"Bàn tay vàng" của nghệ nhân đúc đồng

Thứ hai, 04/01/2021 19:50

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận B, 72 tuổi, trú 314/7/1 Bùi Thị Xuân, phường Phường Đúc (TP.Huế, TT- Huế) có "bàn tay vàng" trong nghề đúc đồng truyền thống. Nhiều năm qua, ông đã thành công với nhiều sản phẩm bằng đồng tầm cỡ, cùng với kỹ thuật, kỹ xảo đúc điêu luyện và đang được nhiều tỉnh thành trong cả nước tín nhiệm đặt hàng.

Súng thần công do "bàn tay vàng" của ông Thuận B và kíp thợ chế tác.

"Cha đẻ" của những pho tượng khủng

 Hiện ông Thuận B đang điều hành một kíp thợ 15 người tại xưởng đúc rộng hơn 1.000 m2 của ông ở Phường Đúc. Sinh ra trong một gia đình và dòng họ có truyền thống làm nghề đúc đồng, năm 18 tuổi Thuận B theo học nghề đúc với ông nội. Bản tính chăm chỉ, chí thú làm ăn, vừa học nghề vừa tham gia làm các sản phẩm đúc đồng, vừa tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từng bước hoàn thiện tay nghề nên chỉ vài năm sau anh đã nắm vững kỹ thuật cơ bản của nghề đúc do ông và cha truyền dạy. Năm 1994 anh mở cơ sở đúc đồng riêng để tiếp tục truyền dạy kinh nghiệm, kiến thức cho con cháu trong gia đình và các thanh niên ở địa phương có nhu cầu học nghề đúc đồng.

Có thể nói, ông Thuận B là nghệ nhân có "đạo tâm" nên ngày càng được khách hàng gần xa biết đến, đặt hàng với số lượng lớn. Sản phẩm do "bàn tay vàng" của ông chế tác không những có mặt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước mà còn vươn ra thế giới như: Thái Lan, Mỹ, Australia... Là nghệ nhân rất có trách nhiệm với công việc nên trong quá trình hành nghề, ông luôn có ý thức "làm mới tự thân". Bên cạnh việc nắm giữ các kỹ năng, bí quyết trong nghề đúc đồng truyền thống, ông còn sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của nhiều khách hàng khó tính. Sản phẩm bằng đồng của xưởng ông sản xuất chủ yếu là chuông, tượng phật các loại, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm; các sản phẩm trưng bày tại các bảo tàng, nơi thờ cúng tâm linh, di tích lịch sử văn hóa, đủ các loại kích cỡ từ vài kg (mặt hàng lưu niệm) đến các sản phẩm lớn, có trọng lượng 5-6 tấn.

Ông Thuận B chia sẻ: "Để có một sản phẩm chất lượng tốt thì đòi hỏi người thợ phải cẩn trọng trong từng công đoạn. Từ khâu chọn chất liệu đồng, phải là đồng tra (già), cách pha chế các loại vật dụng và các phụ gia, phương pháp nấu đồng, thời gian nấu đồng chảy với độ trong suốt trước khi rót, rồi kỹ thuật rót đồng vào khuôn mẫu có độ tinh xảo cao cho đến khâu làm nguội, gia công và hoàn chỉnh sản phẩm. Tất cả đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu và sự nhạy bén, khéo léo của người thợ". Ông đã trực tiếp thiết kế, chế tác ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế, mỹ thuật, kỹ thuật cao như: Hạc cưỡi rùa bằng đồng nặng 500 kg, cao 2m; súng thần công bằng đồng nặng hơn 1,2 tấn, dài 2m; Mục đồng thổi sáo trên lưng trâu nặng 1 tấn, cao 2m...

Trong các kỳ Festival Huế và Festival nghề truyền thống Huế đều có các sản phẩm bằng đồng của nghệ nhân Thuận B trưng bày tại triển lãm như tượng Quan Công, các loại phù điêu: khánh Đại Nội Huế, Cửu Đỉnh, chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền, cầu ngói Thanh Toàn... Phần lớn sản phẩm của nghệ nhân tài hoa này đều đã có mặt ở các tỉnh thành lớn của đất nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bến Tre, Quảng Ngãi, Đồng Tháp... Tiêu biểu, năm 2016 ông đã đúc đại hồng chung nặng 1,4 tấn đặt tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bến Tre, đúc 8 pho tượng (mỗi tượng cao 1,5 - 3,5m, nặng 750 kg - 2 tấn) và đại hồng chung cao 2m và nặng 1,2 tấn bằng đồng với nhiều khuôn mẫu, chi tiết tinh xảo đòi hỏi kỹ thuật cao với mục đích thờ cúng tâm linh và chiêm ngưỡng, đặt tại tháp 7 tầng chùa Pháp Vân (Q.Tân Phú, TP.HCM); tượng "Thiên thủ thiên nhãn" (nghìn mắt nghìn tay) cao 4m nặng 2 tấn; tượng phật Di Đà cao 4m, nặng 3 tấn... Năm 2017, nghệ nhân Thuận B đã đúc thành công tượng Phật Tổ cao 4m, nặng 4 tấn cho chùa Linh Sơn Tự (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư Mgar, tỉnh Đăk Lăk), ông cùng kíp thợ hơn 40 người, với thời gian làm việc 4 tháng đã thực hiện thành công đúc 1 tượng Phật Thích Ca Mâu Ni khổng lồ nặng 6 tấn, cao 4,5m (kể cả tòa sen) đặt tại một ngôi chùa ở thành phố Buôn Mê Thuột.

Ba bộ độc lư "khủng" đã đóng gói, chuẩn bị chở ra huyện đảo Phú Quốc.

  Giữ lửa nghề

Hơn 50 năm hành nghề, ông cũng không nhớ nổi mình đã sáng chế bao nhiêu mẫu mới, đúc bao nhiêu pho tượng Phật, Bồ Tát, các vị La Hán, tượng Bác Hồ, cũng không nhớ hết số lần mà ông phải khăn gói vào Nam ra Bắc để đúc đại hồng chung, đại tượng hoặc thực hiện các đơn đặt hàng làm bức phù điêu hay các sản phẩm lưu niệm bằng đồng trưng bày ở trong và nước ngoài. Tuy nhiên, nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận B đã đào tạo nghề cho 106 học viên là người địa phương. Ông có 7 người con trai thì có đến 6 người đã theo nghiệp cha, hiện họ làm cùng xưởng với ông và có 2 người đã mở xưởng riêng đang phát triển thịnh hành ở Huế.

Là nghệ nhân tiêu biểu của làng đúc đồng xứ Huế, cả cuộc đời gắn bó, tâm huyết với nghề, ông không những sống cho bản thân, gia đình mà thường xuyên quan tâm đến cộng đồng, xã hội, động viên giúp đỡ những người nghèo khó, đóng góp kinh phí cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Ủy ban Trung ương MTTQVN tỉnh để tặng quà cho người nghèo, già cả, neo đơn trong ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và Tết Nguyên đán hàng năm; tạo công ăn việc làm ổn định cho 15 lao động ở địa phương, với mức lương từ 9 - 12 triệu/người/tháng.

Xưởng đúc đồng của ông đã sản xuất nhiều sản phẩm để trưng bày tại lễ hội Festival nghề truyền thống Huế 2019 vừa qua, như: bộ binh đao, cặp đèn cỡ lớn, bộ lư hình trái bóng và nhiều sản phẩm lưu niệm khác như tượng Bác Hồ, biểu tượng cụ Phan Bội Châu, phù điêu chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền, Cửu Đỉnh, cửa Ngọ Môn, đặc biệt là đã chế tác thành công 2 khẩu súng thần công (mỗi khẩu dài 2,4m và nặng 800kg).

Không những là nghệ nhân lành nghề ông Thuận B còn tích cực tham gia các hoạt động chính trị-xã hội ở địa phương: là ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQVN tỉnh Thừa Thiên - Huế nhiệm kỳ 2014-2019 và nhiệm kỳ 2019-2024. Do có nhiều thành tích xuất sắc, có công gìn giữ, bảo tồn, truyền bá nghề thủ công mỹ nghệ đúc đồng truyền thống nên ông đã được các cấp tặng nhiều bằng khen, chứng nhận tài năng, công đức "giữ lửa", phát triển làng nghề.

Tiêu biểu như: chứng nhận đoạt giải Ba với sản phẩm "Súng thần công" trong Hội thi sản phẩm lưu niệm và quà tặng do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức năm 2010; giấy chứng nhận danh hiệu "Bàn tay vàng Việt Nam" do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Trung ương trao tặng trong Chương trình Truyền thông quảng bá sản phẩm du lịch tiêu biểu năm 2012; Đài phát thanh truyền hình Thừa Thiên - Huế (TRT) làm phóng sự: "Nghệ nhân có bàn tay vàng" năm 2016. Tháng 6-2018 ông vinh dự được nhận Bằng khen của Trung ương Hiệp hội làng nghề Việt Nam vì "Đã có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển Hiệp hội Làng nghề Việt Nam". Mới đây, ngày 15-12-2020 ông Nguyễn Văn Thuận B vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

VÕ VĂN DẦN