Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII: Đại tướng Trần Đại Quang được bầu làm Chủ tịch nước

Thứ hai, 04/04/2016 07:29

* Chủ tịch nước Trần Đại Quang trả lời báo giới

* Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý để phát huy hơn nữa vai trò của Chủ tịch nước

(Cadn.com.vn) - Tại lễ tuyên thệ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ: “Tôi xin chân thành cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu tôi giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, tôi Trần Đại Quang- Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực làm hết sức mình hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thực hiện nghi thức tuyên thệ.

Chủ tịch nước thực hiện nghi thức tuyên thệ

Ngày 2-4, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, tiến hành bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước. Người được đề cử vào chức danh Chủ tịch nước thay thế ông Trương Tấn Sang là ông Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an. Ông Trần Đại Quang sinh ngày 12-10-1956, đại biểu Quốc hội khóa XIII, là Giáo sư, Tiến sĩ Luật, đã đảm nhiệm các chức vụ Cục trưởng Cục Tham mưu an ninh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa X, XI, XII, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII.

Ban kiểm phiếu đã công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước. Theo đó, tổng số đại biểu Quốc hội là 494, số đại biểu Quốc hội có mặt là 483, số phiếu hợp lệ là 481, số phiếu không hợp lệ là 2. Số phiếu đồng ý là 452 (bằng 91,50% tổng số đại biểu Quốc hội); số phiếu không đồng ý là 29 phiếu (bằng 5,87% tổng số đại biểu Quốc hội). Căn cứ Nội quy kỳ họp, ông Trần Đại Quang đã trúng cử chức vụ Chủ tịch nước. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước. Với 93,12% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

Lễ tuyên thệ trang trọng trước Quốc hội đã được tiến hành ngay sau đó.

Phát huy hơn nữa vai trò của Chủ tịch nước

Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đã thể hiện sự tin tưởng ông Trần Đại Quang sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị mới; đồng thời kiến nghị hoàn thiện cơ sở pháp lý để phát huy hơn nữa vai trò, quyền hạn của Chủ tịch nước trên thực tiễn. Đại biểu Trương Minh Hoàng cho rằng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng công tác nhân sự, từ khâu chọn lựa con người cụ thể, đến việc Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, đặc biệt là Chủ tịch nước tiền nhiệm giới thiệu người kế nhiệm, việc ông Trần Đại Quang được bầu làm Chủ tịch nước là rất xứng đáng. Ông Trần Đại Quang được rèn luyện, trưởng thành trong lực lượng Công an nhân dân, đã trải qua nhiều cương vị công tác, thể hiện được năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng. Ông Trần Đại Quang có học hàm Giáo sư, Tiến sĩ Luật và đã đảm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo của lực lượng Công an. Nhấn mạnh quá trình công tác và tham gia nhiều khóa trong Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Trương Minh Hoàng tin tưởng với trọng trách mới, ông Trần Đại Quang sẽ đúc rút được những kinh nghiệm từ hoạt động của các vị Chủ tịch nước trước đây để làm tốt vai trò Chủ tịch nước và thực hiện trách nhiệm của mình mà Hiến pháp đã quy định.

Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ, tuyệt đại đa số đại biểu đã tín nhiệm bầu ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước và tin tưởng ông Trần Đại Quang sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị mới do Quốc hội và nhân dân giao phó. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ đánh giá ông Trần Đại Quang được đào tạo bài bản về luật pháp, trong quá trình công tác ở Bộ Công an đã thể hiện rõ quan điểm về bảo vệ an ninh, chủ quyền đất nước. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ tin tưởng, trên cương vị Chủ tịch nước, ông Quang sẽ thực hiện tốt các quyền hạn, nhiệm vụ, đặc biệt trong bảo vệ an ninh, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Đánh giá lĩnh vực an ninh trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo của ông Trần Đại Quang đã được thực hiện tốt, có nhiều chuyển biến tích cực, tạo được niềm tin cho nhân dân, đại biểu Bùi Thị An kỳ vọng trên cương vị mới, ông Trần Đại Quang sẽ tiếp tục phấn đấu, hoàn thiện các mặt công tác, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Quốc hội, nhân dân giao phó. Đại biểu Bùi Thị An cho rằng, nếu có luật về Chủ tịch nước thì vai trò, quyền hạn của Chủ tịch nước sẽ được thể hiện, phát huy rõ ràng hơn, cụ thể hơn trên thực tế. Vì vậy, nhiệm kỳ tới của Quốc hội nên xem xét, ban hành luật về Chủ tịch nước, trong đó quy định chi tiết rõ về quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo quan trọng này.

Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Chủ tịch nước là chức danh đứng đầu Nhà nước về đối nội và đối ngoại, là nguyên thủ quốc gia. Ở Việt Nam đây là thiết chế mang cả quyền lực về lập pháp, hành pháp, tư pháp, được quy định trong Hiến pháp. Hiến pháp 2013 đã có những quy định cụ thể, chi tiết hơn về chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch nước so với Hiến pháp 1992. Từ đó trong thời gian tới, vai trò của Chủ tịch nước sẽ được tăng cường hơn.

Thu Thủy – TTXVN

Miễn nhiệm một số chức danh lãnh đạo của Quốc hội

Ngày 2-4, Quốc hội tiến hành các thủ tục miễn nhiệm một số chức danh, gồm:

- Miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội đối với ông Huỳnh Ngọc Sơn;

- Miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đối với ông KSor Phước;

- Miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đối với ông Nguyễn Văn Hiện;

- Miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội đối với ông Phùng Quốc Hiển;

- Miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội đối với ông Nguyễn Kim Khoa;

- Miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đối với ông Đào Trọng Thi;

- Miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đối với bà Trương Thị Mai;

- Miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với bà Nguyễn Thị Nương;

- Miễn nhiệm chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước đối với ông Nguyễn Hữu Vạn.

Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết miễn nhiệm các chức vụ trên.

Theo thông cáo, hôm nay, 4-4, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, Quốc hội nghe trình và thảo luận ở Đoàn về danh sách đề cử để bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Buổi chiều, Quốc hội tiến hành bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

T.T