Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND: Thời hoa lửa!

Thứ bảy, 28/07/2018 19:11

Là cơ quan tham mưu cho Khu ủy về công tác tư tưởng chính trị trong kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường Khu V, Ban Tuyên huấn Khu V được Khu ủy giao quản lý và chỉ đạo nội dung chuyên môn thuộc các binh chủng như: tuyên truyền, huấn học, báo chí, thông tấn xã, giáo dục, văn hóa, văn nghệ, điện ảnh. Và với sứ mệnh đó, Ban tuyên huấn đã trở thành trái tim của Khu ủy đưa ra những lời kêu gọi, tinh thần hăng hái lên đường thúc giục hàng triệu người dân yêu nước lúc bấy giờ.

Căn cứ địa của Ban tuyên huấn khu V nằm ở vùng núi Quảng Nam, một phần của dãy Trường Sơn đầy hiểm trở.   Ảnh: T.L

Tiếng nói của nhân dân khu V

Thời chiến tranh, những khẩu hiệu như "Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ", "Không có gì quý hơn độc lập tự do", "Tìm Mỹ mà đánh, lùng ngụy mà diệt", "Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh", "Không sợ Mỹ vào đông chỉ sợ không có Mỹ mà đánh" đã trở thành biểu tượng về  quyết tâm đánh địch của nhân dân ta. Và chính những khẩu hiệu này được phát đi từ Ban tuyên huấn đã trở thành lời hiệu triệu toàn dân. Mặc dù được phân công nhiều nhiệm vụ nhưng nhiệm vụ khó khăn nhất lúc bấy giờ của Ban Tuyên huấn là làm thế nào để truyền tải thông tin với người dân, nhất là trong điều kiện chiến tranh và Ban có quá ít người.  Khi mới thành lập, Ban chỉ có 3 cán bộ do đồng chí Trương Chí Cương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Khu ủy làm trưởng ban. Đến năm 1961, cán bộ từ miền Bắc vào và các địa phương điều động lên đã nhanh chóng hình thành các tiểu ban chuyên môn. Ban đã cử cán bộ liên lạc với cơ sở cách mạng trong nội thành Đà Nẵng vận động các nhà kinh doanh có cảm tình với Cách mạng mua được 2 máy in đẩy tay với 1.500 con chữ, vài tấn giấy và mực in, vượt qua mọi sự kiểm soát của địch đưa về căn cứ. Sau đó ban đã liên lạc trực tiếp với TTXVN, tin tức báo chí tài liệu tuyên truyền được chuyển tải nhanh chóng tới TTXVN, ngay sau đó được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Giải Phóng, lan tỏa nhanh chóng đến toàn dân.

Đến năm 1965 Thông tấn xã Khu V có 60 phóng viên đủ các bộ phận chuyên môn nhiếp ảnh, kỹ thuật và phóng viên thường trú các tỉnh miền Trung. Hằng ngày, Thông tấn xã Khu V chuyển ra Thông tấn xã Việt Nam trên 20 tin bài. Trưa 29-3-l975, TP Đà Nẵng giải phóng cũng là lúc cán bộ Tuyên huấn Khu V đã có mặt tiếp quản Nha thông tin, Đài phát thanh, kết hợp với cán bộ địa phương sử dụng các phương tiện thông tin của địch tuyên truyền ổn định tình hình trật tự trong thành phố. Riêng Đài phát thanh, chiều 29-3-1975 đã được tiếp quản sử dụng nhân viên kỹ thuật của chế độ cũ ở lại thực hiện tiếp sóng Đài giải phóng và đúng 10 giờ ngày 30-3-1975, buổi phát thanh đầu tiên của Ủy ban quân quản thành phố Đà Nẵng được cất lên sau 117 năm bị đô hộ và kiên cường đấu tranh, chính quyền cách mạng thành phố Đà Nẵng tuyên bố thành phố đã quét sạch quân xâm lược.

Về thăm căn cứ Nước Oa (huyện Bắc Trà My) - một trong những địa điểm hoạt động của Khu ủy Khu V.

Khu V anh hùng

Nhớ đến căn cứ địa của các cơ quan Khu ủy V, ông Nguyễn KimTuấn - Trưởng ban liên lạc Khu V cho biết căn cứ nằm ở miền núi phía tây tỉnh Quảng Nam. Đây là một phần của dãy Trường Sơn hùng vĩ, có ngọn Ngọc Linh cao 2.600m, địa hình hiểm trở vực sâu tiếp dốc đứng, vùng căn cứ là nơi sinh sống của nhiều dân tộc ít người. "Đây là cộng đồng các dân tộc trung kiên chí cốt với Cách mạng, họ chưa hề bị khuất phục ách thống trị của thực dân. Đặt căn cứ ở đây anh em chúng tôi được bà con nuôi nấng, chở che. Họ trồng tỉa đến mùa thu hoạch chỉ giữ lại một ít lúa giống, lương thực cho người già và trẻ nhỏ, còn tất cả để nuôi quân. Những kho gạo,  muối của Bác Hồ ở rừng luôn được bảo vệ cẩn mật, dù đói cơm lạt muối họ vẫn ăn sắn ăn rau không động đến dù chỉ là một chút, chỉ để dành cho cách mạng. Khi có yêu cầu động viên thì họ hăng hái tham gia. Nhiều chị bồng con phía trước, gùi đạn trên lưng, nhiều mẹ 70, 80 tuổi vẫn đi dân công cả tháng, cả người mù cũng đi tải đạn", ông Tuấn nhớ lại...

Với những thành tích vang dội, ngày 29-7, tại Quảng Nam sẽ diễn ra Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang do Nhà nước phong tặng cho Ban Tuyên huấn Khu V. Trước sự kiện này, ông Tuấn chia sẻ: kết thúc chiến tranh tháng 4-1975, Ban Tuyên huấn khu V có 1.098 cán bộ, trong đó hy sinh trên chiến trường 128 đồng chí, bị thương 193 đồng chí, nhiễm chất độc da cam 19 đồng chí, bị bắt cầm tù 12 đồng chí, qua đời từ sau ngày hòa bình đến nay 68 đồng chí, trong đó có 16 đồng chí cán bộ lãnh đạo Ban. "Anh em chúng tôi nhiều người đã ở trong vùng chúng thả chất độc da cam, có người vì không có sự lựa chọn nào khác, đã phải ăn sắn bắp nhiễm chất độc. Nhiều người là nạn nhân chất độc da cam, hiện nay có người thế hệ con cháu đều mang di chứng chất độc quái ác đó nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Hơn 43 năm qua, mặc dù không còn cơ quan đơn vị, nhưng trong lòng mỗi cán bộ Ban Tuyên huấn Khu V vẫn ước mong được Đảng, Nhà nước xem xét ghi nhận những thành tích trên mặt trận tư tưởng của chiến trường chống Mỹ tại Khu V. Và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là một vinh dự cho toàn thể cán bộ tuyên huấn và người dân khu V. Ngày nay, rất nhiều đồng chí tiền thân là cán bộ Ban tuyên huấn đã  là nhà văn, nhà báo, cán bộ lý luận, quản lý... trở thành những cán bộ cốt cán ở nhiều lĩnh vực, có đồng chí nguyên là công nhân nhà in sau nhiều năm rèn luyện và trưởng thành trong chiến tranh, trong hòa bình đã được tín nhiệm giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy. Chúng tôi vẫn nỗ lực mỗi ngày để phát huy tinh thần Ban tuyên huấn năm xưa, xứng đáng là người chiến sĩ cách mạng anh hùng", ông Tuấn chia sẻ.

HÀ DUNG