"Bắt vợ" thời nay
* Kỳ 1: Tình yêu không biên giới
(Cadn.com.vn) - Tục “bắt vợ” là một nét văn hóa đặc sắc trong hôn nhân, cưới hỏi của người dân H'Mông và trở thành “chìa khóa” cho những đôi uyên ương bị ngăn cản đến với nhau. Tuy nhiên hiện nay tục lệ này đang bị lạm dụng và trở thành vấn nạn nhức nhối.
Theo già làng Lầu Nềnh Chừ (71 tuổi, thôn Chạ Lạt, xã Mường Típ, H. Kỳ Sơn, Nghệ An) người H’Mông quan niệm, có “bắt vợ” thì người đàn ông mới chứng minh sự mưu trí, dũng cảm của mình và thật lòng với người yêu. “Bắt vợ” là thử thách cuối cùng để trai gái trở thành vợ chồng của nhau. Nếu cả cô gái và chàng trai đều yêu nhau mà chàng trai không “bắt vợ” thì chứng tỏ chàng trai đó không có tình cảm và không xứng với cô gái, “bắt vợ” trở thành chuẩn mực nâng cao giá trị của người phụ nữ.
Các chàng trai H’Mông sau khi tìm được cô gái mình yêu thương, người con trai sẽ nhờ đến anh em, bạn bè... giúp đỡ và thống nhất kế hoạch “bắt vợ”. Khi đi “bắt vợ” thì nhà trai phải đi theo số lẻ, bởi theo quan niệm của đồng bào người H’Mông thì đi bắt vợ là phải “đi lẻ về chẵn” hoặc “đi ba về bốn”. Mọi chuyện được người nhà trai tính toán một cách kỹ càng và bí mật mà không để cho gia đình nhà gái hay biết. Các chàng trai lợi dụng lúc các cô gái đang đi gánh nước dưới suối, hái lá trên nương hay chặt củi trong rừng thì tiến hành “bắt vợ”. Các cô gái sẽ được các chàng trai kéo về nhà. Nếu cô gái đồng ý thì sẽ thể hiện bằng cách kêu khóc nho nhỏ, nếu cô gái không yêu chàng trai thì phải khóc to để người nhà biết mà giải cứu, lúc đó nhà trai sẽ không “bắt” nữa.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp mặc dù cô gái không thích chàng trai nhưng vẫn bị bắt làm vợ, trong vòng ba ngày cô gái phải tìm cách trốn khỏi nhà chàng trai hoặc được chàng trai cố tình để cô gái trốn thoát. Lúc đó gia đình nhà chàng trai phải làm lễ vật sang nhà cô gái để “đền danh dự”. Còn sau ba hôm bị bắt mà cô gái không trốn được thì gia đình nhà trai sẽ đến báo cho gia đình nhà gái biết và bàn việc cưới. Khi bắt vợ xong, hai gia đình sẽ làm thủ tục cưới hỏi và đăng ký kết hôn theo đúng thủ tục.
Theo ông Và Bá Chá, Bí thư Chi bộ bản Long Kèo, xã Mường Lống, H. Kỳ Sơn, từ những năm 1978-1979 trở về trước thì tình trạng bắt vợ xảy ra thường xuyên, nhưng hiện nay tập tục này đang ngày mai một. Có thể nói, người H'Mông có rất nhiều tục lệ với những ràng buộc khắt khe, song bên trong đó đều chứa đựng các yếu tố nhân văn rất tình người, được xử lý linh hoạt trên cơ sở đoàn kết yêu thương. Nó chính là nhân lõi để giữ gìn sự gắn bó của cộng đồng và bảo lưu các giá trị văn hóa của họ.
Vợ chồng anh Lầu Bá Lì (người Việt) và chị Và Y Rùa (người Lào) sống bên nhau hạnh phúc. |
Cũng từ lục “bắt vợ”, mà những cặp đôi H’Mông trai Việt- gái Lào vùng biên giới Nghệ An giáp Lào cũng được hình thành. Hiện nay, do quá trình thông thương, đi lại, mua bán và trao đổi hàng hóa nên cơ hội trai Việt lấy vợ Lào càng nhiều. Các bản thuộc xã Mường Típ đều nằm đối diện với những bản thuộc huyện Nọong Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) nên cơ hội giao lưu càng mở rộng hơn.
Tại bản Chạ Lạt xã Mường Típ, nơi có nhiều cặp vợ chồng Việt - Lào nhất, ai cũng biết về mối tình đẹp của vợ chồng anh Lầu Bá Lì (1982) và chị Và Y Rùa. Lầu Bá Lì là một chàng trai người Việt. Trong một lần cùng gia đình sang chơi nhà người họ hàng ở bên Lào, Lì đã bị vẻ đẹp của người con gái nước Triệu Voi hút hồn, rồi tình yêu nảy nở... “Lần đầu tiên nhìn thấy Rùa, ta đã bị mê mẩn bởi sắc đẹp của nàng. Nhìn ánh mắt sáng long lanh, đôi môi cười hiền lành, khuôn mặt bầu bĩnh của nàng đẹp như bông hoa mơ, hoa mận trên rừng. Ta tiến đến trò chuyện với Rùa và cũng để hỏi xem Rùa đã có người yêu chưa, nàng có thích ta không? Nhưng Rùa chỉ e thẹn và trả lời nhỏ nhẹ đủ để mình ta nghe là chưa có. Lúc đó, ta vui lắm.
Theo phong tục của người H’Mông, nếu người con trai tìm được cô gái mình ưng ý thì phải báo cáo với bố mẹ, nếu được sự đồng ý thì mới chuẩn bị làm lễ “bắt vợ” về nhà. Ta nói chuyện với bố mẹ và bố mẹ cũng rất thích Rùa rồi đồng ý cho ta “bắt vợ”. Để “bắt vợ” thành công bên cạnh việc đồng ý của hai gia đình thì việc lên một kế hoạch chu đáo cũng là yếu tố quyết định sự thành công. Sau khi lên kế hoạch “bắt vợ”, ngay ngày hôm sau, ta cùng với mấy người bạn sang “bắt” Rùa. Phải đợi lúc Rùa đi hái rau trên rừng thì mình mới “bắt”. Rùa về nhà mình làm vía và sau 3 ngày thì làm lễ cưới”, Lì nhớ lại. Năm đó, lễ cưới được tổ chức linh đình, cả bản đến chúc mừng vì giờ đây bản đã có thêm một cô dâu giỏi giang xinh đẹp.
Chuyến “bắt vợ” của Lì chỉ là một trong hàng chục cuộc “bắt vợ” người H’Mông Lào thành công của những chàng trai H’Mông Việt. Chuyện tình của các cặp đôi trai gái Việt – Lào và tục “bắt vợ” của người H’Mông nơi đây khẳng định rằng tình yêu rất mãnh liệt, tình yêu không biên giới và tạo nên sự đoàn kết, gắn bó khăng khít bền chặt như anh em một nhà của hai nước Lào – Việt.
Phóng sự: Dương Hóa
(còn nữa)