn đập; thực hiện vận hành hồ chứa tuân thủ nghiêm quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ; rà soát quy trình vận hành hồ chứa để cập nhật, bổ sung phù hợp với thực tế công trình, đặc điểm hạ du, cập nhật khí tượng thủy văn... Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu các nhà máy thủy điện lắp đặt bổ sung các hình thức cảnh báo phù hợp cho nhân dân vùng hạ du khi vận hành xả lũ, phát điện; phối hợp với các cơ quan, đơn vị tuyên truyền cho người dân cách nhận biết tình huống xả lũ, kỹ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước khi sản xuất, đi lại ở khu vực sông suối hạ du của nhà máy...

D.HÙNG

* Theo Bộ Công Thương, đến nay, 278/278 đập, hồ chứa thủy điện có dung tích từ 50 ngàn m3 trở lên hoặc đập có chiều cao 5m trở lên trên địa bàn cả nước đã được chủ đập đăng ký an toàn đập và tiến hành kiểm tra định kỳ, báo cáo hiện trạng tới cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương. 254 chủ đập trong số này đã xây dựng phương án phòng, chống lụt bão bảo đảm an toàn đập được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt 80 trong số 85 phương án. 

Quản lý, vận hành an toàn đập thủy điện không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng mà còn cung cấp nước, hỗ trợ cắt, giảm hoặc làm chậm lũ cho vùng hạ du.