Bán vé tham quan phố cổ Hội An: Vẫn đang tiếp thu ý kiến

Thứ năm, 06/04/2023 09:45
Những ngày qua, dư luận xôn xao trước việc UBND TP Hội An (Quảng Nam) ban hành Phương án tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ, trong đó có quy định từ ngày 15-5, Hội An sẽ áp dụng yêu cầu bắt buộc mua vé tham quan tại các quầy vé trước khi vào phố cổ đối với tất cả du khách trong, ngoài nước với giá vé áp dụng 80 ngàn đồng với khách trong nước, 120 ngàn đồng đối với khách quốc tế (sau đây gọi tắt là Phương án 610). Người đồng tình, người phản đối; đồng thời đặt câu hỏi, liệu rằng cách làm trên của Hội An có đúng hay không?
Theo UBND TP Hội An, lâu nay lượng du khách vào tham quan phố cổ nhưng chỉ có khoảng 40% là mua vé.
Nhân viên quản lý hướng dẫn người dân mua vé trước khi vào thăm di tích Hội quán Phúc Kiến - Hội An.

Vì sao Hội An phải ban hành Phương án 610?

Trước đó ngày 3-3, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình (VHTT - TTTH) TP Hội An đưa thông tin về việc thực hiện Phương án tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan Khu phố cổ Hội An. Theo đơn vị này cho biết, hơn 25 năm qua, TP Hội An đã tổ chức bán vé tham quan trọn gói Khu phố cổ Hội An cho du khách. Nguồn thu từ vé tham quan đã góp phần hết sức quan trọng trong việc bảo tồn, tôn tạo, trùng tu các di tích. Đồng thời, cũng từ nguồn thu này, TP cũng đầu tư cho công tác nghiên cứu về di sản - di tích, các hoạt động về VHNT, sự kiện lễ hội,… Chính vì vậy, uy tín và thương hiệu của du lịch Hội An không ngừng được nâng cao. Hội An luôn xứng đáng là một điểm đến du lịch hấp dẫn của quốc gia, khu vực và thế giới.

Tuy nhiên đến nay, nhận thức về mục đích của việc bán vé tham quan của một vài cá nhân, đơn vị vẫn chưa đầy đủ, thiếu thông tin; việc thực hiện quy chế tham quan chưa đảm bảo, vẫn còn tình trạng cá nhân, đơn vị không mua vé, không đưa chương trình tham quan Di sản văn hóa thế giới - Khu phố cổ Hội An vào trong chương trình và kinh phí tour để bán cho du khách. Chính điều này đã làm giảm giá trị của một quần thể di tích được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Cũng từ những nguyên nhân này, nguồn thu từ phí tham quan chưa đảm bảo để Hội An phục vụ cho công tác trùng tu di tích, đầu tư cơ sở hạ tầng, bổ sung phong phú hơn nữa các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật để phục vụ du khách.

Nhân viên quản lý hướng dẫn người dân mua vé trước khi vào thăm di tích Hội quán Phúc Kiến - Hội An.

Do đó, ngày 27-3-2023, UBND TP Hội An đã ban hành Phương án số 610 về việc Tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan Khu phố cổ Hội An. Theo đó, Trung tâm VHTT - TTTH TP Hội An được giao nhiệm vụ tổ chức các hoạt động hướng dẫn tham quan du lịch trong khu phố cổ; đồng thời phối hợp cùng các cơ quan, ban ngành địa phương liên quan triển khai thực hiện các nội dung cụ thể của phương án.

Theo phương án trên, mọi du khách trong nước và quốc tế tham quan Khu phố cổ Hội An phải mua vé tham quan tại các quầy vé trước khi vào Khu phố cổ (theo Điều 14 và 15 của Quy chế Bảo vệ di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành kèm theo Quyết định số 19/2020 ngày 18-12-2020 của UBND tỉnh Quảng Nam. Giá vé tham quan vẫn thực hiện mệnh giá như hiện hành là 120 ngàn đồng dành cho khách quốc tế và 80 ngàn đồng dành cho khách nội địa (từ 2012 đến nay). Hội An sẽ tổ chức phân luồng lối đi tại các đường chính vào Khu phố cổ. Cụ thể, một lối đi dành cho người dân địa phương và 1 lối đi dành cho du khách…

Theo cách lý giải này thì giá vé trên đã được triển khai thực hiện hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, giá vé này chỉ áp dụng ở một số khu vực nhất định trong khu phố cổ mà thôi.

Liệu có hợp lý?

Trong khi đó, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, Phố cổ Hội An là di sản, người Hội An có quyền tự hào về di sản đó, có trách nhiệm giữ gìn và khai thác những di sản đó để phát triển du lịch văn hóa. Nhưng muốn khai thác, tạo ra nguồn thu, ngành du lịch cần phải tạo ra những sản phẩm du lịch tương xứng, có sức hấp dẫn, gắn liền với các giá trị di sản. "Di sản Hội An là di sản chung, không phải của riêng Hội An để địa phương tùy nghi khai thác, tùy tiện bán và mua. Quyết định có vẻ được đưa ra quá vội mà chưa hề hỏi qua ý kiến của người dân. Người dân Hội An chắc chắn không hề muốn thế. So với những cái mất, nguồn lợi cỏn con thu được nhờ bán vé cho khách vãng lai sẽ trở nên quá bọt bèo"- nhà văn, nhà báo Nguyễn Hồng Lam nhìn nhận.

Theo UBND TP Hội An, lâu nay lượng du khách vào tham quan phố cổ nhưng chỉ có khoảng 40% là mua vé.

Các ý kiến cũng cho rằng, nếu du khách khi vào cửa Đại Nội (Huế), Quốc Tử Giám (Hà Nội) hay Đền Hùng (Phú Thọ)... phải mua vé là đúng. Đó là những di tích, di sản cụ thể, khu vực khép kín không phải địa bàn có cư dân sinh sống. Còn Phố cổ Hội An, cũng như Phố cổ Hà Nội là khu vực mở, có cư dân đang sinh sống, sinh hoạt bình thường, có đường giao thông đi qua, không thể thu vé được. Muốn thu, toàn bộ khu vực phải khép kín, chỉ phục vụ tham quan, du lịch, không có cư dân sinh sống bình thường ở trong khu vực đó, toàn bộ không phải khu dân cư - dân sinh.

Lý giải thêm về Phương án trên, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An cho rằng, dư luận đang có cách hiểu chưa đúng về việc Hội An lên kế hoạch triển khai tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ. "Lâu nay, không gian Hội An bị quá tải, khách nước ngoài khi mua vé vào tham quan bị ảnh hưởng rất lớn. Họ cho rằng không công bằng vì nhiều người vào phố cổ như họ nhưng không phải mua vé. Hơn nữa, lượng khách vào quá đông, họ không được xem các sản phẩm, cảnh quan của phố cổ dù Hội An rất đẹp. Nhiều du khách đặt vấn đề phải làm sao đảm bảo sự công bằng trong hoạt động bán vé tham quan. Xuất phát từ cơ sở đó, Hội An muốn xây dựng lại đề án về việc kiểm soát hoạt động bán vé, hướng dẫn tham quan cho đúng quy định của Nhà nước"- ông Sơn nói.

Phương án vẫn đang tiếp thu ý kiến

Theo Chủ tịch UBND TP Hội An, tiền vé tham quan Hội An đầu tư hết 100% cho khu phố cổ, gồm phục vụ trùng tu, trích lại vé cho người dân, hỗ trợ các di tích trong quá trình trùng tu, đầu tư cơ sở hạ tầng, nạo vét sông Hoài, phòng cháy chữa cháy, chi cho việc đảm bảo an ninh trật tự… Doanh thu từ tiền vé tham quan phố cổ năm 2019 đạt 295 tỷ đồng, năm 2020 đạt 44,3 tỷ đồng, năm 2021 đạt 1,45 tỷ đồng, năm 2022 đạt 32,1 tỷ đồng. Trong đó, 90% nguồn thu từ bán vé đến từ du khách nước ngoài, 10% còn lại là du khách trong nước. Tỷ lệ khách mua vé tham quan so với lượng khách vào phố cổ chỉ đạt khoảng 40%.

"Người dân hoặc người vào khu phố cổ buôn bán, quan hệ làm ăn, thăm thân thì chúng tôi sẽ hết sức linh hoạt. Thành phố làm một cách nhẹ nhàng, chứ không có chuyện dựng barie, đưa công an ra giữ, hiểu một cách nặng nề như vậy là không phải. Chúng tôi kiểm soát để các đơn vị lữ hành không biến Hội An thành điểm đến miễn vé. Mục đích của Hội An là chống cái đó chứ không phải là chuyện tăng cường kiểm soát. Ví dụ ở Đà Nẵng vô Hội An uống ly cà-phê, ăn tô cao lầu thì mắc chi thu vé. Không phải cứng nhắc như vậy, hiểu như vậy là không đúng. Làm sao giữ hình ảnh Hội An không phải là một di sản xô bồ như hiện nay"- ông Sơn giải thích; đồng thời thông tin thêm, phương án thu phí mới hiện vẫn chưa phải là nội dung chính thức và đang tiếp tục lắng nghe ý kiến các bên liên quan trước khi TP triển khai.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 5-4, trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam cho biết, quy định thu phí tham quan phố cổ Hội An thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh. Theo Điều 7 của Nghị quyết 33 HĐND tỉnh Quảng Nam Quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan công trình văn hóa, bảo tàng trên địa bàn tỉnh; phạm vi áp dụng: Các công trình văn hóa, bảo tàng tại Đô thị cổ Hội An, Tháp cổ Mỹ Sơn… "Nghị quyết 33 cũng quy định cụ thể về đối tượng được miễn phí vé, trên cơ sở đó, TP Hội An sẽ thực hiện theo nội dung này, đối tượng nào thu, đối tượng nào miễn, đối với người nước ngoài thế nào, người trong nước như thế nào thì sẽ có cụ thể", ông Tuấn cho biết.

Lê Hải