Bao giờ vàng thôi “chảy máu”? (2)

Thứ ba, 14/06/2016 11:04

* KỲ 2: VÀNG - MÁU VÀ NƯỚC MẮT

(Cadn.com.vn) - Các bãi vàng trái phép ở xã Đắc Pring (H. Nam Giang, Quảng Nam) lâu nay luôn là điểm nóng. Không những khai thác vàng trái phép ngay trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sông Thanh mà nơi đây còn phát sinh nhiều loại tội phạm tệ nạn xã hội như giết người, mua bán trái phép chất ma túy. Trong rừng sâu, vàng luôn gắn liền với máu và nước mắt.

MÁU ĐỔ TRONG BÃI VÀNG

Còn nhớ năm 2011, TAND tỉnh Quảng Nam xét xử và tuyên phạt mức án tử hình đối với bị cáo Hoàng Văn Công (1982, trú xã Bàn Đạt, H. Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) về tội “Giết người” và “Mua bán trái phép chất ma túy”. Theo cáo trạng, do ở cùng xã, quen biết nhau nên Hoàng Văn Công vào bãi vàng Khe Đỗ (xã Đắc Pring, H. Nam Giang) để khai thác vàng cùng với anh em ruột Nguyễn Đình Thái (1974), Nguyễn Đình Ngọc (1979, cùng trú xã Bàn Đạt). Trong quá trình làm việc, Công xảy ra mâu thuẫn với anh em Thái và Ngọc. Sáng 3-1-2011, như mọi ngày, Công và Ngọc đi đãi vàng tại Khe Đỗ, khi đi Công mang theo một cái rựa dùng để chặt cây. Trong lúc làm việc, Công bất ngờ vác rựa chém mạnh một nhát vào sau đầu Ngọc. Theo phản xạ, Ngọc đưa tay trái lên đỡ, nhát chém mạnh đã làm cẳng tay của Ngọc bị đứt 1/3. Không để cho Ngọc kịp kháng cự, Công vung rựa chém liên tiếp làm Ngọc gục xuống. Biết Ngọc đã chết, Công đẩy xác của Ngọc xuống khe nước gần đó rồi lấp đất lại. Sau khi đã xóa dấu vết, Công cầm rựa trở về lán trại.

Hoàng Văn Công.

Sợ việc giết Ngọc sẽ bị lộ và sợ Thái sẽ giết mình nên Công cầm rựa (chính cái rựa trước đó Công dùng giết Ngọc) trên tay đến nơi Thái nằm ngủ vung rựa chém một nhát mạnh vào vùng trán. Thái vùng dậy bỏ chạy thì Công đuổi theo chém 2 nhát vào tay và 2 nhát vào chân. Thái kêu cứu, Công bỏ chạy về lán trại lấy số ma túy của Thái rồi bỏ trốn. Khi đến khu vực bãi vàng Suối Ring (Nam Giang), Công bán số ma túy trên cho một người (không rõ lai lịch) được 4 triệu đồng, còn một ít Công để lại sử dụng. 9 giờ ngày 6-1, khi Công đến khu vực thôn 4 (xã Phước Đức, H. Phước Sơn) thì bị lực lượng phòng chống ma túy của CAH Phước Sơn bắt, thu giữ số tiền mà Công có được do bán ma túy và 0.881g heroin.

Về phần anh Thái, sau khi bị Công chém, cố chạy đến lều của một nhóm khai thác vàng gần đó để cầu cứu và nhờ nhóm người này báo CA. Sau đó, Thái được mọi người đưa xuống Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu kịp thời nên thoát chết...

Lực lượng CA áp giải Hoàng Văn Công sau khi tòa tuyên án.

NƯỚC MẮT NỮ GÙI HÀNG

Không chỉ là “tụ điểm” về tội phạm tệ nạn xã hội, các bãi vàng trái phép hoạt động trong KBTTN Sông Thanh thu hút nhiều phụ nữ vào đây ăn ở, phục vụ nhu yếu phẩm... Chỉ riêng bãi vàng tại khu vực Thành Mỹ 1, Thành Mỹ 2 có đến 7 tiệm tạp hóa mọc giữa rừng để phục vụ cho các đối tượng vàng tặc. Nhiều phụ nữ địa phương đã nghe theo lời dụ dỗ mà bỏ chồng con, do đó nhiều gia đình tan vỡ hạnh phúc.

Theo thống kê sơ bộ của lãnh đạo xã Đắc Pring, toàn xã có đến gần 50 phụ nữ đi gùi hàng phục vụ cho vàng tặc. “Có người đi vài ngày về, nhưng có nhiều người ở lại luôn trong đó để nấu ăn, phục vụ cho vàng tặc. Trong khi chồng con ở nhà không có người chăm sóc. Xã đã nhiều lần tuyên truyền, vận động nhưng họ không nghe” - ông Zơrâm Khang - Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Pring cho biết.

Trưa nắng, bê mâm cơm từ trong bếp ra, anh Alăng Bình (37 tuổi, trú thôn 49A, xã Đắc Pring) ngậm ngùi cho biết: Cũng vì cuộc sống còn khó khăn mà vợ mình phải đi gùi hàng phục vụ cho vàng tặc, với mức 7.000 đồng/kg. Mỗi chuyến đi thường gùi 30-40kg, đi đường rừng 3 tiếng mới đến nơi. Nhưng khi gùi vào không phải được trả tiền ngay mà họ nói để khi nào làm trúng được vàng mới trả. Đi đường xa mệt nên nhiều khi vợ mình ở trong đó vài ngày mới ra.

Vợ đi gùi hàng cho vàng tặc, anh Alăng Bình phải ở nhà thay vợ chăm lo cho các con.

Vợ đi gùi hàng, anh Bình phải thay vợ chăm lo cho 3 đứa con nhỏ. Ở vùng đất này, hoàn cảnh như anh Bình rất phổ biến. Anh Bình còn may mắn vì vợ “có đi có về” chứ nhiều ông chồng phải khổ sở khi người vợ vào ở luôn trong bãi vàng. Ngồi thất thần bên cửa, thấy người lạ vào nhưng anh Zơzâm Láo (30 tuổi, trú thôn 49A) cũng không chào hỏi. Khi được hỏi, anh Láo cho biết buồn vì vợ đi gùi hàng rồi ở luôn trong bãi vàng không chịu về. “Vợ chồng mình cưới nhau từ năm 2011, nhưng vẫn chưa có con. Không biết có phải vì chuyện này hay không mà vợ mình nghe bạn bè rủ rê đi gùi hàng rồi ở lại luôn trong bãi. Một mình ở nhà buồn nên mình đi nhậu suốt. Lúc này đây coi như mình bị góa vợ rồi” - anh Zơ zâm Láo ngậm ngùi.

Nhiều người nói, không nơi đâu có sự lao động khắc nghiệt như trong bãi vàng. Đối với các phu vàng thì “khi đi trai tráng khi về bủng beo”, còn với những phận nữ nhi, khi đã “dấn thân” vào đây thì hậu quả gánh lấy cũng không ít đau khổ. Chị Bơrô Thị K. (1994, trú xã Đắc Pring) là một minh chứng. Năm 2013, nghe lời dụ dỗ của một công nhân ngành Điện lực nên K. sớm trao thân gửi phận. Khi K. biết mình có thai cũng là lúc chàng công nhân kia “quất ngựa truy phong”. Nhiều lần điện thoại, “chồng” không nghe máy nên K. lần mò xuống phố tìm. Bị hắt hủi, ôm nỗi tủi nhục, K. lủi thủi mang con trở về núi rừng.

Đầu năm 2015, vì để có tiền nuôi con nhỏ, K. theo bạn gùi hàng vào bãi vàng. Tại đây, K. tiếp tục nghe lời đường mật của một phu vàng nên tiếp tục mang thai. Khi đứa con chưa kịp ra đời thì phu vàng trên cũng “rút quân” về phương Bắc… Giờ đây, ở tuổi 22 nhưng K. phải tay bồng tay bế hai đứa con nhỏ. Nhìn cảnh mẹ con K. lủi thủi trong căn nhà trống nằm lưng chừng đồi, chúng tôi không khỏi chạnh lòng…

Trần Tân
(còn nữa)