Báo động tình trạng sạt lở bãi biển Đà Nẵng
(Cadn.com.vn) - Hiện nay, các hộ buôn bán dọc các bãi biển ở TP Đà Nẵng rất lo lắng trước tình trạng nước biển xâm thực nghiêm trọng, khiến nhiều đoạn bờ biển sạt lở nghiêm trọng. Tại khu vực bãi tắm T20 (thuộc P.Phước Mỹ, Q.Sơn Trà), một đoạn bờ biển dài gần 30m thoai thoải trước đây đã bị sóng biển khoét vào tạo bờ vực sâu, có chỗ ăn sát vào chân kè vỉa hè còn vài mét, đe dọa nhiều hàng quán ở đây. Chị Nguyễn Thị Hằng (Tổ kinh doanh số 12), buôn bán ở khu vực này cho biết, tình trạng sạt lở bờ biển tại khu vực này xảy ra hơn một tháng qua và ngày càng nghiêm trọng. "Tình trạng này xảy ra trước Tết, chỉ trong vài ngày mà nước biển đã ăn sâu vào gần bờ. Quầy hàng của tôi xây bằng xi-măng cũng bị sóng biển đánh sập rồi đó!", chị Hằng cho biết. Theo ước lượng của những người buôn bán tại đây, nước biển đã ăn sâu vào bờ gần 20m, tạo ra những hàm ếch, khiến đường ống dẫn dầu trồi lên khỏi mặt nước... Để đối phó với tình trạng nước biển xâm thực, các hộ kinh doanh chỉ còn cách dời hàng quán vào bên trong. "Nước biển ăn sâu vào thì chúng tôi phải dời vào bên trong chứ biết làm sao. Cứ sạt lở như thế này thì khổ", chị Hằng lo sợ.
Nước biển xâm thực không chỉ khiến một vài đoạn bờ biển Đà Nẵng mất đi vẻ đẹp vốn có, mà còn nguy hiểm và ảnh hưởng đến việc kinh doanh của người dân. Anh Lê Văn Ánh, thành viên đội cứu hộ (Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng) cho biết, đã xảy ra nhiều sự cố đuối nước tại khu vực nước biển xâm thực. "May mắn là anh em cứu hộ can thiệp kịp thời nên cứu được nhiều du khách. Tại khu vực này nước biển rất sâu, dù chúng tôi đã cấm nhưng nhiều du khách vẫn xuống tắm", anh Ánh phản ánh.
Nhiều quầy buôn bán của các hộ kinh doanh đã bị nước biển đánh sập. |
Tại khu vực bãi biển trước khách sạn Holyday beach, sóng biển ăn gần sát vào khu vực công viên-bar của khách sạn khiến hàng trăm mét phao tắm biển phải kéo sát vào bên trong. Tương tự, trước khách sạn Touran cũng xảy ra tình trạng sạt lở. Ông Nguyễn Văn Xin (trú P.Mân Thái, Q.Sơn Trà), buôn bán nhiều năm ở khu vực này cho biết, chưa từng thấy tình trạng sạt lở thất thường như thế này ở biển Đà Nẵng. "Tôi kinh doanh ở đây hơn 10 năm rồi mà chưa bao giờ thấy bờ biển sạt lở như ri. Lúc trước chúng tôi còn dựng mấy chiếc dù ngoài kia để khách ngồi, nhưng nay đâu còn chỗ nữa. Bãi biển bị sạt lở ảnh hưởng rất nhiều đến việc kinh doanh của chúng tôi", ông Xin băn khoăn.
Ông Nguyễn Văn Xin bên quầy buôn bán bị nước biển đánh sập. |
Nỗi lo của những người gắn cuộc sống của mình với bãi biển Đà Nẵng như ông Xin là hiện hữu, khi mà nhiều điểm dọc bờ biển đang bị sạt lở nặng. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đại Nghĩa, Phó trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, đây là hiện tượng bình thường. "Vào mùa biển động thì thường xảy ra tình trạng sạt lở như vậy, năm nay thì việc sạt lở xảy ra nhiều hơn. Chúng tôi đang theo dõi các điểm sạt lở, nếu sạt lở tiếp tục xảy ra thì sẽ có báo cáo với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố có hướng giải quyết sớm. Còn về các hộ kinh doanh, chúng tôi sẽ có phương án hỗ trợ vì bị ảnh hưởng do sạt lở bãi biển", ông Nghĩa nói.
Theo chúng tôi, thành phố cần nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân sạt lở ở những điểm dọc bãi biển, để có cách khắc phục sớm. Bởi nếu không có sự can thiệp thì nguy cơ biến dạng bãi biển là không nhỏ, khi mà tình trạng sạt lở đã khiến nhiều địa phương miền Trung mất các bãi biển đẹp, điển hình là bãi biển Cửa Đại ở Hội An.
H. Anh