Bế mạc SEA Games 28: Khép lại một kỳ đại hội thành công

Thứ tư, 17/06/2015 08:23

(Cadn.com.vn) - Tối 16-6, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 28 (SEA Games 28) chính thức khép lại trên SVĐ QG Singapore sau gần 20 ngày tranh tài, bằng buổi lễ bế mạc đậm dấu ấn. SEA Games, hẹn gặp lại 2 năm sau tại Malaysia!

Chủ tịch Hiệp hội Thể thao Đông Nam Á Tan Chuan Jin (trái) trao cờ đăng cai SEA Games 29 cho đại diện chủ nhà Malaysia là hoàng tử Tunku Imran. Ảnh: Goh Chiew Tong

Ấn tượng với chủ nhà Singapore

Lễ bế mạc SEA Games 28 diễn ra rất hoành tráng, chẳng hề kém cận Lễ khai mạc, với bữa tiệc âm thanh, ánh sáng. Theo đó, chủ đạo trong đêm giã bạn là sự xuất hiện của những chiếc huy chương cách điệu. Những tiết mục trình diễn nghệ thuật đẳng cấp đã góp phần tạo thêm dấu ấn Singapore trong lòng bạn bè khu vực và quốc tế.  

Có thể khẳng định, SEA Games 28 là kỳ đại hội rất thành công của thể thao Đông Nam Á, cả về quy mô tổ chức và chất lượng những tấm huy chương. Trong lần thứ 5 tổ chức SEA Games, Singapore đã chi ra tới 324,5 triệu USD nên chúng ta chẳng phải ngạc nhiên khi các VĐV được thi đấu trong cơ sở hạ tầng cũng như khâu tổ chức vô cùng chuyên nghiệp.

 Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đã lập kỳ tích tại SEA Games 28 với 8 HCV và phá 8 kỷ lục. 

Xuyên suốt những ngày SEA Games tranh tài có thể thấy, nước chủ nhà Singapore đã thể hiện được đẳng cấp vượt trội của họ trong khâu tổ chức thi đấu. Ví như môn bơi, mỗi khi VĐV chuẩn bị vào thi đấu được giới thiệu và xuất hiện như thể một ngôi sao Hollywood ngoại hạng. Ngoài ra, BTC còn chuẩn bị chu đáo nhạc nền, nhạc hiệu gắn với từng quốc gia nhằm tạo ra sự gần gũi, thân thuộc cho các VĐV của mỗi đoàn khi thi đấu...

Một điểm nhấn khác của SEA Games 28 này là công tác an ninh luôn được thắt chặt. Chính nhờ sự chu đáo này mà vụ dàn xếp tỷ số ở môn bóng đá nam, lừa đảo việc làm và giả mạo giá vé đã được cơ quan an ninh nước chủ nhà Singapore phanh phui, giải quyết nhanh chóng.

Song, ấn tượng nhất chính là công tác chuyên môn rất chuyên nghiệp, công bằng của nước chủ nhà. Nhờ đó, chất lượng của những tấm huy chương tại SEA Games 28 được đảm bảo trung thực và nâng cao. 

SEA Games 28 quy tụ 7.000 VĐV đến từ 11 quốc gia trong khu vực, thi đấu 36 môn thể thao, dự tranh 402 bộ huy chương. Chủ nhà Singapore tham gia với số lượng VĐV đông nhất và có lợi thế nhất định trong một số môn "độc quyền". Song không vì thế mà họ "vơ" về nhiều HCV bằng mọi cách như những nước chủ nhà trước. Và nếu nhìn lại 36 môn do Singapore tổ chức thì hầu hết đều nằm trong hệ thống thi đấu của Asiad và Olympic.

 SEA Games những kỳ trước luôn bị kêu ca bởi công tác trọng tài thiếu công tâm do thiên vị cho VĐV chủ nhà, những năm nay rất hiếm xảy ra. Nói theo cách của nhiều người, Singapore là một đất nước phát triển nên khâu tổ chức của họ cũng chuyên nghiệp và đẳng cấp hơn nhiều...

Sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức của chủ nhà Singapore, đặc biệt là chuyên môn, đã tạo nên một kỳ SEA Games 28 ấn tượng, thành công. Singapore đã giúp SEA Games 28 xóa đi cái quan điểm "ao làng" tồn tại bấy lâu nay.

Hy vọng, sự thành công của Singapore sẽ là tiền đề để những nước chủ nhà sắp tới phấn đấu hơn, nhằm đưa Đại hội thể thao Đông Nam Á ngày càng phát triển.

Đoàn Thể thao Việt Nam xuất sắc vượt chỉ tiêu

Kết thúc SEA Games 28, Đoàn Thể thao Việt Nam xếp thứ 3 toàn đoàn với 73 HCV, 53 HCB và 60 HCĐ. Với việc giành đến 73 HCV, Đoàn Thể thao Việt Nam đã vượt xa chỉ tiêu 56-65 HCV đã đề ra trước ngày lên đường sang Singapore tranh tài.

Theo thống kê từ Tổng cục TDTT, hơn 85% trong tổng số 73 HCV mà Việt Nam giành được tại SEA Games 28 thuộc về các môn Olympic. Cụ thể, 3 môn trọng điểm luôn có tên trong các kỳ Thế vận hội là điền kinh đã giành được 11 HCV; bơi lội giành 10 HCV; TDDC giành 9 HCV. Các môn còn lại cũng rất thành công như đua thuyền (9 HCV), đấu kiếm (8 HCV), taekwondo (5 HCV) và bắn súng (4 HCV).

 Nguyễn Thị Huyền đã giành vé tham dự Olympic 2016 tại Brazil. 

Thành tích này cho thấy sự đúng đắn của chủ trương đầu tư trọng điểm cho khoảng 50 VĐV xuất sắc để hướng tới những đấu trường cao hơn, trong đó tập trung cho 5 môn Olympic gồm điền kinh, bơi lội, TDDC, bắn súng và cử tạ.

Trong những gương mặt giành HCV cho thể thao Việt Nam, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên là cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Cô gái 19 tuổi người Cần Thơ không hổ danh là "tiểu tiên cá" Việt Nam với thành tích thi đấu xuất sắc: 8 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ và phá 8 kỷ lục SEA Games 28. Ngoài ra, Ánh Viên còn vượt chuẩn A Olympic ở nội dung 400m tự do để giành vé đến Brazil vào năm 2016 tham dự Thế vận hội.

Ở môn bơi, Ánh Viên và kình ngư Joseph Schooling của chủ nhà Singapore là hai gương mặt xuất sắc nhất. Schooling đã giành tới 9 HCV (trong đó có 3 nội dung đồng đội) cùng với 8 kỷ lục SEA Games và 1 kỷ lục Châu Á (nội dung 50m bơi bướm nam). So về đẳng cấp, Ánh Viên chưa thể bằng Schooling nhưng thành tích 8 HCV cá nhân và 8 kỷ lục SEA Games cũng đủ để "tiểu tiên cá" Việt Nam tạo ấn tượng mạnh và sự thán phục trong mắt bạn bè quốc tế.

Sau Ánh Viên còn rất nhiều những gương mặt khác của Việt Nam thi đấu xuất sắc như Nguyễn Văn Lai phá kỷ lục cự ly chạy 5.00m tồn tại 22 năm; Nguyễn Thị Huyền giành 3 HCV, đạt 2 chuẩn Olympic ở nội dung chạy 400m và 400m vượt rào nữ, phá 1 kỷ lục SEA Games...

Đoàn Thể thao Việt Nam đã có một kỳ SEA Games thành công.

Quang Hải