“Bẫy” lừa đảo thời công nghệ cao (Bài 1: Mất tiền thật từ “mạng ảo”

Thứ ba, 18/06/2019 14:57

Sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là Internet, đã giúp cho cuộc sống của con người trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn. Tuy nhiên kéo theo đó cũng nảy sinh nhiều hệ lụy khó lường. Không ít hình thức lừa đảo của các đối tượng trong và ngoài nước đã lợi dụng công nghệ cao nhằm mục đích thực hiện việc chiếm đoạt thông tin, tài sản cá nhân của người khác, đặc biệt là đối với những người ít am hiểu về lĩnh vực này.

Cán bộ Đội CSKT CAQ Thanh Khê ghi lời khai của người bị hại.

Trung tá Nguyễn Bá Việt- Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế (CSKT) CAQ Thanh Khê (Đà Nẵng) cho biết, trong thời gian vừa qua, Đội CSKT liên tục tiếp nhận những đơn thư tố cáo của quần chúng nhân dân đối với những đối tượng (không rõ tên, tuổi, địa chỉ, thông tin cá nhân) sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; các đối tượng trên đã sử dụng những  phương thức, thủ đoạn vô cùng tinh vi, xảo quyệt.

Mới đây, trưa 15-6, chị Dương T.H (1977, trú Q. Thanh Khê) nhận được điện thoại từ số máy +1 (678)264… của người bạn quen biết qua mạng xã hội facebook, tên là Steve Marius ở Vương quốc Anh. Người này nhờ chị H., nhận giúp một chiếc cặp có một số tài liệu và 250.000 USD rồi chuyển cho một người đang sống ở Việt Nam. Chị H. đồng ý và cung cấp thông tin cá nhân cho Steve Marius. Sau đó, có một người xưng tên Huỳnh Thị Thanh liên hệ, yêu cầu chị H. đến Sân bay Nội Bài nhận hàng và nộp thuế trước bạ. Do chị H. có công chuyện không đi được nên Thanh yêu cầu chị H. nộp tiền thuế qua tài khoản 19034183… mang tên Nguyễn Thị Xa Ri. Nghĩ thật, chị H. đồng ý chuyển tổng cộng 106 triệu đồng thì đối tượng lạ mặt tiếp tục yêu cầu chuyển thêm 125 triệu đồng tiền bảo hiểm. Đến lúc đó, chị H. nghi ngờ bị lừa nên đến cơ quan CA trình báo.

Tương tự, ngày 13-6, chị Mai T., Đ., (trú Q. Thanh Khê) đến CAQ Thanh Khê trình báo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, chị Đ. nhận được cuộc gọi từ số +26921196… của một đối tượng lạ xưng là cán bộ CAQ Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) yêu cầu chuyển 65 triệu đồng để phục vụ công tác điều tra. Do quá lo lắng, chị Đ. liền đến ngân hàng chuyển số tiền theo yêu cầu vào tài khoản 190341793… mang tên Nghiêm Xuân Na. Thế nhưng sau đó khi liên lạc vào số tài khoản trên mới biết đã bị khóa.

Nhiều thủ đoạn lừa đảo tương tự cũng đã được các đối tượng tung ra và không ít người đã “dính bẫy” một cách hết sức dễ dàng. Vào cuối tháng 5-2016, chị P.T.H (1987, trú đường Hoàng Văn Thái, TP Đà Nẵng) đến CAP Thanh Khê Đông (Q. Thanh Khê) trình báo sự việc mình và anh trai bị lừa. Số là vào chiều 31-5-2019, anh trai chị H. là Phan Vinh P. (1982, trú xã Tam Tiến, H. Núi Thành, Quảng Nam) điện thoại cho chị biết là vừa nhận được 3 cuộc điện thoại gọi đến từ số máy 13100…, 24393…, 07952… nói anh Phúc có liên quan đến giao dịch tài sản và yêu cầu chuyển từ 50-100 triệu đồng vào tài khoản 1008700… để phục vụ công tác điều tra. Quá bất ngờ và lo sợ, anh Phúc liền điện cho em gái đang ở Đà Nẵng nhờ chuyển giúp trước 10 triệu đồng. Thế là, chị H. đến bưu điện để chuyển tiền vào tài khoản nói trên. Sau đó, anh Phúc điện thoại cho chủ tài khoản nhưng không được nên đã báo cho chị H. Biết là bị  lừa nên chị H. đã tức tốc đến cơ quan CA trình bày sự việc và nhờ giúp đỡ.

Lực lượng CSKT CATP Đà Nẵng thực hiện lệnh bắt đối tượng liên quan đến hoạt động lừa đảo CNC trên địa bàn Q. Thanh Khê.

Một trường hợp khác cũng đã xảy ra trên địa bàn P. Hòa Khê (Q. Thanh Khê) vào trung tuần tháng 5-2019, nạn nhân bị lừa là chị P.T.N.H (1984, trú đường Nguyễn Hữu Thọ, TP Đà Nẵng). Chị H. bị một nhóm đối tượng không rõ lai lịch giả danh cán bộ Công an nhắn tin qua zalo và gọi điện thông báo chị H. có liên quan đến một đường dây tội phạm mà cơ quan CA đang tiến hành điều tra và yêu cầu chị H., gửi 250 triệu đồng để phục vụ công tác điều tra. Do quá lo lắng nên chị đã chuyển 250 triệu đồng thông qua dịch vụ Internet Mobile vào tài khoản 003012637… mang tên Nguyễn Văn Bảo. Thế nhưng ngay sau đó, chị H., không liên lạc được với các đối tượng nói trên.

Trung tá Nguyễn Bá Việt cũng đã kể thêm một số câu chuyện khác đã từng xảy ra trước đó hết sức ly kỳ. Có lần, Đội CSKT tiếp nhận từ Đội Điều tra Tổng hợp đơn tố cáo của bà H.T.H. (1956, trú P. Xuân Hà, Q. Thanh Khê) với nội dung: Khoảng 7 giờ sáng, khi bà H. đang ở nhà thì nhận được điện thoại bàn, đối tượng thông báo hiện nay gia đình bà H. đang nợ tiền cước điện thoại là 8 triệu đồng. Khi bà H. phủ nhận việc nợ cước thì đối tượng tiếp tục chuyển máy cho 1 đối tượng nam, đối tượng nam tự xưng là Công an TP. Hồ Chí Minh hiện đang điều tra 1 vụ án ma túy có liên quan đến bà H., đồng thời yêu cầu bà H. phải chuyển hết tiền vào tài khoản ngân hàng của đối tượng để chứng minh mình minh bạch. Vì lo sợ, bà H. đã chuyển gần 294 triệu đồng qua tài khoản cho đối tượng thì sau đó đối tượng “lặn” mất tăm cùng số tiền của bà H.

Trung tá Việt cho biết: “Trong vụ việc này, đối tượng gọi vào số điện thoại bàn vào giờ hành chính để nhắm vào bị hại là những người phụ nữ trung niên, làm nội trợ, kém nắm bắt thông tin xã hội để lừa. Sau khi thông báo tin làm người dân hoang mang, đối tượng tiếp tục yêu cầu người dân cung cấp số di động để liên lạc kín đáo, đồng thời yêu cầu người dân giữ bí mật với gia đình, người thân,… Đối với những trường hợp này, qua xác minh tại ngân hàng xác định vị trí rút tiền từ STK của đối tượng đều ở nước ngoài. Qua đó thấy được đối tượng rất tinh vi, xảo quyệt và đã có sự tính toán tỉ mỉ, cẩn trọng trong cách thức lừa đảo”.

(còn tiếp) 

PHƯƠNG KIẾM