Bán ốc, phụ hồ để trốn truy nã
Trở lại đường cũ
(Cadn.com.vn) - Lớn lên trong gia đình nghèo có tới 7 anh chị em ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa, Nguyễn Văn Phương (1977) không được học hành đến nơi đến chốn, không có lấy một công việc ổn định. Sớm giao du với đám bạn bất hảo nên tính khí của Phương tỏ ra lì lợm. Ngay cả khi đã lập gia đình, sinh con thì tính hung hăng trong Phương vẫn không bớt. Năm 2005, dù đã có con trai 2 tuổi, dù được vợ can ngăn khì Phương vẫn lao vào “thua đủ” với người hàng xóm, để rồi đối mặt với bản án về hành vi “Cố ý gây thương tích”. 4 tháng sau, khi hậu quả của vụ việc này còn chưa giải quyết xong, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, Phương tiếp tục thể hiện bản lĩnh “đàn anh”, dùng hung khí “xuống tay” với một thanh niên làng. Lần này Phương bị khởi tố về hành vi “Cố ý gây thương tích” và phải gánh nhận hậu quả do mình gây ra là một bản án 5 năm tù.
Những tháng ngày trong tù, Phương được vợ con tới thăm, được cán bộ quản giáo thuyết phục nên động lòng, quyết tu chí cải tạo để sớm được về với gia đình. Vì cải tạo tốt, Phương được đặc xá ra tù trước thời hạn. Năm 2010, cô con gái thứ 2 của Phương chào đời. Với quyết tâm tu chí, làm lại cuộc đời để bù đắp những tháng ngày cơ cực cho vợ con, Phương đã đưa cả nhà vào Đà Nẵng lập nghiệp với ước mong sớm đổi đời. Tại vùng đất mới không người thân thích, nơi gia đình Phương có thể bấu víu, kiếm việc làm, chính là những người đồng hương ở Tĩnh Gia đang làm đủ thứ nghề mưu sinh từ bán báo, bán vé số, đánh giày, phụ hồ…
Phương thuê một căn nhà trọ tại Q. Ngũ Hành Sơn, xin cho vợ làm phục vụ trong một nhà hàng ăn uống trên đường Võ Nguyên Giáp, còn bản thân mình theo chân nhóm đồng hương Thanh Hóa đi làm thợ hồ, sơn sửa nhà. Cuộc sống cơ cực nhưng lương thiện thấm thoát trôi qua được hơn 3 năm. Thế rồi, một lần tình cờ ngồi uống cà-phê với người đàn em đồng hương Tĩnh Gia đang làm tài xế xe tải là Đậu Xuân Hiệu (1988, trú P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn), nghe Hiệu kể về phi vụ “làm ăn” vừa nhẹ nhàng nhưng lại có nhiều tiền, Phương đã rất “hứng thú”. Chẳng là lúc đó Hiệu và đồng bọn đã thực hiện 4 vụ cắt trộm cáp dây điện chiếu sáng khu vực núi Sơn Trà thuộc P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà, sau đó đốt vỏ nhựa bên ngoài để lấy lõi đồng đem bán phế liệu, thu về gần 50 triệu đồng.
Đang lúc làm ăn vất vả lại nghe có vụ “hời” nên Phương đồng ý ngay. Phương theo Hiệu cùng đồng bọn thực hiện liên tiếp 4 vụ cắt trộm cáp điện chiếu sáng, thu về bộn tiền. Cụ thể, trong 4 vụ Phương tham gia cả bọn đã thu về 50 triệu đồng. Theo tài liệu của CQĐT CATP Đà Nẵng, tổng cộng 9 vụ cắt trộm cáp điện mà Hiệu cầm đầu, bọn chúng đã cắt hơn 4.000m cáp điện, thiệt hại hơn 940 triệu đồng. Sau khi gây án, lần lượt các đối tượng bị bắt giữ, bị đưa ra xét xử, trong khi Phương với độ “quái” của mình đã nhanh chóng bỏ trốn khỏi Đà Nẵng.
Cuối năm 2014, Phương bị CATP Đà Nẵng truy nã toàn quốc theo dạng đặc biệt về tội hủy hoại tài sản. Xác định Phương là đối tượng nguy hiểm nên Phòng CSTNTP CATP Đà Nẵng đã xác lập chuyên án, huy động nhiều lực lượng, phương tiện và các biện pháp nghiệp vụ truy bắt Phương.
Nguyễn Văn Phương. |
Đổi nghề cũng không thoát
Để vợ con ở Đà Nẵng, Phương nhanh chóng “phắn” vào TPHCM, chọn khu vực Q. Bình Tân để lẩn trốn. Tại đây, Phương gặp gỡ, nương nhờ những người đồng hương Tĩnh Gia đang làm nghề đánh giày, đẩy xe bán đồ ăn vặt. Phương lấy lý do ở quê nghèo quá nên phải kiếm đường mưu sinh - một lý do mà những người đồng hương rất dễ thông cảm, sẻ chia. Vì vậy, họ không ngần ngại “kết nạp” Phương vào xóm trọ, tạo điều kiện để Phương có xe đẩy, hằng đêm nấu ốc hút, đẩy xe ra phố bán. Bằng cách đó, Phương vừa tạo cho mình vỏ bọc mới, vừa kiếm được tiền để trang trải trong quá trình lẩn trốn.
Hành trình đẩy xe bán ốc của Phương khép lại với cái kết buồn. |
Theo các TS Phòng CSTNTP CATP Đà Nẵng, mỗi khi đẩy xe ốc ra đường bán, Phương thường đội mũ lụp xụp, bịt khẩu trang, chỉ để lộ đôi mắt, hòng tránh sự phát hiện. Tuy vậy, đường phố bụi bặm, việc che mặt kín của Phương thực ra cũng không gây ngạc nhiên cho nhiều người, nhưng với các TS thì rất khó khăn. Sau khi tung TS, triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, dù biết Phương đang bán ốc bằng xe đẩy ở khu vực Tân Bình, nhưng tìm y ở đâu, làm cách nào để lột khẩu trang, xác định đúng đối tượng không hề dễ. Các TS đã phải đi lòng vòng, gặp bất cứ người đàn ông nào đẩy xe bán ốc đeo khẩu trang cũng hỏi thăm, nhưng không có kết quả.
Với sự tinh quái, đa nghi, sau một thời gian đẩy xe bán ốc, Phương thấy có dấu hiệu bất ổn nên đã tìm cách “chuồn” khỏi địa bàn TPHCM. Điểm dừng chân tiếp theo của Phương chính là TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Khi tới Nha Trang, gã bán ốc đã chuyển sang làm thợ hồ. Tất nhiên, điểm bấu víu của Phương cũng lại là những người đồng hương Thanh Hóa. Phương đi theo nhóm thợ hồ cùng quê làm các công trình nhà dân gần khu du lịch Trăm Trứng (Nha Trang). Tất nhiên, để che đậy tung tích của mình, gã thợ hồ này cũng tỏ ra chăm chỉ, ăn ở lì trong công trình. Lấy lý do “dị ứng” với ánh nắng mặt trời, nên khi làm thợ hồ, Phương che kín cả mặt hòng phòng ngừa biến cố. Tuy nhiên, dù Phương có tinh quái, tạo vỏ bọc thế nào thì hành tung của y vẫn bị các TS tìm ra.
15 giờ một ngày đầu tháng 9-2015, khi Phương đang phụ hồ thì bị các TS bất ngờ xuất hiện bắt giữ. Ngày về Đà Nẵng gặp lại vợ con sau gần 1 năm trốn chạy của gã bán ốc là kết cục buồn.
Hải Quỳnh