Bệnh ung thư ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng

Thứ bảy, 29/08/2015 10:48

(Cadn.com.vn) - Đó là khẳng định của PGS-TS Nguyễn Thị Xuyên- Thứ trưởng Bộ Y tế tại Hội nghị khoa học phòng chống ung thư (UT) và tập huấn điều trị đa chuyên khoa UT diễn ra tại TP Huế (TT-Huế) vào ngày 27 và 28-8.

Tại hội nghị, hơn 400 đại biểu là GS, PGS, BS và các chuyên gia chuyên ngành ung bướu đến từ nước ngoài và nhiều BV trên toàn quốc đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực UT, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Đón nhận bệnh nhân tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Ảnh: Lê Hùng

Ung thư - thách thức của toàn ngành Y tế

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, ước  tính mỗi năm có 150.000 trường hợp mới mắc và 70.000 trường hợp tử vong do UT. "Bệnh UT ở nước ta đang gia tăng nhanh chóng và là một thách thức lớn của ngành Y tế, gánh nặng của toàn xã hội", PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên khẳng định.

Theo GS.TS Bùi Đức Phú - Giám đốc BVT.Ư Huế, ngày 20-8 vừa qua, tại Bali (Indonesia), Viện Y tế toàn cầu George họp báo, công bố nghiên cứu khẳng định UT sẽ trở thành gánh nặng khổng lồ với xã hội và hệ thống y tế các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam nếu không nhanh chóng hành động để thay đổi tình hình. Ước tính, có hơn 770.000 ca UT mới và 527.000 người thiệt mạng tại Đông Nam Á vào năm 2012. Số ca nhiễm mới dự kiến tăng 70% lên 1,3 triệu vào năm 2030.

Theo GS Bùi Đức Phú, mặc dù chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống UT đã được triển khai từ nhiều năm nay và bước đầu đạt được một số thành quả đáng khích lệ, nhưng cuộc chiến chống lại căn bệnh ác tính này vẫn tiếp tục là một thách thức lớn cho toàn ngành Y tế Việt Nam. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện, trung tâm, khoa Ung bướu trên toàn quốc là một thực tế bức bách chưa thể giải quyết được trong ngày một ngày hai.

Một ca bệnh UT điều trị tại BVT.Ư Huế bằng máy xạ trị gia tốc hiện đại.

Phòng ngừa để kiểm soát ung thư

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội UT Việt Nam cho rằng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định phòng ngừa là chiến lược dài lâu có hiệu quả kinh tế nhất để kiểm soát UT. Ước lượng tử vong UT do thuốc lá là 30%; 35% do dinh dưỡng và 35% do các nguyên nhân khác (virus, hormon, bức xạ…). GS.BS Hùng dẫn chứng, UT phổi là loại thường gặp nhất, chủ yếu ở đàn ông, tử suất cũng chiếm vị trí đầu và tác hại của thuốc lá thật rõ đối với loại UT này.

Khói thuốc lá chứa trên 60 chất gây UT mạnh, gây 15 loại UT gồm: phổi, thực quản, thanh quản, miệng, họng, thận, tụy, dạ dày… Ngưng hút thuốc làm giảm rõ rệt nguy cơ UT phổi. Làm giảm tiêu thụ thuốc lá ở trẻ em và thanh niên mới lớn cứu được nhiều người nhất. Ngoài ra, UT vú là UT hàng đầu của phụ nữ, tỷ lệ cao ở các nước giàu, thấp ở các nước nghèo. Hay UT đại- trực tràng là loại thường gặp thứ ba, chế độ ẩm thực khác nhau giải thích sự chênh lệch về nguy cơ. UT dạ dày hoành hành ở Đông Á, các yếu tố nguy cơ gồm: nhiễm vi khuẩn H. pylori, khói thuốc lá, chế độ ăn mặn và thiếu rau trái.

Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, hơn 30% tử vong UT có thể phòng tránh được. Các chiến lược phòng ngừa UT theo WHO như: thay đổi nếp sống và tránh bỏ các yếu tố nguy cơ chủ yếu; dùng vaccine ngừa HPV và HBV; kiểm soát phơi nhiễm nguy cơ nghề nghiệp; giảm thiểu phơi nhiễm tia UV; giảm thiểu phơi nhiễm bức xạ ion hóa (nghề nghiệp hoặc y tế). Qua khảo sát, có khoảng 30% tử vong UT là do sử dụng dinh dưỡng không lành, béo phì và thiếu vận động.

GS Nguyễn Chấn Hùng nói: "Mỗi một con người cần phải xây dựng nếp sống tốt như: vận động thân thể tích cực, giữ cân tốt, tránh béo phì cùng chế độ ăn lành nhiều rau củ trái cây làm giảm nguy cơ một số loại UT. Đối với những loại ẩm thực lành, có bằng chứng cho thấy trái cây và rau củ tươi có tác dụng bảo vệ chống các UT: miệng, thực quản, phổi, dạ dày và đại tràng. Bởi, rau trái là nguồn cung cấp chất sợi, vitamin và các hóa chất thực vật. Nhiều BS khuyên nên hạn chế thịt đỏ (bò, cừu, heo) và các sản phẩm từ các loại này".

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng cho rằng, việc thực hiện các chương trình phòng ngừa UT phải được triển khai mạnh mẽ ở cấp độ cả nước, tỉnh, thành và cộng đồng, đặt trọng tâm kiểm soát thuốc lá, giáo dục và chế độ ẩm thực lành, chủng ngừa cho trẻ em chống viêm gan B, phổ cập phát hiện sớm và tầm soát UT vú và UT cổ tử cung. Đặc biệt, quần chúng phải được cung cấp đầy đủ thông tin và hướng dẫn về các yếu tố nguy cơ và làm cách nào để tránh đi. Họ cần biết cái gì gây ra các bệnh UT, làm sao ngừa vài loại UT và làm thế nào biết các dấu chứng sớm của UT…

H.Lan