Bảo vệ trẻ em trong thế giới công nghệ số (Kỳ cuối: Cần có giải pháp đồng bộ)

Thứ bảy, 30/06/2018 18:23

Không phải ngẫu nhiên mà Tháng hành động vì trẻ em năm nay đã chọn chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”. Cùng với các địa phương khác trên cả nước, Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 được UBND TP Đà Nẵng triển khai từ ngày 1-6 đến 30-6-2018 với nhiều hoạt động thiết thực. Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cho biết, Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 được thành phố triển khai sâu rộng, đều khắp trong các ngành, hội đoàn thể và các địa phương. Trong đó, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan liên quan tổ chức, nhằm đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được tham gia vào các vấn đề về trẻ em và quyền được bảo vệ để không bị xâm hại, bạo lực, nhất là không bị xâm hại trong thế giới công nghệ số.

Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, nhà trường và gia đình trong việc phát huy các tác động tích cực, hạn chế các tác động tiêu cực của thế giới công nghệ số đến sự phát triển toàn diện của trẻ em. Đặc biệt, vì một cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số, trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2018, TP Đà Nẵng chú trọng việc phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số an toàn, lành mạnh; trang bị những kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và chính bản thân trẻ em để các em biết cách tự bảo vệ chính mình trước những nguy cơ có hại.

Cần có biện pháp hạn chế các tác động tiêu cực của thế giới công nghệ số đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Để bảo vệ trẻ em trong thế giới công nghệ số, nhiều hội thảo được mở ra với mục đích định hướng truyền thông về bảo vệ trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại ở đây, mặc dù Luật Trẻ em năm 2016 và Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định khá rõ và cụ thể các quyền, biện pháp hỗ trợ, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nhưng hiện nay việc xử phạt vẫn chưa được thực hiện do thiếu các thông tư, hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh vẫn chưa hướng dẫn và kiểm soát việc trẻ sử dụng các công cụ như điện thoại thông minh, máy tính bảng, sử dụng internet hàng ngày. Trong khi thực tế ngày càng có nhiều trẻ em nghiện game, nghiện điện thoại thông minh, nghiện mạng xã hội.

Bộ LĐ-TB&XH dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Theo dự thảo, tại Điều 34 hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên hoặc của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ sẽ bị phạt tiền lên tới 50 triệu đồng và buộc phải xin lỗi khi có yêu cầu. Các hành vi như: Đưa thông tin cá nhân của trẻ em lên mạng mà không có sử đồng ý của trẻ em từ 7 tuổi trở lên hoặc cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; không cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em; không thực hiện yêu cầu xóa bỏ các thông tin cá nhân của trẻ em khi có yêu cầu; không xây dựng hoặc sử dụng, phổ biến phần mềm, công cụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng… đều sẽ bị xử phạt theo dự thảo nghị định.

Quy định, nghị định là vậy nhưng trên thực tế để xử lý những sai phạm không phải là chuyện dễ thực hiện, và thực hiện một cách có hiệu quả. Để tránh tình trạng “chờ được vạ thì má đã sưng”, nhiều ý kiến cho rằng, trước khi chờ áp dụng những chế tài xử phạt các hành vi sai trái làm ảnh hưởng đến trẻ em thì mỗi gia đình cần phải tìm được liều “vắc-xin” phù hợp để bảo vệ con em mình. Trong đó, quan trọng không kém đó là bố mẹ, gia đình cần có những kiến thức nhất định và có ý thức trong việc đưa thông tin, hình ảnh của trẻ lên mạng. Còn nhớ, nhiều trường hợp bố mẹ khi đưa hình ảnh con lên mạng xã hội, kèm theo những thông tin như trường học, lớp học cụ thể... đã tạo kẽ hở để bọn xấu lợi dụng, theo dõi dẫn đến các vụ bắt cóc, tống tiền, uy hiếp tính mạng con trẻ. Phụ huynh cần hướng dẫn và kiểm soát, cho phép trẻ được sử dụng công cụ công nghệ nào, sử dụng mạng xã hội ra sao, xem những trang web nào…Trang bị cho chính mình và con em mình các kỹ năng cần thiết khi sử dụng mạng để làm sao trở thành công dân của thế giới số.

Trước sự bùng nổ của thế giới mạng và những lợi ích mang lại, câu hỏi “làm thế nào để thế giới công nghệ số và môi trường mạng phát huy tối đa lợi ích cho trẻ em nhưng vẫn đảm bảo cho các em được an toàn” thực sự không dễ có câu trả lời thỏa đáng. Bởi, chỉ cần không kiểm soát được việc tham gia môi trường mạng của trẻ em thì lằn ranh giữa cái tốt và xấu thực sự rất mong manh. Có thể nói, để bảo vệ trẻ em có hiệu quả trên môi trường mạng cần phải có giải pháp đồng bộ, từ việc ban hành và thực thi chính sách, pháp luật, trong đó kể cả việc cần phải có hướng dẫn cụ thể về các chế tài xử phạt. Và, muốn trẻ em không lệch lạc khi tiếp cận môi trường mạng thì chính người lớn, nhà nước, nhà trường, gia đình cần quan tâm, hướng dẫn, bảo vệ để hướng các em tiếp cận và nhận được những miền tri thức phù hợp với lứa tuổi của mình.

TRANG TRẦN