“Bão nợ” ở Phước Sơn

Thứ ba, 10/12/2013 09:37

* Kỳ 1: “Đại gia vàng” nợ hàng... rau, quả!

(Cadn.com.vn) - Những ngày gần đây, khu phố chợ TT Khâm Đức (H. Phước Sơn, Quảng Nam) bỗng dưng “nóng ran” vì chuyện nợ nần của Cty TNHH Vàng Phước Sơn (Cty Vàng Phước Sơn - Tập đoàn Besra) với một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn. Từ người bán rau ngoài chợ, đến các DN lớn là đối tác, và ngay cả chính quyền địa phương đều trở thành chủ nợ của Cty Vàng Phước Sơn. Việc chậm trả nợ của Cty đã gây ra hội chứng “đôminô toàn tập”, và hậu quả sẽ rất khó lường nếu không kịp thời có giải pháp tháo gỡ...

Có người bảo rằng, trước đây, khi chưa cấp phép cho các DN khai thác vàng thì tình hình ANTT ở đây rất khó kiểm soát, nhưng người dân lại... khấm khá hơn. Ấy là bởi, khi người làm vàng ở khắp nơi đổ về, họ cần lương thực thực phẩm. Mà cách duy nhất là cõng chuyến. Vì vậy, người dân mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng. Còn bây giờ, khi DN đưa máy móc thiết bị vào, nghề “cõng chuyến” của dân xem như đứt. Họ khai thác vàng nộp ngân sách lên trên, tiếng là địa phương giàu tài nguyên nhưng lại không được hưởng lợi là bao. Tệ hơn là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng khi rất nhiều công ty xả thải trực tiếp ra sông, suối... Và gần đây, hệ lụy mới phát sinh từ việc các DN, Cty khai thác vàng được cấp phép, mà cụ thể ở đây là Cty Vàng Phước Sơn đã lộ rõ, khi mà hầu hết các đối tác làm ăn của Cty đều rơi vào tình trạng điêu đứng, “tiến thoái lưỡng nan” bởi Cty không chịu trả nợ trong thời gian dài, ít thì vài chục triệu, nhiều thì lên tới cả chục tỷ đồng...

Bần thần trước tình cảnh trớ trêu của mình, bà Nguyễn Thị H. (62 tuổi, bán rau quả ở chợ Khâm Đức) vẫn không thể tin nổi một đơn vị như Cty Vàng Phước Sơn lớn như thế, làm ăn hàng chục năm trời tại Phước Sơn lại có thể chây ỳ tiền nợ của mình - một người mà hằng ngày phải cóp nhặt từng đồng một từ việc buôn bán rau quả nhỏ lẻ ở chợ để nuôi cả gia đình. Bà H. than vãn: “Trước đây, Cty Vàng Phước Sơn đã lấy hàng của tôi trong thời gian dài, họ thanh toán rất đều đặn và sòng phẳng. Ấy vậy mà 5-6 tháng lại đây, họ lấy hàng nhưng lại không chịu trả tiền khiến tôi gần như... cụt vốn, nếu kéo dài thêm, chắc tôi phải nghỉ bán”.

Vợ chồng chị Tuyết bên mâm cơm đạm bạc.

Số là khoảng 5-6 tháng gần đây, khi lấy hàng rau quả của bà về nấu ăn cho công nhân, không hiểu lý do vì sao mà Cty lại không dùng phương thức thanh toán “gối đầu” như trước, mà ngược lại, khi lấy hàng xong, họ chỉ có ký xác nhận vào sổ rồi hứa sẽ trả sớm. Tin tưởng vì là bạn hàng nhiều năm, bà H. không dự liệu hết tình hình. Thế là nửa năm trôi qua, khi vốn liếng bỏ ra đã cạn, số nợ của Cty đã quá lớn, bà H. bắt đầu tính đến việc thu nợ. Tuy nhiên, khi bà đặt vấn đề thanh toán nợ thì người của Cty cứ hứa hoài, có trả thì cũng chỉ trả nhỏ giọt, đến nay Cty vẫn còn thiếu nợ của bà số tiền lên tới 222 triệu đồng. “Đến giờ nợ trước dồn nợ sau, bạn hàng thúc giục trả nhưng tất cả đều phải chờ vì chưa lấy được tiền từ Cty, biết làm sao bây giờ”, bà H. bất lực nói.

Có lẽ cả khu chợ TT Khâm Đức không ai không biết đến trường hợp của bà Bùi Thị Liễu (72 tuổi), người hiện là “chủ nợ” của Cty Vàng Phước Sơn với số tiền 25 triệu đồng. Số tiền 25 triệu đồng đối với một vài người có lẽ không đáng là bao, nhưng đối với bà Liễu thì đó là tài sản... khổng lồ, cả đời bà chắt chiu dành dụm. Bà Liễu dắt díu hai người con trai, trong đó có một người bị động kinh từ quê dưới xuôi lên Khâm Đức thuê ki-ốt bán rau quả, thực phẩm nhỏ lẻ. Ki-ốt cũng là nơi ba mẹ con bà tá túc, ăn ở sinh hoạt hàng chục năm nay. Lúc chúng tôi đến, bà cùng người con trai thứ đang dọn hàng. Hàng hóa bà bán trong chợ chỉ vài bó rau, ít hoa quả, chai nước mắm, lọ muối... Nhìn hàng hóa bà bán, chúng tôi tỏ ra nghi ngờ về việc bà bị Cty Vàng Phước Sơn nợ số tiền nhiều như vậy. Bà lý giải rằng: Đó là số tiền mà Cty đã mua rau, hoa quả của bà trong 2 tháng trời mà chưa trả tiền. Bà bảo, có ngày người của Cty đến mua của bà 50kg khổ qua, hàng chục ki-lô-gam rau xanh để về nấu cho công nhân ăn. Tuy nhiên, cũng như bà H., bà Liễu tin tưởng nên cho họ ghi nợ. Đến nay, người (đầu bếp Cty Vàng Phước Sơn) trực tiếp đi mua rau quả của bà đã nghỉ việc, và số tiền ấy bà không biết phải tìm ai để đòi.

Nếu không lấy được nợ, có lẽ gian hàng rau quả nhỏ bé này của bà Bùi Thị Liễu
sẽ có nguy cơ đóng cửa.

Chị Lê Thị Bạch Tuyết (1971) và chồng của mình làm nghề bán bún và mỳ sợi ở chợ Khâm Đức đã hàng chục năm nay. Vợ chồng chị cũng là bạn hàng chuyên cung cấp bún, mỳ sợi cho Cty Vàng Phước Sơn từ nhiều năm liền. Thời gian trước đây, mỗi ngày Cty mua của chị khoảng 40 - 50kg bún, mỳ sợi cho công nhân ăn. Việc thanh toán cũng nhẹ nhàng, nhanh gọn khi mà thường đến cuối tháng, Cty lại “chuyển khoản” qua cho chị đầy đủ. Tuy nhiên 4-5 tháng trở lại đây, Cty vẫn lấy hàng nhưng trả tiền theo kiểu “gối đầu” như trước đã bị... quên lãng. “Giờ vợ chồng tôi không biết chạy vạy tiền đâu để trả nợ cho bạn hàng nữa. Để có mỳ, bún bán cho Cty, chúng tôi phải mua gạo của người khác. Cty trả tiền mỳ thì chúng tôi có tiền để trả gạo, còn Cty không trả thì chúng tôi cũng đành bó tay. Gần 5 tháng rồi, Cty không trả cho chúng tôi, hiện số nợ đã hơn 50 triệu đồng. Tình trạng này còn kéo dài, chúng tôi từ chủ nợ sẽ biến thành con nợ, và nguy cơ ăn mỳ, bún thay cơm đang hiển hiện trước mắt”, chị Tuyết thở dài.

Cả TT Khâm Đức, từ người buôn bán rau, quả đến bún, mỳ nhỏ lẻ hầu như ai cũng bị ảnh hưởng (trực tiếp hoặc gián tiếp) vì chuyện Cty Vàng Phước Sơn chậm thanh toán tiền mua hàng hóa, thực phẩm. Những người buôn bán theo kiểu “lấy công làm lãi”, kiếm cơm qua ngày đã điêu đứng như vậy, huống hồ những đơn vị, doanh nghiệp lớn là đối tác của Cty Vàng Phước Sơn liệu có ai bị ảnh hưởng?!

Phóng sự điều tra: Doãn Nguyên Hưng
(còn nữa)