Ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông là rất cần thiết, cấp bách

Thứ sáu, 11/02/2022 11:25

Ngày 10-2, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học "Hoàn thiện pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ những vấn đề lý luận và thực tiễn" với sự tham dự của đại diện Ủy ban tư pháp Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội, Trung tâm nghiên cứu bảo vệ pháp luật (Viện Kinh tế Luật pháp) Quốc hội và các bộ, ban ngành trung ương, địa phương... Thiếu tướng Trần Minh Hưởng- Giám đốc Học viện CSND chủ trì điều phối tại hội thảo.

Các đại biểu phát biểu tại hội thảo. 

Thiếu tướng Trần Minh Hưởng cho rằng, TTATGT là trạng thái xã hội có trật tự được hình thành và điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông, vận tải công cộng nhằm bảo đảm cho trật tự, giao thông thông suốt, trật tự, an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản. TTATGT cũng là bộ phận quan trọng của trật tự, an toàn công cộng, được xem là bộ mặt của xã hội. Vì vậy, bảo đảm TTATGT nói chung, TTATGT đường bộ nói riêng là yêu cầu và nhiệm vụ cơ bản của mỗi quốc gia. Nhiều năm qua, công tác bảo đảm TTATGT luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm, có nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, quyết liệt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó lực lượng Công an nhân dân nói chung, cảnh sát giao thông nói riêng làm nòng cốt.  Theo Thiếu tướng Trần Minh Hưởng, trước khi diễn ra sự kiện này, Ban tổ chức đã nhận được tổng cộng gần 40 bài tham luận của các đơn vị, địa phương, các nhà khoa học, đóng góp những ý kiến tâm huyết để xây dựng và hoàn thiện kỷ yếu khoa học phục vụ hội thảo.

Nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo hầu hết cho rằng, việc xây dựng và phát hành Luật TTATGT thời điểm này là rất cần thiết và cấp bách phải làm ngay. Bởi sau 13 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ kể từ năm 2008, thực tế đã bộc lộ rất nhiều bất cập, trong đó một số nội dung về pháp luật chưa tương thích với thông lệ quốc tế. Việc ban hành Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ sẽ mang lại lợi ích lớn cho Nhà nước và người dân; tạo cơ sở pháp lý rõ, cụ thể, đủ mạnh về cơ chế, chính sách trong đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ và phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông (TNGT), bảo đảm TTATGT, góp phần thúc đẩy, nâng tầm cả 2 lĩnh vực đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới. Cùng với đó, sẽ quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trước Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với lĩnh vực được phân công và phù hợp với quy luật phát triển và kinh nghiệm lập pháp của các nước trên thế giới.

Thống kê cho thấy, cứ mỗi năm trôi qua, TNGT tại Việt Nam đã cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người. Trong khi đó, lượng phương tiện giao thông tăng chóng mặt, với tổng cộng 64 triệu mô-tô, 5 triệu ô-tô tính đến thời điểm này. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông lại chưa phát triển và ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn chưa nghiêm, nên tình hình TTATGT đường bộ diễn ra rất phức tạp; ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên.

Các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, do thể chế, chính sách, nhất là Luật Giao thông đường bộ năm 2008 còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu cụ thể, không quy định rõ đơn vị chịu trách nhiệm chính và chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, vì vậy cần thiết ngay lúc này là phải xây dựng và ban hành Luật TTATGT đường bộ tách biệt với Luật Đường bộ, nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ; đồng thời tạo ra bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm TTATGT. Ông Đỗ Đức Hồng Hà- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu rõ: Việc xây dựng Luật TTATGT đường bộ nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về ba đột phá chiến lược, hiện thực hóa tư duy đổi mới, tạo ra bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm TTATGT, bảo đảm an toàn về tính mạng sức khỏe cho người tham gia giao thông, góp phần đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc làm này cũng sẽ tiến tới giảm được ùn tắc giao thông gắn với bảo vệ môi trường.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Chung quan điểm, TS Trần Văn Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc chỉ rõ: Qua gần 13 năm triển khai Luật Giao thông đường bộ đã bộc lộ nhiều bất cập, như: Quy tắc giao thông đường bộ còn thiếu và chưa sát thực tế; thiếu quy định để quản lý phương tiện giao thông, ràng buộc trách nhiệm pháp lý của chủ phương tiện; chưa quy định rõ trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của các bộ ngành, địa phương đối với từng nội dung cụ thể của công tác bảo đảm  trật tự an toàn giao thông. Bởi vậy, việc xây dựng Luật TTATGT đường bộ sẽ giúp hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật về bảo đảm TTATGT. Trung tướng Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh cũng nhấn mạnh rằng, nếu cứ để Luật Giao thông như hiện nay sẽ rất bất ổn. Muốn cho đất nước phát triển, doanh nghiệp phát triển thông thoáng và tình trạng ùn tắc, TNGT giảm thiểu xuống thấp nhất, cần có luật đảm bảo TTATGT.

Kết luận hội thảo, Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng khẳng định rằng: Các đại biểu đã dành nhiều trí tuệ, tham gia viết những bài tham luận phục vụ cho hội thảo rất tâm huyết. "Ngay sau hội thảo này, trên cơ sở ý kiến phát biểu của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, chuyên gia thuộc các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, các viện nghiên cứu và cơ sở đào tạo trong và ngoài ngành Công an, Học viện Cảnh sát nhân dân sẽ tổng hợp, báo cáo, kịp thời tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an trong xây dựng, báo cáo trình Chính phủ, Quốc hội Dự thảo Luật TTATGT đường bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay", Thiếu tướng Trần Minh Hưởng nói.

* Cũng trong ngày 10-2, Trung tướng, TS Đỗ Lê Chi- Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và Lịch sử Công an, kiêm Viện trưởng Viện Chiến lược Công an đã chủ trì hội thảo "Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật bảo đảm TTATGT đường bộ". Mục đích của hội thảo nhằm làm rõ luận cứ, luận chứng khoa học để góp phần hoàn thiện pháp luật bảo đảm TTATGT đường bộ, hướng tới xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn. Trước khi diễn ra hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 67 báo cáo khoa học, thể hiện trí tuệ của các chuyên gia hàng đầu ở các bộ, ban, ngành nghiên cứu lý luận, thực tiễn về vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cấp thiết này.

Như Trung tướng GS. TS Nguyễn Minh Đức- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, phát biểu nhấn mạnh về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc ban hành Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ; Đại tá TS Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT nêu rõ tổng quan về sự cần thiết phải tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ; Ông Đỗ Văn Thắng- Phó Vụ trưởng Vụ 2, Viện KSND Tối cao nêu quan điểm về công tác nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ; PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng- Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và PGS. TS Ngô Huy Cương- Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nói về tính cấp thiết và những luận cứ khoa học của việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ...

Hầu hết các đại biểu đã đi sâu, tập trung phân tích, đánh giá sự cần thiết và xác định rõ cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật TTATGT đường bộ, đồng thời thống nhất cao về sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật theo hướng tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Đường bộ và Luật TTATGT đường bộ.

Công Hạnh