Bất động sản ven biển còn dư địa phát triển
Trung tuần tháng 5 vừa qua, tại TP biển Đà Nẵng đã diễn ra Talkshow (tọa đàm) về tiềm năng phát triển bất động sản ven biển Việt Nam với chủ đề “Trăm dòng sông đổ về một biển” với sự tham gia của các nhà chuyên môn, chuyên gia trên lĩnh vực bất động sản. Bên lề tọa đàm, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã phỏng vấn GS-TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ông Đặng Hùng Võ. |
P.V: Thưa ông Đặng Hùng Võ, ông có thể phân tích nguyên nhân tại sao các nhà đầu tư ưa thích đầu tư vào bất động sản ven biển?
Ông Đặng Hùng Võ: Theo lý thuyết địa kinh tế, các quốc gia có biển luôn có tiềm năng phát triển lớn hơn các quốc gia không có biển. Tại một quốc gia có biển thì các tỉnh ven biển có lợi thế phát triển mạnh hơn các tỉnh không có biển. Nói chi tiết hơn về lý luận địa kinh tế, các vùng ven biển có lợi thế vượt trội là không gian phát triển luôn mở, mở về phía không gian biển rộng lớn hơn nhiều so với không gian trên phần lục địa. Hơn nữa, kết nối giao thông vận tải bằng đường biển cũng dễ dàng, thuận lợi và chi phí thấp hơn kết nối bằng các phương tiện khác. Không gian rộng lớn đó chứa đựng nhiều ngành kinh tế mà trên đất liền không có như khai thác tài nguyên biển và đáy biển, vận tải biển, du lịch biển, lợi dụng năng lượng từ biển...
Việt Nam là một quốc gia có biển với không gian biển có diện tích lớn hơn gấp 3 lần không gian đất liền và đường bờ biển dài hơn 3.000km gắn với nhiều đảo và quần đảo quan trọng. Kinh tế biển nói chung ở Việt Nam đã phát triển khá mạnh trong thời gian gần đây. Kể từ khi Bộ Chính trị đặt ra chủ trương đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế du lịch đã phát triển khá mạnh tại các tỉnh ven biển, trước hết là tại các địa phương có tiềm năng du lịch đã được khai mở từ thời Pháp thuộc như: Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu và đang hướng tới một số đảo có tiềm năng lớn như: Phú Quốc, Vân Đồn... Tình trạng đầu tư sôi động trong phát triển đô thị, nhà ở, du lịch tại các địa bàn ven biển nói trên là hiện tượng đúng quy luật. Những nơi nhìn thấy rõ tiềm năng phát triển do lợi thế về lịch sử, tự nhiên, văn hóa và do lợi thế về hạ tầng sẵn có sẽ thu hút nhà đầu tư mạnh hơn.
P.V: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản ven biển miền Trung?
Ông Đặng Hùng Võ: Suốt dải ven biển miền Trung, có những địa điểm mà bất động sản du lịch đã phát triển mạnh như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa nhưng cũng có rất nhiều địa điểm chưa phát triển. Việc tìm kiếm địa điểm mới ven biển miền Trung để phát triển du lịch biển và bất động sản ven biển là một xu hướng mới hiện nay. Nhiều dự án lớn đang tìm đến các địa phương chưa phát triển như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận,... Bước đi này cũng là tất yếu nhưng phải nghiên cứu rất cẩn thận về mọi mặt gồm tự nhiên, xã hội, văn hóa, con người, địa kinh tế...
Trong các địa phương ven biển miền Trung chưa phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ven biển, tôi đặc biệt chú ý đến Phú Yên. Đây là địa phương từ xưa tới nay vẫn được coi là nơi du lịch kém phát triển mặc dù địa thế tự nhiên khá đẹp với cảnh quan bên núi bên biển đặc trưng của biển miền Trung, cảnh quan văn hóa – lịch sử cũng nhiều. Trong đó, cảnh quan tự nhiên với ghềnh Đá Đĩa, bãi Xép, bãi Môn, đầm Ô Loan, núi Đá Bia, bãi biển Long Thủy,... Cảnh quan văn hóa cũng phong phú như: nhà thờ giáo xứ Mằng Lăng, tháp Nhạn, hải đăng Gành Đèn... Còn cảnh quan lịch sử đa dạng, đặc biệt là Vũng Rô, một cảng quan trọng của các đoàn tàu không số theo đường Hồ Chí Minh trên biển trong kháng chiến chống Mỹ. Gần đây, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một tác phẩm điện ảnh có tiếng dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng là một bước mới làm cho nhiều du khách muốn đến Phú Yên để khám phá và trải nghiệm với hoa vàng trên cỏ xanh. Phú Yên nói riêng và một số địa phương ven biển miền Trung nói chung vẫn như bị các nhà đầu tư lãng quên bấy lâu nay. Vì vậy, đầu tư vào du lịch biển, bất động sản ven biển miền Trung là một ý tưởng phù hợp, có lợi lớn cho cả nhà đầu tư và địa phương.
P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
PHÚ NAM (thực hiện)