Bầu cử Tổng thống Indonesia: Cuộc đua song mã

Thứ tư, 09/07/2014 09:00

(Cadn.com.vn) - Hôm nay (9-7), Indonesia sẽ tổ chức bầu cử tổng thống trực tiếp lần III kể từ khi xóa bỏ chế độ độc tài tiến lên dân chủ cách đây 16 năm. Tổng thống sắp mãn nhiệm Susilo Yudhoyono nắm quyền trong hai nhiệm kỳ liên tiếp. Theo hiến pháp, ông không thể tranh cử nhiệm kỳ thứ ba.

Bất cứ ai được bầu chọn trở thành Tổng thống của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với những thách thức, trong đó có cuộc chiến chống tham nhũng và duy trì tăng trưởng kinh tế. Khoảng 190 triệu cử tri sẽ lựa chọn một trong hai ứng cử viên - Joko Widodo và Prabowo Subianto.

Ông Joko Widodo (trái) hay ông Prabowo Subianto, ai sẽ giành chiến thắng? Ảnh: AP

Joko Widodo

Ông Joko Widodo - thường được gọi với cái tên thân mật là Jokowi - nhận được sự ủng hộ của những người trẻ tuổi ở cả khu vực đô thị và nông thôn bởi họ xem ông là chính trị gia trong sạch tại quốc gia đang bị tham nhũng hoành hành.

Sinh năm 1961 tại Solo, ông bắt đầu sự nghiệp chính trị với đảng Dân chủ Indonesia đấu tranh (PDIP) khi được bầu làm thị trưởng thành phố Solo - một thành phố ở trung tâm Java - vào năm 2005. 

Năm 2010, ông được bầu nhiệm kỳ thứ hai với hơn 90% số phiếu bầu, vì người dân ủng hộ chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ địa phương của ông. Ông xây dựng lại các khu chợ truyền thống và di dời người dân nghèo sống tạm trên bờ sông đến nhà mới.

Ông nhận được sự chú ý đặc biệt khi di chuyển bằng chiếc Esemka -  do một đội học sinh trung học ở Solo, chế tạo. Ông Widodo sau đó tiếp tục chạy đua vị trí thống đốc Jakarta, và giành chiến thắng vang dội trong năm 2012.

Ông được coi là người đàn ông có khả năng đồng cảm với người nghèo. "Đối với tôi, dân chủ có nghĩa là lắng nghe người dân, và làm những gì họ muốn tôi làm. Đó là lý do tại sao tôi đến thăm các làng mạc, các chợ truyền thống, gặp gỡ người dân trên bờ sông, nông dân và ngư dân, bởi vì tôi muốn biết những gì mọi người muốn", ông nói trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên trên truyền hình.

Là một người ủng hộ công nghệ, ông nói rằng nếu đắc cử, ông sẽ bắt tay xây dựng một chính phủ điện tử như một cách để giảm tham nhũng trong bộ máy quan liêu.

Nhưng, các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng, vì liên minh chỉ nắm giữ 37% số ghế Quốc hội, ông Widodo có thể gặp khó khăn để đạt được mục tiêu chính sách của mình nếu được bầu.

Prabowo Subianto

Prabowo Subianto là cựu tướng các lực lượng đặc biệt và là con rể của nhà độc tài Suharto. Ông luôn bị chỉ trích bởi những cáo buộc về lạm dụng nhân quyền dưới thời Suharto.

Là con trai của một bộ trưởng thương mại dưới thời Suharto, ông chắc chắn là một phần của tinh hoa chính trị và quân sự. Khi còn trẻ, ông gia nhập quân đội và nhanh chóng thăng tiến, trở thành chỉ huy đơn vị lực lượng đặc biệt ở Đông Timor trong những năm 1980 từ cuộc xung đột đẫm máu với quân ly khai.

Trong những ngày cuối cùng của chế độ Suharto (năm1998), đơn vị mà ông chỉ huy bị buộc tội bắt cóc, tra tấn và giết chết các nhà hoạt động phản đối Suharto. Sau đó, ông bị sa thải khỏi quân đội. Ông luôn khẳng định mình vô tội với lời giải thích chỉ hành động theo lệnh cấp trên.

Ông Subianto cũng bị cáo buộc giữ vai trò trong vụ kích động bạo loạn chết người tại Jakarta tháng 5-1998 khi chế độ Suharto sụp đổ, song ông liên tục phủ nhận. Sau khi trải qua nhiều năm sống ở nước ngoài, ông Subianto trở lại chính trường Indonesia vào năm 2009. Ông thành lập đảng Phong trào Indonesia Vĩ đại (Gerindra) và là người đồng hành của ứng cử viên Megawati Sukarnoputri trong lần bầu cử năm 2009.

Trong cuộc bầu cử này, Gerindra thua cuộc nhưng ông Subianto không từ bỏ tham vọng chính trị. Đòn tấn công quan trọng của ông Subianto là việc gia nhập hiệp hội nông dân Indonesia và trở thành nhà vận động cho người nghèo. Ông vận động chiến dịch tranh cử trên nền tảng hỗ trợ người nghèo với tuyên bố muốn giảm thất nghiệp, tạo việc làm mới ở các trang trại.

Cử tri nhận thấy ông Subianto là người có tài thuyết phục và là người đàn ông có tính quyết đoán với kiến thức vững vàng về quốc phòng. Nhưng nếu ông Subianto được bầu, mối quan hệ Indonesia và Washington có thể gặp khó khăn bởi ông Subianto đã bị từ chối thị thực vào Mỹ.

An Bình

(Theo BBC)