Bắt vụ lưu hành tiền giả số lượng lớn

Thứ sáu, 20/05/2016 11:08

(Cadn.com.vn) - 23 giờ ngày 18-5-2002, nhận được tin báo của một số người dân cư trú trên đường Trần Hưng Đạo, CAP Trần Hưng Đạo, TX Quảng Ngãi (nay là TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) bất ngờ tiến hành kiểm tra hành chính nhà trọ Bình Lai (đường Quang Trung), phát hiện 4 đối tượng tạm trú tại đây, tàng trữ số lượng lớn tiền giả. Đã hơn chục năm trôi qua, nhưng vụ án cho thấy vai trò quan trọng của nhân dân trong việc hỗ trợ lực lượng CA tấn công tội phạm.

KHI NHÂN DÂN LÀM “TRINH SÁT”

Đã 14 năm trôi qua, nhưng bà Nguyễn Thị Mai (trú Tây Trương Định, TP Quảng Ngãi) vẫn không quên những phút ông Lê Văn Đá (chồng của bà) làm “trinh sát” như... CA. Bà kể: Hồi đó gia đình tôi sống ở khối 8, P. Nghĩa Lộ và do chồng làm nghề hớt tóc tôi kết hợp mở tiệm tạp hóa buôn bán trên vỉa hè ở đường Trần Hưng Đạo. Khoảng đầu tháng 5-2002, vợ chồng tôi về quê nên giao lại việc bán hàng cho con. Khi về, kiểm tra lại số tiền thu được trong ngày, tôi phát hiện 1 tờ mệnh giá 100 ngàn đồng nghi là tiền giả. Từ đó, vợ chồng tôi luôn cảnh giác với những người đến mua hàng đưa tờ mệnh giá 100 ngàn đồng. 21 giờ ngày 18-5, vợ chồng tôi chuẩn bị thu dọn quán thì có một phụ nữ (khoảng 40 tuổi) nói giọng miền Bắc ghé mua 1kg đường và đưa 1 tờ 100 ngàn đồng. Khi cầm đồng tiền, chồng tôi nghi là tiền giả nên nói là không còn hàng. Khi người phụ nữ bỏ đi thì cũng là lúc vợ chồng tôi phát hiện phía bên kia đường có một phụ nữ khác, tóc ngắn (khoảng 30 tuổi) đang đứng chờ người phụ nữ vừa đến quán tôi mua hàng. 2 người phụ nữ đi chừng mấy mét về hướng ngã Năm, chồng tôi liền lấy xe đạp bí mật theo dõi.

Những công dân phát hiện, trực tiếp theo dõi và báo CA hành vi lưu hành tiền giả.

Đến quầy tạp hóa của bà Nguyễn Thị Ry (đường Trần Hưng Đạo), người phụ nữ tóc ngắn ghé vào, đưa tờ tiền mệnh giá 100 ngàn đồng để mua 1 gói thuốc Con Ngựa. Lấy lại 90 ngàn đồng tiền thừa do bà Ri trả lại, 2 phụ nữ tiếp tục đi bộ theo hướng đường Nguyễn Nghiêm. Chồng tôi liền vào nhà bà Ri xem lại tờ 100 ngàn đồng ấy và phát hiện đó là tiền giả. Lúc này trong nhà bà Ri có ông Phạm Văn Sơn (là hàng xóm) ngồi chơi, chồng tôi liền bảo ông Sơn cùng theo dõi 2 đối tượng này xem họ ở đâu để báo ngay cho CA. Hai người đi xe đạp giống như những người tập thể dục buổi tối để bám theo đối tượng tình nghi. Đến ngã tư đường Nguyễn Nghiêm - Quang Trung, 2 phụ nữ hợp 2 đàn ông khác rồi cả bốn đi vào nhà trọ Bình Lai (đường Quang Trung). Ông Sơn ở lại canh chừng, còn chồng tôi đi báo CAP Trần Hưng Đạo.

Nhận được tin tố giác của ông Đá, Thiếu tá Nguyễn Hoàng Long - Phó Trưởng CAP lập tức huy động toàn bộ CBCS trực chiến đêm đó triển khai việc kiểm tra hành chính nhà trọ Bình Lai. Tại phòng số 13, lực lượng CA phát hiện Nguyễn Đăng Khanh (1968, quê Quế Võ), Đinh Thị Ngại (1961, quê Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), Hoàng Thị Hệ (1968, quê Gia Lộc, Hải Dương) và Ngô Văn Thắng (1978, quê Yên Mỹ, Hưng Yên) đang thuê ở. Cũng tại đây, lực lượng CAP phát hiện 353 tờ tiền mệnh giá 100 ngàn đồng nghi là tiền giả do 4 đối tượng tàng trữ. Ngay sau đó, 4 đối tượng cùng toàn bộ tang vật được đưa về trụ sở CAP Trần Hưng Đạo làm việc. Sau khi làm xong các thủ tục về người làm chứng do CAP yêu cầu thì đã gần 1 giờ ngày 19-5.

TIỀN GIẢ, TÙ THẬT

Sáng 19-5, ngay sau khi tiếp nhận thông tin của CATX Quảng Ngãi báo cáo vụ việc, Đại tá Lê Thu - Giám đốc CA tỉnh đã chỉ đạo Phòng An ninh Điều tra (ANĐT) tiếp nhận hồ sơ, thụ lý điều tra vụ án theo thẩm quyền. “Ở Quảng Ngãi, đây là vụ án lưu hành tiền giả lớn nhất đến thời điểm đó, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố ở phía Bắc và việc mua tiền giả lại ở Trung Quốc nên quá trình điều tra chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo sát sao của Cơ quan ANĐT Bộ CA, của Giám đốc CA tỉnh và được sự phối hợp chặt chẽ của CA các tỉnh liên quan, đầu tháng 9-2002, Phòng ANĐT đã có kết luận điều tra vụ án chuyển VKSND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị truy tố Khanh, Ngại, Hệ và Thắng về hành vi lưu hành tiền giả” - Thượng tá Nguyễn Văn Tưởng - Phó trưởng CAH Tư Nghĩa (điều tra viên của Phòng ANĐT CA tỉnh), người trực tiếp thụ lý, điều tra vụ án) cho biết.

Lập biên bản các đối tượng lưu hành tiền giả.

Cuối năm 2001, do cùng làm ăn ở H. Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn nên Khanh, Ngại, Hệ (đã có 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản) và Thắng quen biết nhau. Tháng 2-2002, trong lần sang TP Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Khanh tình cờ gặp một đối tượng (người Trung Quốc) gạ gẫm về việc bán tiền giả Việt Nam có mệnh giá 100 ngàn đồng với 380 ngàn đồng  tiền thật mua 1 triệu đồng tiền giả. Đầu tháng 3 và cuối tháng 4-2002, Khanh cùng Hệ 2 lần mang 17,5 triệu đồng tiền giả (mệnh giá 100 ngàn/tờ) vào TX Quảng Ngãi để tiêu thụ và đều đến thuê phòng nghỉ tại nhà trọ Bình Lai. Hằng ngày, cả hai đến chợ hoặc đi dọc theo các tuyến đường ở TX Quảng Ngãi để mua bột ngọt, nước ngọt, thuốc lá, trái cây... “đổi” tiền giả lấy tiền thật. Đầu tháng 5-2002, Khanh tiếp tục rủ Ngại góp vốn mua tiền giả tiêu thụ và ăn chia theo tỷ lệ vốn của mỗi người đã bỏ ra, đồng thời lôi kéo Thắng (lúc này đang có lệnh truy nã về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy”) tham gia tiêu thụ tiền giả. Ngày 16-5-2002, Khanh cùng Ngại, Hệ và Thắng mang 40 triệu đồng tiền giả vào Quảng Ngãi, thuê nhà trọ Bình Lai lưu trú rồi phân công đi tiêu thụ tiền giả bằng cách thức như trên. Trong ngày 18-5, đến trước khi bị bắt quả tang, 4 đối tượng đã tiêu thụ được 30 tờ tiền giả, số còn lại 353 tờ bị lập biên bản thu giữ. Cũng liên quan đến vụ án,  ngày 23-5, khi làm vệ sinh phòng số 13, chủ nhà trọ Bình Lai phát hiện thêm 17 tờ mệnh giá 100 ngàn đồng giả và giao Phòng ANĐT CA tỉnh.

Ngày 21-3-2003, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã áp dụng khoản 3, Điều 180 của BLHS (năm 1999), bác đơn kháng cáo, giữ nguyên mức án sơ thẩm mà TAND Quảng Ngãi đã tuyên vào ngày 25-10-2002 đối với 4 bị cáo: Nguyễn Đăng Khanh 18 năm tù, Hoàng Thị Hệ 14 năm tù, Đinh Thị Ngại 12 năm tù và Ngô Văn Thắng 10 năm tù, đều về tội “Lưu hành tiền giả”.  

Sau 14 năm, bài học phải biết dựa vào dân và phát huy vai trò tích cực của nhân dân qua vụ án vẫn còn nguyên giá trị, đó là: tinh thần cảnh giác với hoạt động của tội phạm mà những người dân như vợ chồng bà Mai, ông Sơn đã thể hiện. Vì vậy, công tác phát động phong trào TDBVANTQ phải được lực lượng CA tiến hành thường xuyên, liên tục, gắn với việc tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phối hợp với lực lượng CA phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động liên quan đến vi phạm pháp luật. Có như vậy mới thực hiện đúng lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.

Bài, ảnh: Trung Thành