Bản tin được Bác Hồ sửa

Thứ hai, 27/06/2016 09:26

(Cadn.com.vn) - Trong cuộc đời phóng viên của tôi, có lẽ vinh dự và hạnh phúc nhất là được đi phục vụ Bác Hồ. Một số anh chị em ở Thông tấn xã còn giữ những kỷ niệm quý báu về Bác: đó là bản tin mình viết đã được tự tay Bác sửa lại. Ngày 10 tháng Giêng năm 1959, tôi được đi theo Bác đến thăm Hội nghị thủy lợi toàn miền  Bắc, lớp nghiên cứu chính trị của trường Đại học Nhân dân và nông trường quân đội An Khánh. Chỉ trong một buổi chiều, Bác tranh thủ đi thăm ba nơi, mà nơi nào cũng quan trọng. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác, dặn tôi khi nào viết xong tin đưa lên để Bác xem và duyệt trước khi phát cho các báo, đài và in vào Bản tin trong nước của Thông tấn xã Việt Nam.

Sáng 11-1, viết tin xong, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, tạm hài lòng với bản tin tương đối ngắn, giản dị, đầy đủ những lời Bác dạy, những điều Bác nêu, các đồng chí phụ trách bản tin trong nước và Bộ Biên tập TTXVN sửa lại cẩn thận, rồi cho đánh máy rõ, đẹp, kính gửi lên Văn phòng Phủ Chủ tịch.

Ngày 12-1, TTXVN nhận được bản tin từ trên Văn phòng Bác gửi lại cho cơ quan, nhìn bản tin có chữ màu đỏ do Bác chữa, tôi vô cùng xúc động. Bác đã dành thời giờ xem tin, tranh thủ chữa ngay để có bản tin cung cấp cho các báo ra hàng ngày tại Hà Nội và Đài Tiếng nói Việt Nam. Bản tin về hoạt động của Bác ra sớm theo đúng tinh thần thời sự của tin tức, nhằm phục vụ nhanh nhất yêu cầu thông tin xã hội. Điều này làm chúng ta càng thêm kính trọng Bác-vị  lãnh tụ vĩ đại của Đảng, của dân tộc, hết lòng quan tâm chăm sóc, bồi dưỡng cho phóng viên và sự nghiệp báo chí.

Trong tin tôi viết: "Hồ Chủ tịch, vạch rõ: "Năm ngoái, các địa phương làm 107 cái cống, sau khi kiểm tra có 87 cái hỏng. Trách nhiệm ấy là do cán bộ từ cấp trên xuống dưới quan liêu, không nghĩ đến nhân dân, làm thiệt hại cho Nhà nước, cho nhân dân. Nếu từ trên xuống dưới có tinh thần phục vụ thì không đến nỗi như thế".

Bác sửa lại: "Hồ Chủ tịch vạch rõ: Năm ngoái các địa phương làm hơn 100 cái cống, sau khi kiểm tra có nhiều cái hỏng. Trách nhiệm ấy là do cán bộ quan liêu, thiếu tinh thần phụ trách mà làm  thiệt tiền bạc của nhà nước, công sức của nhân dân".

Tôi viết 3 câu, 66 từ. Bác sửa gọn lại 2 câu, 51 từ mà rõ ràng, khúc chiết, súc tích biết bao! Lời Bác dạy phê phán cán bộ mạnh mẽ và thiết thực. Trong khi tôi nêu rõ số liệu cụ thể như 107 cái cống có 87 cái hỏng, thì Bác tránh không nêu. Qua đó, chúng ta hiểu khi đưa ra con số cụ thể cần cân nhắc kỹ lưỡng về lợi hại của nó.

Hoặc đoạn Bác đến thăm nông trường quân đội An Khánh, tôi viết: "Hồ Chủ tịch đã nêu lên một số tư tưởng lệch lạc của anh em như lao động trí óc vẻ vang hơn lao động ở nông trường nông thôn. Cần phải xác định rõ bất kỳ lao động nào, dù trong nhà máy, nông trường, nông thôn đều vẻ vang cả. Cần gạt bỏ tư tưởng cá nhân vì tư tưởng cá nhân đẻ ra nhiều cái xấu, lười biếng, tham ô, đòi hưởng thụ, kèn cựa, địa vị... Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa, muốn có con người XHCN, phải có tư tưởng XHCN, muốn có tư tưởng XHCN phải gột rửa tư tưởng cá nhân". Bác đã sửa lại ngắn gọn hơn. Tôi viết: "Cần phải xác định rõ hơn bất kỳ lao động nào dù ở trong nhà máy, nông trường, nông thôn cũng đều vẻ vang cả". Bác sửa: "Cần phải xác định rõ bất kỳ lao động nào ích nước, lợi dân cũng đều vẻ vang cả". Chỉ có bốn chữ "ích nước lợi dân" mà Bác nêu bật được ý nghĩa to lớn của lao động trên mọi lĩnh vực. Điều đó có nghĩa nhắc nhở chúng ta khi viết cần phải nêu bật được cốt lõi của vấn đề. Đó cũng là nét văn phong của Bác, thể hiện "lời ít ý nhiều" mà chúng ta cần ra sức học tập và khổ công rèn luyện.

Có lần Bác trực tiếp dạy tôi: "Các cháu viết tin phải nắm vững ý đồ của Đảng, của Bác" và theo tôi nghĩ, đó chính là cốt lõi của vấn đề mà người nói nhấn mạnh, và làm tin, phóng viên phải nêu cho được.

Đinh Chương