Bạt núi trồng keo uy hiếp an toàn giao thông các tuyến đường huyết mạch
Trước mùa mưa, nhiều cung đường thuộc tuyến Quốc lộ 14G và cao tốc La Sơn- Túy Loan đang đứng trước nguy cơ sạt lở, uy hiếp an toàn giao thông (ATGT) do người dân bạt núi, mở đường trồng keo.
Bạt ta-luy đường, cạo trọc rừng để trồng keo
Thời gian qua, Quốc lộ 14G, tuyến đường huyết mạch nối Đà Nẵng đi các huyện Đông Giang, Tây Giang của Quảng Nam và kết nối với đường Hồ Chí Minh xuất hiện rất nhiều vị trí tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Nổi bật là nhiều quả đồi nằm ở ta-luy dương của tuyến đường này bị người dân "cạo trọc" trồng keo, mở đường khai thác nham nhở đe dọa đến người, phương tiện tham gia giao thông trong mùa mưa.
Đứng ở vị trí cao của Dốc Kiền nhìn xuống các đoạn đường quanh co, rất dễ nhận thấy hàng chục vị trí tại các quả đồi chạy theo Quốc lộ 14G từ địa phận Đà Nẵng đến Quảng Nam bị người dân phát quang, đốt thực bì và cải tạo để trồng keo. Thậm chí tại một số vị trí đã xảy ra sạt lở từ những mùa mưa trước đã được khắc phục vẫn còn là mối lo thường trực khi bề mặt đất đồi tơi xốp, nếu ngậm nước lâu ngày có thể đổ ập xuống đường vì không có cây cối, không có kè bảo vệ. Tại vị trí cây cầu Km23+17 thuộc địa phận Đà Nẵng, người đi đường nơm nớp lo sợ khi cánh rừng bên ta-luy dương bị người dân cải tạo thành con đường dốc chạy quanh co. Quả đồi này không xuôi mà như bậc thang, phía giáp đường quốc lộ tạo hàm ếch khiến nguy cơ sạt lở càng thêm nghiêm trọng. Ông Nguyễn Thành Bắc, người dân ở Trung Mang, Đông Giang đi lại thường xuyên qua đoạn đường này cho biết, hầu như mùa mưa năm nào cũng xảy ra sạt lở khiến giao thông ách tắc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người đi đường, thậm chí có thời điểm sạt lở nặng khiến việc kết nối giao thông từ Đà Nẵng lên Đông Giang, Tây Giang tê liệt thời gian dài. "Người dân không chỉ bạt núi trồng keo mà còn mở đường để khai thác, vận chuyển tạo ra các dòng chảy phá vỡ kết cấu đất đồi. Khi ngậm nước nhiều ngày cộng với nước đổ từ trên cao xuống thì xảy ra sạt lở. Hiểm họa ngay trên đầu người đi đường", ông Bắc cho biết.
Đại diện Khu Quản lý đường bộ III cho biết, trên mái ta-luy các sườn đồi, sườn núi liền kề hai bên Quốc lộ 14G có nhiều người dân được giao đất để trồng rừng sản xuất. Trong quá trình này, người dân tự mở đường để phục vụ việc trồng, chăm sóc và khai thác… gây ra sạt lở, hư hỏng các công trình đường bộ, ảnh hưởng giao thông trên tuyến cũng như nguy cơ mất ATGT tại một số vị trí.
Vào tháng 6-2023, Khu QLĐB III đã làm việc với cơ quan chức năng H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng và người dân được giao khoán, yêu cầu lấp các mương, rãnh đã đào, dừng việc mở đường ở sườn núi ta-luy dương, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu để chống sạt lở. Tại các buổi làm việc, đơn vị yêu cầu Hạt Quản lý đường bộ Quốc lộ 14G đóng, rào chắn các điểm đã bị người dân tự ý mở đường dọc tuyến đoạn qua Dốc Kiền, không để người dân đưa xe cộ, phương tiện lên núi khai thác, trồng keo. Tuy nhiên, đến nay tình trạng trên chưa được khắc phục.
Trong khi đó, dọc tuyến cao tốc La Sơn - Hòa Liên nối Thừa Thiên- Huế và Đà Nẵng cũng xuất hiện nhiều khu vực đồi núi bị người dân cải tạo để trồng keo nham nhở, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông ở tốc độ cao. Thậm chí, cơ quan chức năng liên tục phát hiện một số trường hợp người dân tự ý tháo dỡ hàng rào bảo vệ bằng lưới thép gai, lưới B40 dọc hai bên đường đi vào tuyến La Sơn - Hòa Liên để trồng rừng, khai thác lâm sản. Riêng năm 2023, Khu QLĐB III đã phát hiện 85 vụ tháo dỡ hàng rào bảo vệ. Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Khu Quản lý đường bộ III cho biết, nghiêm trọng hơn, một số trường hợp tự ý tháo dỡ hàng rào bảo vệ và mở đường nhánh trái phép đấu nối vào tuyến La Sơn - Hòa Liên để khai thác, vận chuyển keo trồng dọc theo tuyến đường. Đây là hành vi vi phạm quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ đường bộ, gây mất ATGT rất cao, đồng thời gây sạt lở đất, hư hỏng công trình giao thông. Mặc dù đơn vị đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương để ngăn chặn, xử lý nhưng các vi phạm vẫn tái diễn.
Cần chuyển đổi cây trồng dọc các tuyến đường có nguy cơ sạt lở
Ông Phan Thế Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng cho biết, trồng keo góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân. Tuy nhiên, sau 3-4 năm thì phải khai thác, lúc này người trồng keo phải mở đường trên các sườn núi cao, cùng với đó, khi khai thác xong lại đốt thực bì để trồng lại lứa khác khiến đồi núi trọc trơn. Một đặc điểm dễ nhận thấy là cây keo giữ đất không bằng các loại cây bản địa, cây gỗ lớn. "Đáng lẽ phải đầu tư trồng cây bản địa, cây gỗ lớn để giữ đất từ đầu. Cây keo không phải là cây trồng bền vững và không giữ được đất. Cây đến độ khai thác lại bị chặt trụi, phát quang và phải mở đường mới trên núi nên nguy cơ sạt lở rất cao. Trước đây, chính sách của nhà nước là giao khoán hết đất trống cho người dân. Sau này, mới thấy hậu quả là sạt lở", ông Dũng cho hay.
Trên phương diện quản lý đường bộ, ông Nguyễn Danh Tiến - Trưởng Văn phòng đường bộ III.1, thuộc Khu Quản lý đường bộ III cho hay, việc đào núi mở đường khai thác keo nguy cơ mất ATGT rất cao, mỗi khi xảy ra sự cố sạt lở thì công tác khắc phục rất khó khăn và tốn kém. Hầu hết các điểm đã từng xảy ra hoặc tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đều được rào đóng bằng hộ lan mềm, nhưng đây không phải là giải pháp căn cơ. Đối với tuyến Quốc lộ 14G, mới đây Khu Quản lý đường bộ III đã có văn bản gửi Ban ATGT TP Đà Nẵng, Sở NN&PTNT và UBND H. Hòa Vang đề nghị có biện pháp ngăn chặn, không để người dân bạt đồi núi, tự mở các đường phục vụ khai thác và trồng cây trên các sườn núi và ta-luy dọc theo dọc tuyến.
Riêng dọc tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan, từ đầu năm 2024, đơn vị cũng có văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng đề nghị xem xét điều chỉnh mục đích sử dụng đất rừng dọc tuyến La Sơn - Hòa Liên tại các khu vực thường xuyên bị mở hàng rào bảo vệ, đấu nối trái phép theo hướng không giao đất cho các tổ chức, cá nhân trồng cây khai thác, chỉ trồng rừng lâu năm bền vững. Trường hợp trồng rừng khai thác, đề nghị cần phải xây dựng hệ thống đường gom phục vụ cho việc trồng, khai thác, vận chuyển.
Công Khanh