Bão vành đai (Bài 1: Đi qua vùng giải tỏa)
“Cơn bão” đô thị hóa đang quét qua vùng ven Đà Nẵng, Hội An mạnh chưa từng thấy. Đồi núi, ruộng đồng, bãi bồi... đang bị san lấp hối hả để làm các khu đô thị (KĐT), các dự án du lịch. Trong bức tranh ấy, diện mạo hạ tầng cơ sở vùng ven thay đổi, nhưng hệ lụy “cơn bão” để lại không hề nhỏ. Chúng tôi tạm gọi đó là cơn... bão vành đai.
Nhà cửa trong một ngôi làng vùng ven Đà Nẵng được giải tỏa nhường đất làm dự án khu đô thị. |
Hàng loạt dự án du lịch được xây dựng ven biển từ Đà Nẵng qua Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên (Quảng Nam) đã khiến các khu vực này thành vùng giải tỏa rộng lớn. Hàng chục khu tái định cư (TĐC), KĐT mọc lên san sát. Cũng từ đây, người nông dân quanh năm suốt tháng quanh quẩn với đồng ruộng, vuông tôm nay từ giã và bỗng thành... tỷ phú! Nhưng, dù đất được giá, nhà nhà có thể trở thành tỷ phú nhưng trên khuôn mặt sạm nắng của những người nông dân vẫn không giấu được những âu lo sau câu chuyện thu hồi đất, bồi thường tiền tỷ... Ông M.N, trú Cẩm Thanh, Hội An, cho biết: Từ khi có cầu Cửa Đại, một số khu nghỉ dưỡng được quy hoạch mọc lên như nấm sau mưa, so với ngày xưa cuộc sống người dân có cải thiện hơn, không còn cảnh “chân lấm, tay bùn” nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo khác chưa thể lường trước. Hoặc ông V.N, trú Cẩm An, Hội An, tâm sự: Có đường nhựa, nhà cao tầng, tiền đền bù đất cũng còn nhiều, cuộc sống đã hết lam lũ nhưng nhớ về ngày xưa với cuộc sống bình dị, chiều chiều nghe tiếng gió rít qua rặng phi lao, nghe tiếng sóng vỗ rì rầm... vẫn thích hơn.
Từ Hội An chạy xe qua cầu Cửa Đại để cảm nhận những cơn gió mát lành mang đậm hương vị của biển khơi đến với Duy Nghĩa, Duy Hải (H. Duy Xuyên) là hai địa phương đang chịu ảnh hưởng lớn từ dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, với tổng giá trị đầu tư là 4 tỷ USD. Ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết: Diện tích tự nhiên của Duy Hải là 1.034ha, với 2.800 hộ dân đang sinh sống nhưng vùng dự án chiếm hết 800ha. 234ha còn lại sẽ được giải tỏa để xây dựng khu tái định cư, trung tâm dịch vụ thương mại... Việc giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư đồng nghĩa với việc người dân Duy Hải không còn đất sản xuất nông nghiệp. Theo đó, mỗi hộ dân tại Duy Hải được nhận từ 1 tỷ đồng đến 4 tỷ đồng tiền đền bù đất đai, vật kiến trúc, cây lâu năm... Tương tự, hơn 300 hộ dân tại xã Duy Nghĩa cũng nhận số tiền hơn 1 tỷ đồng/hộ từ nhà đầu tư để bàn giao mặt bằng cho dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Cũng theo ông Thống, việc thu hồi đất tại Duy Hải, Duy Nghĩa để xây dựng khu nghỉ dưỡng Nam Hội An nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội các địa phương phía đông tỉnh Quảng Nam (nhất là kinh tế du lịch) đồng thời tạo động lực phát triển văn hóa, văn minh... cho người dân.
Ngoài dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, tại Quảng Nam đang thực hiện nhiều dự án khu dân cư khác. Cụ thể, tại P. Điện An (TX Điện Bàn) có 3 dự án, xã Điện Thắng Trung 3 dự án, P. Điện Ngọc, Điện Dương có hàng chục dự án, với diện tích hàng trăm héc-ta đất lúa, đất màu được chuyển đổi công năng từ đất nông nghiệp sang đất ở. Ông Nguyễn Đạt, Phó chủ tịch UBND TX Điện Bàn cho biết, những khu quy hoạch này được UBND tỉnh phê duyệt dự án và giao cho các Cty TNHH An Phú, Thiện Vỹ, Ân Phú làm chủ đầu tư. Đặc biệt, dù tại một địa bàn, như Điện An, Điện Thắng Trung cùng lúc có 3 dự án quy hoạch khu dân cư nhưng được thực hiện theo kiểu “da beo”, không có sự liên kết lẫn nhau. Việc quy hoạch chỉ dựa vào thực tế là khu vực thưa thớt người dân sinh sống nhằm giảm thiểu số tiền đền bù và liền kề với khu dân cũ hoặc có vị trí dễ khai thác. Việc giải tỏa đền bù, xây dựng khu dân cư này thực chất là khai thác đất để bán lấy lãi. Tuy vậy, ông Đạt cũng cho rằng, với TX Điện Bàn, việc xây dựng thêm một số khu dân cư mới là cần thiết nhằm đáp ứng được nhu cầu về nhà ở, tốc độ đô thị hóa tại địa phương và đáp ứng được yêu cầu là tăng số lượng dân số... để đáp ứng yêu cầu đề ra là đưa Điện Bàn trở thành đô thị loại 2 vào năm 2025.
Công trình khu nghỉ dưỡng nam Hội An trên đất vừa thu hồi của người dân xã Duy Hải. |
Quay trở về các vùng ven của Đà Nẵng như Hòa Liên, Hòa Quý, Hòa Phước... cũng không khó nhận thấy hàng loạt dự án được triển khai rầm rộ. Trong số đó, rất nhiều dự án bất động sản (BĐS) hàng chục, hàng trăm héc-ta ào ào đổ đất lấp ruộng đồng làm KĐT phân lô bán nền. Tại Hòa Liên, những đám ruộng cuối cùng bên làng Trung Sơn cũng đang được san lấp để làm KĐT Dragon rộng tới 78 ha. Chưa kể hàng loạt các khu TĐC, các dự án BĐS vệ tinh. Về cơ bản, Hòa Liên một xã bán sơn địa cách xa trung tâm TP song gần như bị “giải tỏa trắng” để làm gần 40 dự án lớn nhỏ. Ông Trương Tấn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết, diện mạo Hòa Liên đã thay đổi từ làng mạc lên đô thị nhanh chóng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.
Ông Tô Văn Hùng, Trưởng Ban Đô thị, HĐND TP Đà Nẵng cho biết, giai đoạn từ năm 2003 đến nay, quá trình biến đổi vùng nông thôn ngoại thành Đà Nẵng diễn ra mạnh mẽ. Đây cũng là quy luật tất yếu, nó đã làm thay đổi nhiều mặt trong đời sống xã hội đặc biệt là những làng xã như Hòa Liên, Hòa Phước, Hòa Quý, Hòa Nhơn..., vùng trực tiếp chịu tác động của quá trình này. Quá trình biến đổi trong quá trình đô thị hóa diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực, từ cơ sở hạ tầng, dân số, nghề nghiệp, thu nhập, nhà ở,... từ đời sống văn hóa vật chất, đến đời sống văn hóa tinh thần. Tuy nhiên, thực tế cho thấy dường như chúng ta chỉ quan tâm đến sự biến đổi của không gian vật chất một cách áp đặt hình thức không gian kiểu đô thị thông qua các dự án tái định cư và kết quả đã hình thành một lối sống pha trộn chứa nhiều mâu thuẫn chưa được giải quyết một cách căn cơ. Do vậy, tất yếu dẫn đến nhiều hệ lụy từ góc độ văn hóa, xã hội, môi trường, an sinh, an ninh trật tự...
VĂN THI- HẢI HẬU