Bên trong sào huyệt Taliban ở Afghanistan

Thứ ba, 21/10/2014 12:20

(Cadn.com.vn) - Khi quân đội quốc tế chuẩn bị rời khỏi Afghanistan sau hơn thập kỷ chiến tranh, Taliban vẫn hiện diện mạnh mẽ tại nhiều khu vực ở đất nước. Thành trì của Taliban ở nơi cách thủ đô Kabul chưa đến một giờ lái xe.

Con đường đầy bụi dẫn vào Thung lũng Tangi, cách thủ đô Kabul 97km về phía tây nam, là lãnh thổ của Taliban. Thung lũng này được coi là cửa ngõ vào Kabul, và từ đây, các cuộc tấn công tiến vào thủ đô. Thung lũng nằm tại tỉnh Wardak-nơi diễn ra những trận chiến dữ dội nhất giữa NATO và Taliban trong những năm gần đây. Đây là nơi nguy hiểm, đặc biệt là đối với các nhà báo phương Tây.

Gặp thủ lĩnh Taliaban

Said Rahman, kẻ tự xưng là lãnh đạo Taliban trong khu vực, thường được gọi là "Thống đốc Badri". Thanh niên 27 tuổi này bắt đầu chiến đấu chống lại các lực lượng Mỹ trong cuộc càn quét Taliban vào năm 2001. Y cho biết, sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi người Mỹ phải rời khỏi đất nước.

Tuy nhiên, "Thống đốc Badri" khẳng định, Taliban không cần phải "áp đặt" quan điểm, mặc dù trong thực tế, nhiều người Afghanistan chống lại nhóm và phương pháp bạo lực. Việc cho phép nhà báo tiếp cận khu vực là cơ hội để "Thống đốc Badri" công khai và tuyên bố khu vực y kiểm soát. Rahman đi lên đỉnh đồi và chỉ vào những nơi từng là căn cứ lớn của Mỹ, nơi có nhiều chiếc Apache bị bỏ lại cách đây 3 năm.

"Tất cả mọi thứ bỏ lại đều bị chúng tôi lấy đi", Rahman nói. Từ ngọn đồi này có thể thấy hiện trường nơi người Mỹ bị tấn công và tổn thất nặng nề nhất trong cuộc chiến tại Afghanistan vào năm 2011, khi trực thăng Chinook bị quân Taliban bắn hạ, giết chết 38 người, trong đó có 17 lính đặc nhiệm Hải quân Mỹ.

Phát ngôn viên quân đội, tướng Mohammad Zahir Azimi cho biết, quân đội Afghanistan hoàn toàn kiểm soát tỉnh Wardak. Tuy nhiên, lực lượng Taliban được di chuyển tự do trong Thung lũng Tangi. "Thống đốc Badri" cho biết, các binh sĩ Afghanistan hiếm khi mạo hiểm đi ra ngoài, ngoại trừ trong các đoàn xe bọc thép.

"Thống đốc Badri" (phải) trong một phiên tòa Sharia. Ảnh: BBC

Taliban kiểm soát toàn bộ

Taliban kiểm soát hoàn toàn các trường học ở Thung lũng Tangi. Trường Imam Abu Hanifa có khoảng 50 giáo viên và 1.400 học sinh. Trường dạy toán học và khoa học, nhưng Taliban bắt buộc trường phải đưa tôn giáo trở thành trọng tâm của chương trình giảng dạy. Điều đáng chú ý là trường nằm dưới sự quản lý của Taliban nhưng lại được chính phủ Afghanistan tài trợ.

Và phần lớn ngân sách giáo dục của chính phủ lại đến từ các nước phương Tây, trong đó có Anh. Không có nữ sinh nào tại trường, hoặc bất cứ nơi nào khác trong khu vực. Dù Taliban nới lỏng cấm đoán đối với giáo dục cho trẻ em gái, song hiệu trưởng Mohammed Salem, thẳng thắn thừa nhận, các trường học trong khu vực không có nữ sinh và trường cũng không có kế hoạch nhận học sinh nữ.

Khi Taliban cai trị Afghanistan, các hình phạt khắc nghiệt và tàn bạo được Tòa án Sharia hoặc các tòa án tôn giáo đưa ra. Hình phạt cắt cụt chân tay và ném đá kẻ ngoại tình vẫn xảy ra ở các khu vực do Taliban kiểm soát.

"Với sự giúp đỡ của Thánh Allah, quyết định của chúng tôi sẽ nhanh hơn rất nhiều so với Tòa án tối cao của Kabul. Một khi chúng tôi đưa ra quyết định. Họ không cần phải kháng cáo lên tòa án cao hơn", Rahman cho biết. "Thống đốc Badri" nói rằng, Taliban "hy sinh bản thân mình, tạo ra những con người sẵn sàng tử vì đạo và chiến đấu chống lực lượng do Mỹ đứng đầu".

"Thống đốc Badri" là một trong những người bị truy nã gắt gao nhất trong khu vực. Y cho biết lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã thực hiện nhiều cuộc tấn công nhằm tiêu diệt hoặc bắt sống y, và y nhiều lần trở thành mục tiêu trong các cuộc không kích bằng máy bay không người lái.

"Vẫn sống dưới thời Taliban"

Tư lệnh Inteqam, một trong những chỉ huy quân sự của Taliban ở Thung lũng Tangi, tự hào về việc sử dụng các công nghệ của Mỹ như Google Earth để lựa chọn mục tiêu. Đeo kính râm và nói tiếng Anh lưu loát, Inteqam tuyên bố, tất cả Thung lũng Tangi đều nằm dưới sự kiểm soát của Taliban, và nhóm này đang nhắm mục tiêu tiếp theo là Kabul.

Nhưng Kabul là một thành phố pháo đài. Hơn 150.000 sĩ quan cảnh sát và 200.000 binh sĩ quân đội đang đóng quân trong và xung quanh thủ đô. Do đó, Taliban chỉ có thể kiểm soát một số khu vực chiến lược như Thung lũng Tangi. Và họ còn một chặng đường dài nữa mới có thể thực hiện cuộc tấn công toàn diện chống lại Kabul. Nếu không có các thành phố lớn, Taliban sẽ không bao giờ kiểm soát Afghanistan.

Tân chính phủ Afghanistan hồi tháng trước ký thỏa thuận cho phép người Mỹ và Anh ở lại đất nước giúp Afghanistan huấn luyện quân sự. Mặc dù vậy, một khi phương Tây giảm hỗ trợ, nhiều người Afghanistan có thể lại thấy mình đang sống dưới thời Taliban.

An Bình
(Theo BBC)