Bên dòng sông mẹ (2)
* Bài cuối: Khi sông hết phù sa
"Nước nặng phù sa/ Chở ân tình cây lúa/ Bãi bờ xóm làng từ đó mà ra/ Cây lúa trổ bông cây cỏ ra hoa"
(Thơ Trần Quang Hiển).
(Cadn.com.vn) - Những dòng sông lớn là cái nôi hình thành nền văn minh của con người. Như sông Nin ở Ai Cập, sông Hoàng Hà ở Trung Quốc... Con sông Thu Bồn cũng chính là nơi kiến tạo nên cuộc sống, văn hóa của người dân xứ Quảng. Từ mỡ màu phù sa cây trồng phát triển, vạn vật sinh sôi nảy nở thế nhưng liên tiếp những năm trở lại đây vùng ven sông Thu bị sạt lở nghiêm trọng đã và đang là dấu hiệu cho thấy dòng sông bị xâm phạm quá mức.
Dòng sông bị xâm hại mỗi ngày, mỗi giờ. Ghe cát tập trung dưới chân cầu Câu Lâu. |
Cuối năm 2014, biển Cửa Đại (TP Hội An) bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều hội thảo đã diễn ra với nhiều ý kiến về việc bờ biển không phải xói lở do biến đổi khí hậu mà là do thay đổi cán cân bùn cát tại khu vực. Trong đó, sông Thu Bồn đổ ra biển Cửa Đại bị xâm phạm quá mức dẫn đến tình trạng trên. Nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu đã chia sẻ về vấn đề này. Theo đó GS.TS Hitoshi Tanaka (Đại học Tohoku, Nhật Bản) cho rằng các hồ chứa ở thượng lưu và việc khai thác cát quá mức trên sông là nguyên nhân gây xói lở bờ biển. Các hồ thủy điện đã chặn một lượng lớn bùn cát và gây thiếu hụt nghiêm trọng bùn cát tại cửa sông. Điều đáng chú ý là hiện tượng này không phải chỉ diễn ra gần đây mà chỉ đến khi bờ biển Cửa Đại bị sạt lở quá nghiêm trọng, dư luận và các nhà chức trách mới bắt đầu chú ý tới. Thực tế, hàng chục năm qua tại các khu vực ven sông Đại Lộc, Nông Sơn, Duy Xuyên người dân cũng đã đối diện với tình trạng trên. Hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp đã trôi theo sông.
Đi trên cầu Câu Lâu, nơi giáp ranh giữa H. Điện Bàn và H. Duy Xuyên sẽ nhìn thấy một bãi bồi vốn là nơi trồng trọt hoa màu của người dân quanh vùng. Thế nhưng giờ đây bãi bồi đã bị thu hẹp diện tích một cách đáng kể và cũng đã bị bỏ hoang một phần. Năm 2007 khi một lão nông trong lúc đang cuốc đất tại khu vực này thì một khối đất bị sạt xuống dòng sông làm chết đuối, không ai dám trồng trọt ở đây nữa. "Đất đai ở đây trước kia rất màu mỡ vì nó là bãi bồi phù sa. Nhưng những năm qua mùa mưa mùa nắng gì cũng bị sạt lở hết. Đứng cuốc đất trên ni cũng lo nơm nớp", một người dân cho biết.
Thay thế cho những đám hoa màu là những chiếc ghe hút cát đang càn quét khắp nơi. Dòng sông Thu đoạn này không còn nét êm ả thanh bình nữa mà thay vào đó là hàng chục ghe hút cát đì đùng suốt ngày đêm. Nhìn những chiếc ghe chở nặng cát cũng đủ biết dòng sông đã bị "rút ruột" như thế nào, lượng phù sa cũng vì thế mà giảm. Một vùng quê yên ả nay đã trở thành nơi cung cấp nguyên vật liệu xây dựng cho hàng loạt công trình. Hàng chục héc-ta hoa màu đã bị thu hẹp, lòng sông ăn sâu vào đất liền, tuyến kè ven sông hư hại. Một người dân thôn Câu Lâu Tây cho biết: "Sạt lở đất trồng trọt đã đành, điều đáng lo ngại nhất là công trình quốc gia cầu Câu Lâu đang bị xâm hại một cách nghiêm trọng. Một số chủ ghe hút cát ngay dưới chân cầu. Cứ cái đà này không sớm thì muộn cầu cũng gặp sự cố". Người dân đã nhiều lần kéo nhau lên huyện, tỉnh để ý kiến song mọi việc vẫn diễn ra dưới sự bất lực của chính quyền địa phương và người dân.
Phù sa cũng giống như linh hồn của một dòng sông. Khi sông không còn phù sa bồi đắp sẽ trở nên vô hồn, lạnh lẽo. Hiện nay đang là mùa xây dựng vì vậy nhu cầu cát sỏi xây dựng tăng cao cũng là lúc dòng sông Thu bị đục khoét dữ dội. Hậu quả của việc khai thác cát ồ ạt hàng chục năm qua đã nhìn thấy rõ. Đã có một bờ biển đẹp bị phá hủy. Liệu rằng trong thời gian tới còn biết bao những vùng đất đẹp đẽ, màu mỡ bị hủy hoại mà con người không ý thức được? Và dòng sông Mẹ ngàn đời của người xứ Quảng sẽ đi đâu, về đâu?
Đồng Dao