Bản nghèo mê “pớc-clơ arưn”

Thứ ba, 16/09/2014 09:00

(Cadn.com.vn) - Đi thăm rừng hay đi coi rừng tiếng Vân Kiều có nghĩa là pớc-clơ arưn. Trong khi nhiều cánh rừng đang từng ngày bị xẻ thịt thì người dân ở thôn Ruộng, xã Hướng Tân (H. Hướng Hóa, Quảng Trị) cùng nhau đứng ra bảo vệ cánh rừng già hàng trăm năm tuổi bao bọc quanh làng.

 Một góc thôn Ruộng. 

Vắt cơm nắm thăm rừng

Mờ sáng, căn nhà sàn của trưởng thôn Ruộng Hồ Văn Thắng (41 tuổi) đã rộn rịp bước chân người. Hôm nay, bản làng tề tựu ở nhà anh Thắng để cùng nhau đi thăm, tuần rừng. Mọi người ai cũng hăm hở làm những việc tối cần thiết để chuẩn bị cho chuyến đi: người mài rựa, người hì hụi giã trái bồ hòn chống vắt, người lại tranh thủ vắt từng nắm cơm trắng bên ngọn lá dong luộc sẵn.

Khâu chuẩn bị vừa xong, trưởng thôn Thắng tập hợp mọi người thành hai hàng ngang, rồi dõng dạc: “Như thường lệ một tháng 4 lần, bản ta lại đi thăm rừng. Hôm nay, bản làng cắt cử 20 người, phân thành 4 tổ, mỗi tổ gồm 5 người chia đều ra bốn phía đi tuần rừng. Chúng ta sẽ tập trung trên đỉnh núi Nam Đàng để nghỉ ngơi và báo cáo tình hình. Đề nghị anh em pớc-clơ arưn...”. Dứt lời, mọi người tỏa ra các hướng để tiến vào rừng. Tôi theo chân trưởng thôn Thắng cùng 4 người khác lội qua con suối Khe Sanh gập ghềnh đá thác, bắt đầu một chuyến “pớc-clơ arưn”...

Cơn mưa rừng chiều hôm qua làm lối đi vào rừng trơn trượt. Vắt nhiều như rễ tre, muỗi thì vã ra từng đàn như trấu. Cũng may trước lúc lên đường, trưởng thôn Thắng đã kịp bôi cho tôi một phương thuốc giấu nên tôi không hề hấn gì. Cả nhóm đang đi, chợt trưởng thôn Thắng dừng lại bên một cây sao cổ thụ bằng hai vòng tay người lớn rồi rút cây dao từ thắt lưng nhẹ nhàng khắc dấu nhân lên gốc cây đã chi chít vết chéo nhỏ. “Mỗi tháng đi thăm rừng, chúng tôi đều khắc dấu một lần lên thân cây cổ thụ nào đó. Một là để tránh lạc đường, hai là để con cháu sau này biết, chúng tôi đã bỏ công ra giữ rừng như thế nào”, trưởng thôn Thắng giải thích.

Một nhóm đi tuần rừng ở thôn Ruộng; ...

Càng đi sâu vào rừng, trời càng tối sầm lại. Những thân cây cổ thụ vươn mình thẳng tắp, tán cây xõa rộng. Rừng ở đây còn rất nguyên sơ, có nhiều cây thân bằng đường kính rộng đến hai, ba vòng tay ôm, tuổi thọ của chúng cũng dễ đến hàng trăm năm tuổi như: dẻ, sao, trường, lội... Già Hồ Ta Ne (64 tuổi), người đã đi thăm, giữ rừng từ cái thuở mới tập tành đi tán gái, cười tự hào: “Đố chú tìm ra cánh rừng nào còn hoang sơ như rừng ở bản Ruộng này. Nãy giờ, chú nghe thấy tiếng vượn hót, mang tác ngoài bìa rừng kia không? Vì bản làng cấm săn bắn nên thú rừng ở đây còn nhiều lắm...”.

Vừa đi già Ta Ne vừa kể thêm rằng, trước đây bà con chưa có ý thức giữ rừng, quanh năm chỉ biết phá, đốt, cuốc, trỉa nên hằng năm những cơn lũ quét, sạt lở đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của bản làng, rồi tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng vào mùa hè khiến người dân ở đây rất khốn khổ. Từ khi nhận ra lợi ích của giữ rừng, dân làng đã tự giác đứng ra chung tay bảo vệ, không tùy tiện chặt phá rừng như trước đây nữa. Còn lương y Hồ Văn La (56 tuổi) thì cho hay: “Rừng thôn Ruộng có rất nhiều loài thuốc quý, chỉ cần đi dọc bìa rừng thôi hái cũng đủ để chữa những bệnh thông thường rồi. Cũng nhờ rừng mà người dân bản Ruộng bây giờ không còn sợ lũ quét, không còn lo thiếu nước sinh hoạt như xưa nữa đâu”, lương y La hớn hở.

Say sưa bên những mẩu chuyện của nhóm thăm rừng, thoáng chốc chúng tôi đã đến đỉnh Nam Đàng. Từ đây phóng tầm mắt nhìn xuống, bản Ruộng như một dải lụa óng ả dưới ánh nắng ruộm vàng. Mọi người đã tập trung đông đủ, họ báo cáo cho nhau nghe tình hình rừng sau khi đã đi khảo sát, trưởng thôn Thắng thì luôn tay ghi chép vào cuốn sổ nhỏ mang theo.

Cả nhóm thở phào khi nghe trưởng thôn Thắng thông báo toàn bộ khu rừng không hề có dấu hiệu chặt phá nào. Đỉnh rừng hoang vu, lạnh lẽo chợt đầm ấm, vui vầy hẳn lên khi mọi người san sẻ cho nhau từng vốc nước, từng nắm cơm dẻo thơm mang theo. Đến quá trưa, chúng tôi cùng nhau xuôi rừng trở về bản...

... và Trưởng thôn Hồ Văn Thắng bên cây sao hàng trăm năm tuổi.

“Luật” miệng... giữ được rừng

Thôn Ruộng có tất cả 105 hộ dân với 570 nhân khẩu. Trong đó, số hộ nghèo chiếm đến 64%. Để bà con không “ăn” vào rừng, bản làng đã đề ra luật lệ chỉ truyền bằng miệng: “Ai cần làm nhà cửa thì phải viết đơn trình làng, nếu xét thấy nhu cầu đó là chính đáng, làng sẽ trình đơn lên xã, lên Chi cục Kiểm lâm huyện. Khi nào các cấp chính quyền đồng ý, thì mới được đốn cây làm nhà.

Việc đốn cây sẽ do làng cử người đứng ra giám sát. Nếu ai dám tự tiện chặt cây thì sẽ bị phạt như sau: chặt một cây nhỏ thì phải cúng làng một con heo, chặt cây to, gỗ quý thì làng phạt một con trâu. Cứ thế nhân lên, đốn bao nhiêu cây thì phạt bấy nhiêu con”. Già làng Hồ Cập (60 tuổi) tâm sự rằng, để dân bản không chặt phá rừng thì những người đứng đầu thôn phải gương mẫu và luôn đi đầu trong công tác bảo vệ rừng, như thế bà con mới tin và làm theo.

Hàng chục năm qua, nhờ những luật “miệng” nghiêm khắc đó nên rừng ở bản Ruộng không một ai dám xâm phạm. Dân bản vào rừng lấy củi thì luôn bảo ban nhau chỉ nhặt nhạnh củi khô hay những cành cây bị bão quật gãy mà thôi.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Hướng Tân Lê Thị Hội cho biết: “Người dân ở thôn Ruộng rất có ý thức trong việc bảo vệ rừng. Bà con tự nguyện bỏ công sức ra giữ rừng, chứ nhưng không đòi hỏi một đồng trợ cấp nào cả. Vì tinh thần bảo vệ rừng tốt, nên tháng 8-2006 UBND xã Hướng Tân đã có Quyết định số 134/QD về việc giao 101 ha rừng tự nhiên, tại tiểu khu 692 cho thôn Ruộng quản lý, bảo vệ và hưởng hoa lợi từ rừng. Về phía UBND xã, chúng tôi luôn động viên, thăm hỏi và tuyên dương trước toàn dân về thành tích giữ rừng rất tốt của bà con thôn Ruộng”.

...Chiều muộn, tôi từ giã bản làng để trở về thành phố, vượt qua tấm bảng bê-tông đề dòng chữ “Toàn dân tích cực bảo vệ rừng” không còn đọc ra chữ. Chợt nhớ trưởng thôn Thắng: “Không sao, việc giữ rừng ăn sâu vào tiềm thức của bà con nơi đây...”.

Bùi Đức Nghĩa