Báo chí thế giới với tâm điểm Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam
(Cadn.com.vn) - Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang trở thành tâm điểm của hàng loạt tờ báo lớn trên toàn thế giới. Các hãng tin lớn như Reuters, AP, CNN, BBC, New York Times... đã có những bài viết bình luận chuyên sâu về chuyến thăm quan trọng lần này của ông chủ Nhà Trắng và dự đoán về những “quyết định lịch sử” giữa hai nước.
Việt Nam là một phần quan trọng trong chuyến công du Châu Á kéo dài 1 tuần lần này của Tổng thống Mỹ Barack Obama – với nỗ lực thu hút thêm sự chú ý đến khu vực này cũng như thúc đẩy hợp tác kinh tế và an ninh. Sau Việt Nam, ông Obama sẽ đến Nhật Bản, để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 và thực hiện chuyến thăm lịch sử đến Hiroshima, thành phố từng bị Mỹ ném bom nguyên tử trong Thế chiến II.
Trong đó, chuyến thăm Việt Nam của ông Obama được báo chí thế giới đặc biệt quan tâm. Nhiều chuyên gia dự đoán, hàng loạt vấn đề dự kiến sẽ được thảo luận trong chuyến thăm này như dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)...
AP chụp hình ảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama với dòng chữ “Welcome to our city” |
DỠ BỎ CẤM VẬN VŨ KHÍ
Hầu hết nội dung các bài báo đều nói đến vấn đề Mỹ có khả năng sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. “Tổng thống Barack Obama dường như sẽ thảo luận về vấn đề này với giới lãnh đạo Việt Nam trong chuyến thăm này”, hãng tin AP viết.
Trong khi đó, CNN cho rằng, việc dỡ bỏ cấm vận sẽ là sự khởi đầu của một Việt Nam mới. Với tít đề “ông Obama muốn thúc đẩy Việt Nam thành đối tác mới”, hãng tin Reuters cho rằng, ông chủ Nhà Trắng sẽ sử dụng chuyến thăm mang tính bước ngoặt để dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí kéo dài 32 năm qua nhằm vào Hà Nội. Tại Australia, tờ SMHerald cũng ủng hộ việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí, nhận định rằng, một kết quả như vậy sẽ cho phép Việt Nam đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang trong bối cảnh căng thẳng khu vực không ngừng gia tăng do những tuyên bố chủ quyền vô lý của Bắc Kinh trên biển Đông.
Theo AP, không thể đưa ra dự đoán chắc chắn liệu ông Obama có thông báo dỡ bỏ cấm vận vũ khí trong chuyến thăm lần này hay không. Tuy nhiên, tờ báo này dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, có thể ông Obama sẽ ra quyết định quan trọng và xem đây là di sản quan trọng mang dấu ấn của mình trước khi rời nhiệm sở vào tháng 1-2017. Và thực tế, nếu lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ, xem như tàn tích cuối cùng của mối thù địch thời chiến cũng được xóa bỏ.
Tuy nhiên, Reuters dẫn lời các chuyên gia cho rằng, động thái này sẽ không làm hài lòng Trung Quốc - quốc gia đang theo dõi sát sao các mối quan hệ quốc phòng tăng cường của Mỹ tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. “Dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí - chắc chắn sẽ chọc giận Bắc Kinh, vốn chỉ trích những nỗ lực của Mỹ khi tìm cách ve vuốt các nước láng giềng nhỏ hơn tại một thời điểm căng thẳng gia tăng ở biển Đông đang tranh chấp”, Reuters viết.
NÂNG CẤP QUAN HỆ
Ngoài vấn đề dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, các hãng tin cũng đưa ra cái nhìn khách quan về kế hoạch nâng cấp mối quan hệ giữa hai bên của Tổng thống Obama trong chuyến thăm này.
“Những gì chúng tôi muốn chứng minh trong chuyến thăm này là nâng cấp đáng kể trong mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam... ngay cả khi chúng ta vẫn có sự khác biệt”, Reuters dẫn lời Ben Rhodes, phó Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama nói. Cũng theo Reuters, 4 thập kỷ sau chiến tranh, Tổng thống Obama sẽ không bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi này để tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế và quốc phòng với Việt Nam. Trong khi đó, theo AP, chuyến thăm của Tổng thống Obama diễn ra trong thời điểm rất thuận lợi khi Việt Nam vừa hoàn thành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. “Cuộc bầu cử - vốn cho thấy ngày hội dân chủ toàn dân của Việt Nam kết thúc vào tối 22-5, vài giờ đồng hồ trước khi ông Obama đến Hà Nội”, AP viết.
Trên trang báo New York Times, với tựa đề “Obama đến Việt Nam, hướng đến tương lai hơn là nhìn về quá khứ”, tờ báo này hân hoan cho rằng, chuyến thăm lần này của ông Obama thật sự trở thành tâm điểm của báo chí thế giới. Còn tờ CNN có bài viết nhận định về việc “Việt Nam và Mỹ đã trở thành bạn như thế nào?”. Với tiêu đề này, CNN cho rằng, chuyến thăm quan trọng diễn ra gần 1 năm sau khi lãnh đạo Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng, cho thấy mối quan hệ ấm nồng hơn giữa hai bên. Hãng tin lớn của Mỹ cũng ca ngợi Việt Nam là “một câu chuyện thành công về kinh tế của Châu Á”.
Khả Anh
Tổng thống Obama đã đến Hà Nội Đúng vào lúc 21 giờ 30 ngày 22-5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đặt chân xuống sân bay Nội Bài, bắt đầu chuyến công du chính thức Việt Nam, theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ra đón Tổng thống Obama tại sân bay Nội Bài có ngài đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius.
Đây là chuyến công du đầu tiên của ông Obama và là chuyến thăm của Tổng thống Mỹ thứ ba tới Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995 (sau Tổng thống Bill Clinton - năm 2000 và Tổng thống G.W.Bush - năm 2006). Cùng đi với Tổng thống Obama có nhiều quan chức khác như Ngoại trưởng John Kerry; Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice; Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius; Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman; Trợ lý Tổng thống, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia phụ trách diễn văn và thông tin chiến lược Ben Rhodes... Trong ngày 23-5, tại Hà Nội, Tổng thống Obama có cuộc gặp song phương với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và sau đó cả hai nhà lãnh đạo sẽ chủ trì một cuộc họp báo chung. Cũng trong ngày 23-5, Tổng thống Obama sẽ lần lượt hội đàm với các vị lãnh đạo cấp cao khác gồm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và dự tiệc chiêu đãi. Ngày 24-5, ông chủ Nhà Trắng sẽ có bài phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình trước khi rời Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh – nơi ông sẽ có chuyến thăm Chùa Ngọc Hoàng và gặp gỡ các doanh nghiệp trẻ. Ngày 25-5, Tổng thống Mỹ gặp gỡ giới chức lãnh đạo thành phố, có buổi nói chuyện với các thành viên của Sáng kiến lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI) ở Việt Nam trước khi rời thành phố Hồ Chí Minh lên đường đến Nhật Bản. TTXVN |