Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII: Cần có cuộc cải cách lần thứ hai đối với nông nghiệp

Thứ bảy, 02/04/2016 08:56

(Cadn.com.vn) - Hàng loạt vấn đề bức bách làm “nóng” hội trường Quốc hội tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, 5 năm 2011 – 2015 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 chiều 1-4. 

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu 

Đánh giá báo cáo chưa nhìn nhận hết những hạn chế của ngành Nông nghiệp, chưa phân tích thấu đáo những tồn tại để đưa ra chính sách thỏa đáng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé phân tích: đồng bằng sông Cửu Long với trọng trách đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước nhưng đang đứng trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, 11/13 tỉnh bị xâm nhập mặn, 9/13 tỉnh đã công bố thiên tai, 210.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng, 1,3 triệu người bị thiếu nước ngọt trong sinh hoạt hàng ngày, nhiều cánh đồng nuôi tôm khó sinh trưởng và phát sinh bệnh dịch. Nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời, đồng bằng sông Cửu Long từ vùng trù phú sẽ rơi vào tình trạng đói và khát – đại biểu cảnh báo. 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu với đồng bằng sông Cửu Long cũng như Tây Nguyên, Nam Trung bộ nhanh, mạnh hơn như dự báo. Nhân dân các vùng chịu ảnh hưởng rất cần sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước. Các khu vực này cần được quy hoạch lại tổng thể các vùng sản xuất. Về căn cơ, đồng bằng sông Cửu Long không thể nào chỉ trông chờ vào sự chia sẻ nước ngọt từ các nước ở thượng nguồn sông Mê Kông. Trước mắt, cần hỗ trợ kịp thời cho các vùng công bố thiên tai để ổn định đời sống nhân dân. Về lâu dài, Chính phủ, các ngành chức năng cần ưu tiên cấp bách đầu tư khép kín cho đê bao ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, để đảm bảo giữ nước ngọt, giữ vững ổn định vùng lúa trọng điểm, quy hoạch lại đất sản xuất nông nghiệp, phân định rõ nơi nào nuôi thủy sản nước mặn, nơi nào trồng lúa, thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. 

Các đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp để tái cơ cấu nông nghiệp, tránh tình trạng rủi ro về giá, giúp nông dân phát triển nông nghiệp. Đối với khu vực Tây Nguyên, Chính phủ, các Bộ ngành cần hỗ trợ kịp thời nước sinh hoạt cho người và gia súc, có giải pháp căn cơ chiến lược nâng cấp hệ thống hồ chứa, khắc phục, hạn chế tối đa những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến tình trạng khô hạn, thiếu nước ngọt ở Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam, trong đó có nguyên nhân là rừng ngày càng bị khai thác, tàn phá nặng nề, khai thác tài nguyên nước ngầm quá mức cho phép, phát triển thủy điện ở nhiều nơi chưa hợp lý, các đại biểu Y Mửi (Kon Tum), Huỳnh Thành (Gia Lai) đề nghị trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020, cần đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề này. Trước mắt, cần hỗ trợ cho các địa phương nguồn lực đủ để khắc phục tình trạng hạn hán đang diễn ra, cũng như nhằm thực hiện giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. 

Đại biểu Lê Như Tiến phát biểu tại phiên họp.

* Thảo luận tại hội trường vào buổi sáng, với bài phát biểu có nội dung “Cần tạo lập môi trường sạch cho Việt Nam cất cánh”, đại biểu Lê Như Tiến nhận xét: Chúng ta tha thiết tạo lập môi trường cho các nhà đầu tư nhưng những chủ trương chính sách tốt đẹp đã bị cách hành xử xấu xí làm những rào cản, những barie làm vô hiệu hóa. Nhiều nơi làm khó cho các nhà đầu tư như cắt điện cắt nước, dựng rào chắn cổng, một số người thi hành công vụ đã vòi vĩnh nhũng nhiễu trắng trợn, đòi tiền lót tay, tiền bôi trơn, làm cho doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng. Nhắc lại câu nói của một đại biểu trước đó “đất lành chim đậu, nhưng chim chưa đậu đã nhậu hết chim”, đại biểu Lê Như Tiến thẳng thắn: “Thế là mời gọi các nhà đầu tư nhưng trên rải thảm dưới rải đinh, các nhà đầu tư đi trên thảm nhung nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới”. Khẩn thiết đề nghị Quốc hội, Chính phủ có biện pháp cải tiến môi trường công vụ, đại biểu Tiến cho rằng nhiều người thi hành công vụ chưa xem mình là công bộc của dân. Một khi cơ chế xin cho còn đất sống thì dân còn bị nhũng nhiễu, vì đã xin thì phải có cái gì đó cho mới xin được. Tạo lập môi trường sạch là nên tảng để Việt Nam cất cánh trong tương lai là nhiệm vụ nặng nề mà nhân dân trao gửi cho Quốc hội trong nhiệm kỳ tới, đại biểu Tiến nói. 

Quy hoạch sử dụng đất gây lãng phí lớn 

Cơ bản tán thành với báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch đất 5 năm 2011 – 2015, song, các đại biểu chưa thực sự hài lòng với phương án sử dụng đất đến năm 2020. Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) phân tích khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được coi là trung tâm phát triển kinh tế, động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo báo cáo của Chính phủ hiện cả nước có 42 khu kinh tế, tổng diện tích quy hoạch 1.582,97 ngàn ha, 16 khu kinh tế ven biển, tổng diện tích quy hoạch 813,97 ngàn ha, trong đó diện tích đã được cho thuê là 30,29 ngàn ha, diện tích đã thu hồi giải phóng mặt bằng là 38,56 ngàn ha. Như vậy, có tới 750.000 ha đã được quy hoạch nhưng chưa có phương án sử dụng, chiếm 91,64% diện tích quy hoạch. 26 khu kinh tế cửa khẩu với diện tích 768,9 ngàn ha, trong đó đã cho thuê chỉ 7,14 ngàn ha, diện tích quy hoạch nhưng chưa có phương hướng sử dụng lên tới 750.000 ha, chiếm 97,5% diện tích đã quy hoạch. Cũng như vậy, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp và khu chế xuất trung bình chỉ vào 48% diện tích...

Tình trạng quy hoạch sử dụng đất gây lãng phí rất lớn và cũng tạo nên sự lãng phí lớn trong sử dụng ngân sách Nhà nước bởi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội, các địa phương phải đầu tư cho công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật. Đây là nguồn tiền không nhỏ nhưng hiệu quả không cao vì tỷ lệ lấp đầy quá thấp chưa kể đến việc có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao làm giảm giá đất cho thuê và tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương. Bên cạnh đó, chất lượng quy hoạch chưa tốt, có sự giàn trải tràn lan, quy hoạch chưa dựa trên nhu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực, chưa có sự liên kết vùng. Kết quả sản xuất công nghiệp chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ và các ngành công nghiệp mũi nhọn. Định hướng ngành nghề của các khu công nghiệp được xác định tương đối giống nhau, tính chuyên môn hóa ít được chú trọng, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút đầu tư trở lại cho liên kết vùng, nhiều khu công nghiệp nhưng không tập trung chuyên môn hóa cao. 

Đại biểu Phùng Đức Tiến cho rằng, cần điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế đến năm 2020 trên cơ sở rà soát thực tế thực thi dự báo quy hoạch đất cho khu vực này thời gian qua; chú trọng hơn về chất lượng quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế, tăng tính liên kết trong vùng. Ông cũng đề nghị Quốc hội ban hành Luật khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế để giải quyết tổng thể các vấn đề đã đặt ra cho khu vực này. 

Chung mối quan tâm đến quy hoạch sử dụng đất, đại biểu Y Mửi lưu ý Chính phủ cần quan tâm đầu tư nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đo đạc, cắm mốc, phân chia địa giới giữa đất ở, đất sản xuất của dân và đất nông lâm trường; địa giới giữa đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng với đất của dân và đất của nông lâm trường. Đây là một trong những vấn đề được cho là nguyên nhân dẫn đến bức xúc, có nơi dẫn đến xung đột giữa người dân với các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng quốc gia. Những bức xúc đó là mầm mống gây ra những điểm nóng cho miền núi nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng. 

Đại biểu Huỳnh Thành băn khoăn: hàng năm Quốc hội đều nghe diện tích rừng tăng nhẹ hoặc giảm ít, nhưng không có đột biến như báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về kết quả kiểm kê rừng ở Tây Nguyên, chỉ trong 7 năm (2008 - 2014) diện tích rừng tự nhiên bị mất tới hơn 358.700 ha. Đối chiếu lại, lâu nay chúng ta theo dõi số là số ảo – đại biểu trăn trở. Từ thực tế này, đại biểu đề nghị tiếp tục hoàn chỉnh về kiểm kê rừng, dùng con số sát thực để có kế hoạch sử dụng đất hiệu quả và hợp lý.

Hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi 

Quan tâm đến việc thực hiện Nghị quyết 35/2009/QH12 của Quốc hội về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 – 2015, trong đó có yêu cầu trong vòng 5 năm (2010 – 2015) phải phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc Chính phủ triển khai Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi là rất có ý nghĩa, thể hiện quyết tâm chính trị và có tầm nhìn khoa học, đảm bảo cơ hội bình đẳng cho trẻ em được giáo dục tốt hơn. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2015, đảm bảo 95% học sinh mầm non được học 2 buổi/ngày, 100% trường mầm non dạy theo chương trình mới, 100% giáo viên phải được học sư phạm, trong đó ít nhất 50% tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm. Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ đã duyệt kinh phí 14.660 tỷ đồng, trong đó Nhà nước đảm bảo 81%, xã hội hóa 19%. 5 năm qua, việc huy động kinh phí gặp khó khăn và vẫn thiếu gần 4.000 tỷ đồng, chiếm gần 26% nhưng với nỗ lực của Chính phủ, sự cố gắng của lãnh đạo các địa phương, Đề án đã vượt mức kế hoạch đề ra. Đã có 98,9% học sinh mầm non được học 2 buổi/ngày, Việt Nam trở thành nước có tỷ lệ trẻ 5 tuổi học mẫu giáo cao nhất trong khối ASEAN và 100% trường mầm non dạy theo chương trình mới. Tuy giáo viên chưa đạt được mục tiêu 100% đạt chuẩn nhưng trong 5 năm qua, số lượng giáo viên mầm non đã tăng hơn 100.000 giáo viên. Đánh giá theo địa bàn thì có tới 97,8% số xã phường trên cả nước đạt phổ cập mầm non 5 tuổi. 

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng ngành Giáo dục với sự hỗ trợ của Trung ương đã đạt được Nghị quyết của Quốc hội. Đây là tiền đề để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục trong thời gian tới. 

Cần có cuộc cải cách lần thứ hai đối với nông nghiệp 

Giải trình làm rõ một số nội dung tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thẳng thắn thừa nhận mặc dù Bộ đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng được mong đợi của nhân dân. Bộ trưởng này cho rằng nhiều tồn tại đã được mổ xẻ tại các diễn đàn, kỳ nào Quốc hội cũng có Nghị quyết, nhưng tình hình chuyển biến chậm, cần phải quyết liệt hơn để tiếp tục có sự đổi mới hơn nữa trong nông nghiệp, thúc đẩy quá trình phát triển. “Cần có cuộc cải cách lần thứ hai đối với nông nghiệp, trước hết là phải có chính sách mới, tổ chức lại sản xuất, thực hiện đúng những cam kết của Đảng là sau 5 năm, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn tăng gấp đôi” - Bộ trưởng nói. 

Theo ông, 5 năm tới, đầu tư cho nông nghiệp dự kiến theo kế hoạch cũ là 83.000 tỷ đồng là quá ít. Ông đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết và chỉ đạo thực hiện Nghị quyết đó một cách chặt chẽ, cần phải bổ sung thêm nguồn lực và không chỉ đầu tư bằng ngân sách mà bằng cả hệ thống chính sách. 

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng lý giải về việc chuyển 1,1 triệu ha đất được quy hoạch để làm rừng phòng hộ sang rừng sản xuất bởi đã có 15 triệu ha đất được quy hoạch làm lâm nghiệp và rừng chỉ đóng góp 3% giá trị tổng sản lượng nông lâm nghiệp. Rừng phải đem lại cuộc sống tốt hơn, việc chuyển một phần diện tích trong đó có 500.000 ha rừng nghèo kiệt và 600.000 ha không có rừng giao cho dân sản xuất, Nhà nước vừa có được rừng, lại không phải bỏ 15.000 tỷ đồng để trồng vào diện tích này. Tư lệnh ngành Nông nghiệp cũng bày tỏ những trăn trở về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết Chính phủ và các Bộ, ngành nhận thức rõ yêu cầu của người dân. Các Bộ, ngành đang nỗ lực phối hợp để vấn đề này được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, trong đó có việc triệt nguồn nhập khẩu các chất cấm, kiểm tra giám sát việc sử dụng kháng sinh, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn...

Tại phiên họp, nhiều vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia, phát triển đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số...  cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận.

Thu Thủy – TTXVN