“Bão trắng” tàn phá quê nghèo

Thứ bảy, 03/12/2016 11:09

(Cadn.com.vn) - Không chỉ trắng tay, kiệt quệ, nhiều người dân tại xã Ea Kuêh (H. Cư Mgar, tỉnh Đắc Lắc) còn mất mạng vì nghiện “cái chết trắng”. Hậu quả là vậy nhưng không ít người vẫn lao vào vòng xoáy của ma túy.

Là một trong những thôn có nhiều người nghiện “cái chết trắng”, ông Văn Đức Tuấn, Trưởng thôn Thác Đá (xã Ea Kuêh) trải lòng: “Ma túy đã phá nát hạnh phúc của không ít hộ gia đình tại thôn chúng tôi. Chỉ mới vài năm trở lại đây, tại thôn có tới 15 người nghiện. Những người nghiện ma túy hầu hết là đàn ông đã lớn tuổi, không có công ăn việc làm ổn định, gia cảnh nghèo khó. Thế nhưng, họ vẫn lao vào vòng xoáy của ma túy. Nhiều người vì không có tiền mua ma túy nên đã mang cả đồ dùng trong nhà như tivi, tủ lạnh, xe máy... đi cắm. Thậm chí, có người còn bán cả ngôi nhà duy nhất của gia đình để thỏa mãn cơn thèm khát “cái chết trắng”. Với những gia đình có người nghiện ma túy thì cuộc sống triền miên trong đói khổ, thiếu thốn”. Ông Tuấn nói thêm: “Đất đai ở khu vực thôn Thác Đá trước đây rất có giá, nhưng chỉ vì địa phương có quá nhiều người nghiện nhũng nhiễu nên mấy năm trở lại đây, không ai dám tới mua đất làm nhà, canh tác. Điều này khiến những người làm công tác quản lý không khỏi trăn trở, lo lắng”.

Đường vào gia đình người đàn ông tự tử vì nghiện ma túy. 

“Bần cùng sinh đạo tặc”, nhiều năm nay vấn nạn ma túy đã khiến cho tình hình ANTT trên địa bàn trở nên phức tạp. Ông Nguyễn Trọng Phong - Trưởng CAX Ea Kuêh cho hay: “Vì không có tiền mua ma túy, nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi trộm cắp những đồ vật có giá trị của người dân. Thậm chí, con chó, con gà, máy bơm nước… của nhiều gia đình cũng bị các đối tượng nghiện lấy cắp. Thực tế này đã khiến cho người dân sống trong nơm nớp lo sợ”.

Đau lòng hơn, cũng vì ma túy, nợ nần chồng chất không có cách nào để trả nên cách đây 2 năm, ông P.V.T (trú thôn Thác Đá) đã tìm đến cái chết bằng cách uống thuốc diệt cỏ. Ông T. ra đi để lại người vợ và 3 đứa con thơ cùng những khoản nợ nần. Không chỉ đói nghèo, 2 đứa con đầu trong gia đình ông T. phải nghỉ học sớm để gồng gánh những khoản nợ do người cha để lại.

Được biết, ngoài trường hợp của ông T., từ năm 2000 đến nay, tại xã Ea Kuêh có khoảng gần 10 người chết vì “cái chết trắng”. Thực tế này khiến cho không ít gia đình rơi vào cảnh “mẹ góa, con côi”. Để hiểu hơn những vất vả của người vợ, người con trong gia đình có người nghiện ma túy, P.V tìm đến nhà ông N.H.H (chết vì nghiện ma túy, thôn Thác Đá).

Theo thông tin từ ông Nguyễn Trọng Phong, năm 2006, chính quyền địa phương phát hiện một số người dân từ các tỉnh phía Bắc di cư vào địa bàn mang theo tệ nạn ma túy. Tình trạng này không những không giảm sút mà còn diễn biến phức tạp trong vài năm trở lại đây. Năm 2014, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt 2 vụ mua bán trái phép chất ma túy tại thôn Thác Đá (xã Ea Kuêh). Tiếp đó, năm 2015, địa phương phát hiện một trường hợp trồng cây cần sa. Các cơ quan chức năng đã lập biên bản thu giữ hơn 300kg cây cần sa tươi. Đáng nói, tính đến năm 2016, toàn xã có tới 26 người nghiện ma túy, trong đó số người nghiện tập trung nhiều nhất là ở thôn Thác Đá và buôn Thái.Khi nhắc đến những lỗi lầm của người cha quá cố, người con trai thứ 2 của ông H. không khỏi tuyệt vọng: “Khi mới vào đây lập nghiệp, gia đình em có nhiều đất rẫy để canh tác và kinh tế tương đối ổn định. Thế nhưng, từ ngày bố nghiện ma túy, gia đình em phải bán đi nhiều diện tích đất rẫy. Thời gian bố còn sống, mọi gánh nặng đều đè lên đôi vai của mẹ. Sau đó, cùng với sự động viên của gia đình, bố đã quyết tâm cai nghiện thành công. Thế nhưng, khi về nhà thì lại không tránh khỏi vòng vây của ma túy. Trước tình hình cuộc sống gia đình ngày càng kiệt quệ, 3 anh em đã nghỉ học giữa chừng để phụ giúp cho mẹ. Thấu hiểu tất cả hậu quả khủng khiếp do ma túy gây ra, chúng em cương quyết nói không với ma túy”.

Đói nghèo bủa vây những gia đình có người nghiện ma túy tại thôn Thác Đá. Ảnh: T.T

Trước tình hình vô cùng cấp bách như trên, năm 2014, CAX Ea Kuêh đã tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng đề án “xã không ma túy”. Cho đến nay, chính quyền địa phương đã tiến hành giáo dục tại xã cho 5 đối tượng và vận động 11 người đi uống thuốc thay thế, 1 người đi cai nghiện tự nguyện. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng còn phối hợp để tổ chức công tác tuyên truyền về những tác hại do ma túy gây ra. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn nạn ma túy không thể một sớm, một chiều.

Ông Phong chia sẻ: “Hầu hết người nghiện sau khi cai, trở về địa phương lại tái nghiện. Nhiều người tưởng chừng đã cai nghiện ma túy thành công nhưng rồi lại vướng vào vòng lao lý vì “cái chết trắng”. Dẫn đến thực tế này là do xã Ea Kuêh là địa bàn giáp ranh với nhiều huyện khác như Ea H’leo, Krông Búk... Do đó, nguồn cung cấp ma túy vào địa phương là rất lớn. Hơn thế, hiện nay lực lượng CAX gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định đối tượng nghiện. Ngoài trường hợp bị bắt quả tang, hầu hết các đối tượng đều không thừa nhận mình là người nghiện ma túy. Vì vậy, cuộc chiến chống cơn “bão trắng” ở đây đang rất cam go”.

Thơ Trịnh