Bất ổn ở Belarus - cái cớ để Châu Âu đẩy mạnh quân sự hóa?
Bất ổn chính trị ở Belarus đang làm rung chuyển Châu Âu. Nhưng theo nhiều chuyên gia, trớ trêu thay, nhiều quốc gia Châu Âu thích lợi dụng tình huống này như một cái cớ để đẩy mạnh quân sự hóa.
Sau cuộc bỏ phiếu ngày 9-8, Belarus rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng khi bùng nổ làn sóng phẫn nộ, tố cáo chính quyền gian lận phiếu bầu. Theo kết quả, Tổng thống Alexander Lukashenko, nhân vật cầm quyền trong 26 năm qua, có được 80% phiếu bầu và giành chiến thắng cách biệt với ứng viên của phe đối lập.
Cảnh sát chống bạo động đối mặt người biểu tình tại Quảng trường Độc lập ở Minsk, Belarus, hôm 27-8. Ảnh: AP |
Nga nói gì?
Liên minh Châu Âu (EU) đã vào cuộc với phe đối lập, không công nhận kết quả bầu cử và tuyên bố các trừng phạt. Tuy nhiên, Tổng thống Lukashenko vẫn bám trụ, chờ đợi sự hỗ trợ từ Nga. Chính quyền của ông Lukashenko cáo buộc lực lượng biểu tình đối lập tìm cách chiếm quyền với sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Cho đến nay, Moscow tỏ ra không muốn can thiệp trực tiếp vào nội tình Belarus. Tổng thống Vladimir Putin thể hiện sự công bằng khi thừa nhận có vấn đề tại Belarus. Tuy nhiên, ông chủ Điện Kremlin vẫn cho biết sẵn sàng cử cảnh sát đến Belarus nếu các cuộc biểu tình ở đó ngày càng bạo lực dù hiện tại chưa cần thiết. Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Nga, ông Putin cho biết, người đồng cấp Lukashenko đã yêu cầu ông chuẩn bị sẵn sàng cho một đội thực thi pháp luật của Nga đến Belarus nếu cần thiết. Và ông Putin nói thêm: “Tuy nhiên, tôi và ông ấy nhất trí rằng “hiện tại không có nhu cầu như vậy và tôi hy vọng trong những ngày tới cũng vậy”.
Trong chuyến thăm Lithuania vào tuần qua, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cũng cho biết, họ không có dấu hiệu nào cho thấy Nga có kế hoạch can thiệp quân sự vào Belarus.
Các nước Châu Âu muốn gì?
Bất ổn chính trị ở Belarus thật sự đang làm rung chuyển Châu Âu. Nhưng theo nhiều chuyên gia, trớ trêu thay, nhiều quốc gia Châu Âu thích lợi dụng tình huống này như một cái cớ để củng cố lực lượng vũ trang, mua thêm vũ khí và thiết bị quân sự. Trong khi đó, những nhà bán vũ khí hàng đầu cũng lại lợi dụng tình hình để buôn bán. Quá trình này mang lại lợi nhuận khổng lồ cho những bên tham gia.
Theo Reuters, Thụy Điển đang tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Baltic trong bối cảnh lo ngại về hoạt động gia tăng của Nga trong khu vực và tình hình căng thẳng ở Belarus sau một cuộc bầu cử gây tranh cãi. “Trọng tâm của hành động sẵn sàng chiến đấu cao là tăng cường giám sát hải quân ở Biển Baltic, trên biển và từ trên không”, Jan Thornqvist, Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang Thụy Điển, cho biết trong một tuyên bố và nhấn mạnh thêm: “Sự hiện diện quân sự ở Gotland cũng gia tăng”.
Những hoạt động tương tự như Thụy Điển cũng được thể hiện rõ ở Latvia. Nước này tuyên bố sẽ sớm có trực thăng UH-60M Black Hawk của riêng mình sau khi được Lầu Năm Góc chấp thuận bán 4 chiếc và các thiết bị liên quan với chi phí ước tính khoảng 200 triệu USD (173 triệu EUR). Giới chức quân đội Latvia dự định sử dụng những máy bay trực thăng này để hiện đại hóa lực lượng vũ trang và mở rộng kiến trúc quân đội hiện nay trong nỗ lực cung cấp hỗ trợ đa nhiệm trong khu vực. Đến lượt mình, giới chức chính trị Latvia kêu gọi người dân “hãy đừng ngạc nhiên” khi nghe thấy tiếng gầm rú của động cơ phản lực ở phía bắc Riga khi Lực lượng Vũ trang Quốc gia Latvia và binh sĩ NATO tăng cường sự hiện diện ở nước này khi họ tham gia các cuộc tập trận xung quanh Vangazi từ ngày 25 đến 29-8.
Theo giới phân tích, trong bối cảnh tình hình ở Belarus vẫn chưa yên, tất cả những sự chuẩn bị này từ các quốc gia lân cận chỉ làm gia tăng căng thẳng và dẫn đến việc quân sự hóa nguy hiểm trong khu vực.
KHẢ ANH