Bất chấp cảnh báo, du khách vẫn mạo hiểm “phượt” núi Sơn Trà

Thứ tư, 31/07/2019 09:11

Sau nhiều vụ tai nạn thương tâm, ngành du lịch TP Đà Nẵng đã khuyến cáo người dân không nên tự chạy xe máy lên núi Sơn Trà. Mặc dù vậy, một bộ phận người dân, du khách vẫn mạo hiểm tiếp cận các điểm đến ở  những khu vực hiểm trở. Dù rất “xót ruột” nhưng đại diện các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra phương án quản lý thích hợp, và thỉnh thoảng lại phải chứng kiến những vụ việc đau lòng.

Dù ngành du lịch liên tục khuyến cáo nhưng rất nhiều du khách vẫn mạo hiểm chạy xe máy khám phá bán đảo Sơn Trà. 

Phớt lờ khuyến cáo

Mới đây nhất, ngày 28-7, một vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra trên cung đường từ trạm ra-đa trên đỉnh Sơn Trà hướng về thành phố, khiến hai bà cháu trong một gia đình tử vong. Cụ thể, chị Vân (1982, trú P. An Khê, Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng) điều khiển xe máy chở mẹ chồng và con gái lên núi Sơn Trà tham quan. Trên đường từ đỉnh Bàn Cờ về, do không làm chủ được tay lái khi xe xuống dốc, chị Vân đã loạng choạng khiến cụ bà và cháu bé bị hất văng xuống phía ta-luy âm cách mặt đường khoảng 10m. Vụ tai nạn khiến cháu bé tử vong tại chỗ, cụ bà bị thương nặng được đưa đi cấp cứu nhưng cũng không qua khỏi.

Trước đó không lâu, anh Lê Minh S. (2000, trú xã Quỳnh Văn, H. Quỳnh Lưu, Nghệ An), là sinh viên một trường đại học tại Đà Nẵng chở bạn bằng xe máy lên khám phá bán đảo Sơn Trà cũng bị tai nạn tương tự. Khi tiếp cận đỉnh Bàn Cờ, do không quen địa hình, mất lái nên cả hai đâm vào lan can bên đường. Hậu quả là S. tử vong tại chỗ, còn bạn nguy kịch may mắn được người dân đưa đi cấp cứu kịp thời.

Theo ông Nguyễn Đức Vũ - Trưởng BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, đoạn đường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhất tại bán đảo Sơn Trà là đỉnh Bàn Cờ đổ xuôi về phía Đông Bắc của bán đảo. Theo ông Vũ, việc đi xe số để lên xuống dốc ở các khúc cua trên đỉnh Sơn Trà vốn đã là nguy hiểm, trong khi nhiều người đi xe tay ga đã không thể làm chủ được tay lái khi hệ thống phanh bị hỏng. Không những người dân hoặc khách du lịch lạ nước lạ cái muốn chinh phục, mạo hiểm mà ngay cả những người đã quen địa hình khi có công việc liên quan tại đây cũng rất khó khăn đối với các đoạn đường có độ dốc cao, ma sát ít lại quanh co. Mới đây đã có một gia đình 4 thành viên đi xe ga buộc phải cho xe trôi tự do vào ta-luy dương ở tốc độ cao khi không thể làm chủ được tay lái. Hậu quả là cả 4 người đều bị thương nặng, trong đó có người bị chấn thương đốt sống rơi vào nguy kịch.

Hiện trường một vụ tai nạn khi du khách “phượt” lên Sơn Trà.

Chưa có mô hình quản lý hiệu quả

Trước những vụ tai nạn thương tâm diễn ra với tần suất ngày càng nhiều, cách đây 2 tháng, BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã thực hiện các kênh tuyên truyền đến người dân và du khách khi đi tham quan tại Sơn Trà. Ngoài việc phát những thông tin trên các cơ quan báo chí, đơn vị cũng đã thực hiện truyền thông trực quan dọc bãi biển, các điểm đến tại Sơn Trà. Tuy nhiên, mọi biện pháp chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, có người nghe nhưng cũng nhiều người phớt lờ.

“Giải pháp thì đã triển khai thực hiện hết rồi. Biết nguy hiểm nhưng không thể cấm việc đi lại của người dân được. Người ta nghe thì mình đỡ được mối lo, họ không nghe mình cũng đành chịu”, ông Nguyễn Đức Vũ cho hay.

Cũng theo ông Vũ, với trách nhiệm được giao, đơn vị cũng đã tham mưu Sở Du lịch trình UBND thành phố Đà Nẵng đề án “Quản lý khách du lịch tại bán đảo Sơn Trà”, trong đó có đề xuất đến phương án quản lý, vận chuyển khách tiếp cận các điểm đến bằng xe chuyên dụng như tại các khu bảo tồn. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất đối với Sơn Trà hiện tại chính là chưa có mô hình quản lý hiệu quả, dù có nhiều đơn vị cùng tham gia quản lý nhưng không có cơ quan đầu mối.

Cùng chung quan điểm này, bà Trần Thị Thanh Tâm – Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà cho biết, quận và các đơn vị liên quan đã có kiến nghị từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có chủ trương chính thức nào. Hiện thành phố đã ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý chung, nhưng đối với việc quản lý con người thì vẫn chưa có đầu mối chịu trách nhiệm. “Quan điểm của quận là phải kiểm soát được người lên Sơn Trà. Hiện các cơ quan cũng đang rà soát để tham mưu thành phố thực hiện hiệu quả, khắc phục những hạn chế, chồng chéo trong thời gian qua”, bà Tâm cho hay.

Trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh- Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, những vụ tai nạn thương tâm trong thời gian qua xảy ra tại bán đảo Sơn Trà đòi hỏi các cơ quan chức năng và chính quyền thành phố phải sớm có biện pháp quản lý hiệu quả đối với điểm du lịch này. Không chỉ ngành du lịch mà chính quyền địa phương, sở NN&PTNT, Kiểm lâm, Biên phòng... đều là thành viên trong quy chế phối hợp, tuy nhiên việc quản lý con người thì chưa ai chịu trách nhiệm.

“Thành phố đã ban hành quy chế phối hợp và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường trách nhiệm quản lý trên lĩnh vực được phân công. Tuy nhiên cái khó hiện nay là chưa thể cấm việc đi lại của người dân. Không phải muốn cấm là cấm được. Trên cơ sở tham mưu của các ngành, thành phố sẽ có hội nghị để thống nhất phương án hiệu quả, phù hợp nhất cho Sơn Trà”, ông Lê Trung Chinh cho biết.

ĐÔNG A