Bao giờ có nghê, sư tử thuần Việt?

Thứ năm, 09/04/2015 08:52

(Cadn.com.vn) - Cuối năm 2014, khi Bộ VH-TT và DL tổ chức triển lãm "Hình tượng nghê và sư tử trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam" tại Đà Nẵng. Tiếp sau đó Sở VH-TT và DL thành phố mời các nghệ nhân làng đá Non Nước đến để vận động sáng tác nghê, sư tử thuần Việt. Lúc đó nhiều người trông đợi, rằng sẽ sớm có hình tượng nghê, sư tử thuần Việt. Thế nhưng, đến bây giờ kế hoạch này vẫn còn nằm trên giấy. Vì sao vậy?

Hỏi chuyện này, ông Nguyễn Việt Minh - nghệ nhân làng đá Non Nước nói: "Dự kiến sau khi xem triển lãm, nghệ nhân làng đá chúng tôi sẽ chế tác  các hình tượng nghê, sử tử đá thuần Việt, sau đó Sở VH-TT và DL sẽ chọn những tác phẩm tốt nhất để triển lãm và đưa mô hình tốt nhất vào sản xuất kinh doanh. Các nghệ nhân tham gia chế tác sư tử, nghê thuần Việt sẽ được hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên đến nay chúng tôi chưa thấy triển khai gì. Do vậy mà nhiều nghệ nhân vẫn tiếp tục chế tác các hình tượng sư tử cũ để bán cho người có nhu cầu. Chứ chờ chọn hình tượng sư tử, nghê thuần Việt để đưa vào sản xuất kinh doanh không biết đến bao giờ".

Hình tượng nghê, sư tử thuần Việt được giới thiệu ở Đà Nẵng.

Khi Công văn 2662 của Bộ VH-TT và DL về việc "Không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục người Việt Nam" được triển khai đã khiến cho nhiều làng nghề chế tác đá bị ảnh hưởng nặng. Ở làng đá Non Nước, các sản phẩm đá sư tử bị tồn đọng, không tiêu thụ được,  nhiều cơ sở phải giảm sản xuất, công nhân và thợ đá cũng bị ảnh hưởng, không có việc làm. Vì thế mà triển lãm nghệ thuật nghê và sư tử trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam với gần 60 hiện vật từ các thời Lý, Trần, Hậu Lê đến Nguyễn, được tạo tác bằng các chất liệu như đá, gốm, sành, gỗ, đồng... thể hiện nét tinh hoa độc đáo, sự sáng tạo nghệ thuật của người xưa. Và việc vận động nghệ nhân làng đá chế tác các hình mẫu được rất nhiều người chờ đợi và kỳ vọng.

Bởi những hình tượng nghệ thuật nghê và sư tử thuần Việt sẽ giúp các nghệ nhân sáng tạo những hình tượng mới, vừa gỡ khó cho làng đá Non Nước, vừa giữ được hồn Việt trong các sản phẩm đá mỹ nghệ. Lúc đó bà Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ VH-TT và DL cũng cho biết, đến tháng 7-2015 sẽ quyết liệt xử lý việc đặt linh vật ngoại lai tại các di tích lịch sử và sẽ vận động, khuyến khích sử dụng linh vật thuần Việt. Sở VH-TT và DL thành phố cũng đặt ra những mốc thời gian cụ thể để nghệ nhân chế tác nghê, sư tử thuần Việt. Theo đó các nghệ nhân tham gia cuộc vận động sẽ chế tác và được phép sáng tạo  một cặp tác phẩm nghê, sư tử thuần Việt. Hội đồng nghệ thuật sẽ lựa chọn những tác phẩm tốt nhất để triển lãm và sau đó áp dụng cho làng đá Non Nước sản xuất, kinh doanh.

Nhưng buồn thay, đến bây giờ kế hoạch đó vẫn chưa được triển khai. Ông Nguyễn Hữu Chiến - Phó Giám đốc Sở VH-TT và DL thành phố Đà Nẵng cho biết, đã đề xuất kế hoạch lên UBND thành phố. Tuy nhiên do khó khăn về kinh phí nên kế hoạch này chưa thực hiện được. Thiết nghĩ, việc đưa vào sản xuất kinh doanh hình tượng nghê, sư tử thuần Việt là một việc làm có ý nghĩa lớn, không chỉ với làng nghề đá Non Nước, mà còn là cách giới thiệu, bảo tồn những nét văn hóa tạo hình độc đáo của ông cha. Một khi đã yêu cầu "Không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục người Việt Nam", thì phải có một biểu tượng, linh vật thuần Việt để nhân dân sản xuất và thờ phụng. Nếu chúng ta muốn hình tượng nghê, sư tử thuần Việt sẽ dần thay thế cho sư tử ngoại lai thì không nên thực hiện một cách nửa vời.

Minh Hà