Bằng mọi giá phải khống chế, dập tắt dịch sốt xuất huyết

Thứ bảy, 05/08/2017 11:07

Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang có dấu hiệu gia tăng mạnh trên phạm vi cả nước và dự báo tình hình sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian đến, ngày 4-8, Đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng dẫn đầu đã đến kiểm tra công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh SXH trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra các vật dụng chứa nước
tại các khu đất trống trên địa bàn P. Hòa Cường Bắc.

Số ca SXH tăng mạnh

Địa phương trên địa bàn TP Đà Nẵng mà Đoàn công tác chọn kiểm tra thực tế về công tác phòng chống dịch SXH là P. Hòa Cường Bắc (Q. Hải Châu). Theo ông Phan Trọng Tín - Phó Chủ tịch UBND P. Hòa Cường Bắc, là địa phương đang diễn ra quá trình đô thị hóa với qui mô lớn nên còn đến 274 khu đất trống tồn tại. Những nơi này dù luôn được các lực lượng chức năng tích cực ra quân xử lý môi trường nhưng tình trạng rác thải, vật dụng chứa nước, cây cỏ dại mọc um tùm vẫn còn khá nhiều. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho bọ gậy, lăng quăng, muỗi sinh sôi phát triển. Từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn phường ghi nhận 124 trường hợp mắc SXH và xuất hiện 10 ổ dịch nhỏ. Dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng một số người dân vẫn còn thờ ơ với công tác phòng chống dịch, nhiều người dân chỉ trông chờ vào việc cơ quan chức năng phun thuốc diệt muỗi mà không tích cực trong việc diệt bọ gậy, lăng quăng. Chính vì vậy, qua khảo sát tại các hộ gia đình và các khu đất trống ở P. Hòa Cường Bắc, Đoàn công tác đã ghi nhận có rất nhiều bọ gậy, lăng quăng đang sinh sống tại các dụng cụ chứa nước ngay trong nhà, tại các khu đất trống...

Theo BS Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) TP Đà Nẵng, trong quý 2-2017, tình hình SXH trên địa bàn TP có giảm so với quý 1-2017. Sở dĩ như vậy vì quý 1 -2017 còn nhiều ca SXH từ cuối năm 2016 chuyển qua. Tính từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng có 3.875 ca SXH (tăng 87,3% so với cùng kỳ năm trước). Hiện trung bình mỗi tuần có từ 120-140 ca mắc SXH. TTYTDP đã khoanh vùng xác định 267 ổ dịch SXH nhỏ và đã tiến hành xử lý hóa chất ổ dịch. Đến nay, Đà Nẵng chưa có trường hợp nào tử vong do SXH. BS Nguyễn Sơn - Phó Giám đốc BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã ghi nhận 2.372 ca mắc SXH, trong đó có 133 ca nặng cần được theo dõi điều trị đặc biệt. Trong khi đó, trong ngày 4-8, BV Đà Nẵng đang tiến hành điều trị nội trú cho 32 trường hợp SXH. Với số lượng bệnh nhân tăng nhanh như hiện nay thì tình hình dịch bệnh SXH rất đáng báo động. Bên cạnh đó, qua kết quả xét nghiệm cho thấy Đà Nẵng đã có xuất hiện một số trường hợp mắc bệnh SXH ở mức độ nặng. Chính vì vậy, nếu sự vào cuộc của các cơ quan chức năng không thật sự quyết liệt và ý thức của người dân vẫn không được nâng lên thì diễn biến của dịch bệnh SXH sẽ  rất nguy hiểm.

Theo BS Nguyễn Tiên Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, trước tình hình bệnh SXH có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, Sở Y tế đã chỉ đạo TTYTDP tiến hành điều tra, giám sát và xử lý các ổ dịch bệnh SXH tại các địa phương. Đồng thời, tiến hành giám sát chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy được triển khai tại các điểm "nóng"; điều tra sự biến động véc tơ SXH tại một số phường và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, vật tư, hóa chất sẵn sàng đáp ứng chống dịch SXH trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng hằng tuần, tăng cường công tác kiểm tra hoạt động phòng chống SXH tại các cơ quan, đơn vị, trường học, nhóm trẻ gia đình, khu ký túc xá sinh viên và các tổ dân phố. Đối với các cơ sở điều trị, Sở Y tế chỉ đạo phải luôn trong trạng thái sẵn sàng và chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, cơ số thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang phục bảo hộ và các trang thiết bị cần thiết nhằm sẵn sàng đáp ứng tốt nhất cho công tác phòng chống dịch, không để dịch bệnh lây lan trong diện rộng cũng như diễn biến phức tạp…

Rất cần sự chung tay của toàn dân

Mặc dù công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh SXH đã được các cấp ngành thường xuyên triển khai nhưng đến nay việc thực hiện của người dân vẫn còn hạn chế. Qua khảo sát cho thấy, hầu hết người dân đều nhận thức được việc không có bọ gậy, lăng quăng thì không có SXH nhưng lại ngại ra tay xử lý mà chủ yếu giao phó hết cho cán bộ ngành y tế.

Theo BS Tôn Thất Thạnh, trong quá trình tiến hành diệt bọ gậy, lăng quăng tại nhà dân, cán bộ y tế đã xử lý, lật úp các vật dụng chứa nước như chậu cây cảnh, lọ đựng thức ăn cho chim... Vậy nhưng, 2-3 ngày sau quay lại kiểm tra thì thấy những vật dụng này đã được người dân lật lại để hứng nước, làm nơi cho bọ gậy, lăng quăng sinh sôi, nảy nở. Ngoài việc không tuân thủ những hướng dẫn của cán bộ y tế, một số người dân cũng "ngại" cho lực lượng chức năng vào nhà để tiến hành phun thuốc diệt muỗi…        

Phát biểu tại buổi kiểm tra, ông Đặng Quang Tấn đánh giá cao công tác phòng chống dịch SXH của ngành Y tế TP Đà Nẵng trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo ông Tấn, để dịch bệnh không thể tiếp tục "bay cao, bay xa" và nhằm hạn chế thấp nhất những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra thì trong thời gian đến ngành Y tế thành phố cần tiếp tục chủ động trong công tác phòng chống dịch.

Ông Đặng Quang Tấn cho biết: Năm 2017, tình hình SXH diễn biến sớm hơn mọi năm. Riêng với Đà Nẵng là địa phương có số ca mắc SXH đứng thứ 4 của cả nước. Nếu tính trên 100.000 dân thì Đà Nẵng là địa phương có số mắc cao nhất. "Người dân có kiến thức và được tuyên truyền nhưng vẫn còn thờ ơ, lơ là trong việc phòng chống dịch bệnh SXH. Chúng tôi khuyến cáo người dân phải thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, không có bọ gậy thì không có muỗi. Việc phòng chống dịch SXH là công việc của toàn dân, không riêng ngành nào, cấp nào, nếu người dân còn chủ quan, lơ là hoặc chưa hiểu hết mối nguy hiểm của dịch bệnh SXH thì rất khó cho công việc khống chế, dập tắt dịch. Diệt muỗi, lăng quăng bằng mọi biện pháp và nằm màn khi đi ngủ (cả ban ngày và ban đêm) là 3 biện pháp cần đặc biệt quan tâm hàng đầu trong việc chống dịch SXH", ông Tấn nhấn mạnh.

LÊ HÙNG