Bát nháo giao thông ở Hải Vân Quan

Thứ sáu, 20/09/2019 16:09

Tình trạng phức tạp, thậm chí gọi là "bát nháo" về tình hình trật tự ATGT, thực ra đã diễn ra từ lâu trên Khu di tích Hải Vân Quan, đỉnh đèo Hải Vân, nằm ở ranh giới địa phận giữa hai địa phương Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng. Tình hình càng phức tạp hơn, kể từ giữa năm 2017, Hải Vân Quan được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia và Kiến trúc nghệ thuật đối với Hải Vân Quan.

Dưới sương mù buổi sáng trên đỉnh đèo Hải Vân, tại khu di tích Hải Vân Quan, xe chở khách du lịch đậu đỗ chiếm lòng lề đường, gây nguy hiểm, cản trở các xe tải trọng lớn lưu thông qua.

Có mặt trên đỉnh đèo Hải Vân, tại khu vực khu di tích Hải Vân Quan vào sáng 19-9, chúng tôi được chứng kiến tình trạng có thể nói  là "hỗn loạn" về  trật tự giao thông. Mới hơn 8 giờ sáng, sương mù còn bao phủ,  nhưng đã có hàng chục xe  lớn,  nhỏ chở khách du lịch từ Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, với hàng trăm du khách  lên thăm Hải Vân Quan. Hoàn toàn không có sự điều tiết, sắp xếp nào của lực lượng chức năng, các xe khách, mạnh xe nào xe nấy tự tìm chỗ đậu đỗ, đổ khách, nhiều xe đỗ ngay trên lòng đường, chiếm gần hết phần đường phương tiện lưu thông... Nhiều xe quay ngang đậu trước các hàng quán bán giải khát, đồ lưu niệm, nhưng phần đuôi xe choán hết cả lòng đường, phần dành cho các phương tiện qua lại trên đèo Hải Vân. Xe lên, xe xuống, chen lấn đậu đỗ, khách du lịch cũng cứ vô tư đứng giữa lòng đường trên đỉnh đèo chụp ảnh, nói chuyện...

Chúng tôi quan sát, khu vực các xe chở khách đậu đỗ đổ khách, bên cạnh là dãy hàng quán ken dày, đây là một vòng cung gấp khúc, phía Nam đường đèo đổ về phía Đà Nẵng, phía Bắc đổ về phía Thừa Thiên Huế đều là cung đường có độ dốc rất lớn. Đường đèo Hải Vân từ khi có đường hầm Hải Vân đi vào hoạt động, chỉ dành cho các loại xe tải có trọng tải lớn, chở hàng cồng kềnh, dễ cháy nổ... Việc các xe chở khách du lịch đậu đỗ hỗn loạn trên đỉnh đèo, đã gây cản trở về tầm nhìn quan sát, làm mất đi sự chủ động khi điều khiển xe của các phương tiện xe tải trọng lớn đang leo dốc hoặc xuống dốc trên đỉnh đèo Hải Vân, vô cùng nguy hiểm khi các phương tiện  lưu thông qua khu vực.

Anh Nguyễn Ngọc Hùng - nhân viên phụ trách công tác bảo vệ, Ban Quản lý Khu Di tích Hải Vân Quan, thuộc UBND Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng cho biết, đội bảo vệ có 5 thành viên gồm, bộ đội biên phòng, công an, quy tắc đô thị, dân quân. Nhiệm vụ của tổ bảo vệ là giữ gìn ANTT tại Khu di tích, hoàn toàn không có chức năng giữ gìn, quản lý, điều tiết về trật tự ATGT, nhưng lâu nay, trước tình hình giao thông phức tạp, tổ bảo  vệ cũng phải kiêm luôn công việc này.  Một phần vì không có chuyên môn, hơn nữa lái xe cũng "không sợ" lực lượng bảo vệ nên gặp không ít khó khăn.

Hiện tại, tại khu vực đỉnh đèo nơi  có khu di tích Hải Vân Quan có 15 hàng quán bán giải khát, đồ lưu niệm, trong đó có 11 hàng quán nằm trên địa phận TP Đà Nẵng, 4 hàng quán thuộc địa phận Thừa Thiên Huế. Tại khu vực còn có khoảng hơn 20 người bán hàng rong, tổng cộng có khoảng 60 người thường xuyên cư trú tại khu vực. Anh Hùng cho biết, trước đây tình hình ANTT khu vực khá phức tạp, tình trạng trộm cắp, đánh nhau, gây mất trật tự cộng cộng thường xuyên xảy ra. Nhưng kể từ tháng 6-2018, khu tổ bảo vệ Hải Vân Quan được thành lập và túc trực làm nhiệm vụ thường xuyên, tình hình ANTT đã cơ bản ổn định, từ đầu năm 2019 đến nay chỉ xảy ra 2 vụ trộm cắp tài sản của du khách, lực lượng bảo vệ đã bắt quả tang đối tượng bàn giao cho cơ quan CA xử lý, tình trạng đánh nhau, gây rối không xảy ra... Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT và vệ sinh môi trường còn rất phức tạp.

Có điều phải nói thẳng, mặc dù Khu di tích thuộc sự quản lý của hai địa phương là TP Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, nhưng phía tỉnh Thừa Thiên Huế không phân công lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn ANTT tại khu di tích, tình trạng xả rác thải bừa bãi từ các hàng quán vẫn diễn ra, lực lượng bảo vệ phía Đà Nẵng phải sang nhắc nhở, kể cả việc giữ gìn ANTT, tranh giành khách, tranh giành nơi đậu đỗ xe,  điều tiết về trật tự giao thông. Theo anh Hùng, tại khu vực di tích, thời gian cao điểm là từ 10 giờ sáng đến 15, 16 giờ chiều, lượng khách lên tham quan rất đông, trung bình từ 2.000 đến 3.000 nghìn lượt người, có lúc gần cả trăm xe chở khách các loại, trên mặt đường đỉnh đèo, có lúc người đi xe máy cũng khó khăn, vất vả lắm mới luồn lách để đi qua đoạn đường này. Hàng ngày, lực lượng bảo vệ phải trần mình cả lúc nắng, lúc mưa để nhắc nhở, phân luồng, điều tiết nơi đậu đỗ  các loại xe khách suốt từ xế trưa tới cuối giờ chiều mỗi ngày. Anh Hùng phân trần, đáng lẽ những công việc ấy là nhiệm vụ của ngành giao thông, hay CSGT, nhưng chả mấy khi thấy những lực lượng ấy lên để làm nhiệm vụ, chỉ trừ khi có tai nạn xảy ra...!?

Theo các cán bộ, nhân việc bảo vệ khu di tích Hải Vân Quan, trước thực trạng phức tạp về trật tự ATGT, chính quyền và ngành chức năng hai địa phương  Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế  cần có sự bàn bạc, phối hợp, tổ chức lại một số vấn đề như : Quy hoạch, bố trí, sắp xếp lại mặt bằng địa điểm nơi đón khách du lịch lên tham quan khu di tích Hải Vân Quan. Bố trí lại nơi nào là nơi buôn bán, nơi nào là bãi đậu đỗ các loại xe chở khách, có nơi dành cho du khách nghỉ chân, có hướng dẫn viên hướng dẫn du khách đi tham quan theo lộ trình, trật tự, an toàn... Đây là những việc nên làm ngay, nhằm giải quyết, ổn định tình hình ANTT nói chung, TTATGT nói riêng.

HỒNG THANH