Giúp kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư gan

Thứ bảy, 08/08/2015 09:36

(Cadn.com.vn) - Chiều 7-8, Bệnh viện Đà Nẵng phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Xạ trị trong chọn lọc điều trị ung thư gan bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90". Đây là kỹ thuật mới, hiện đại, điều trị an toàn và hiệu quả, làm tăng thời gian sống thêm và cải thiện chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân gan nguyên phát hoặc thứ phát. 

Do việc phát hiện muộn (65% bệnh nhân ung thư gan ở Việt Nam phát hiện ở giai đoạn trung gian) nên hiệu quả của việc điều trị còn hạn chế. Chính vì vậy, phương pháp điều trị ung thư gan bằng hạt vi cầu phóng xạ Yttrium - 90 (còn gọi là xạ trị trong chọn lọc) là biện pháp cuối cùng mang lại cơ hội khi người bệnh thất bại với các phương pháp điều trị trên.

Kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90 sẽ giúp kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư gan.

GS.TS Mai Trọng Khoa - Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai kiêm Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu cho biết: Xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ là phương pháp xạ trị chọn lọc, hay còn gọi là phương pháp tắc mạch phóng xạ. Khối u trong ung thư gan được nuôi dưỡng bởi các nhánh động mạch gan (90%) và tĩnh mạch cửa (10%). Các hạt vi cầu phóng xạ Yttrium (Y-90) có kích thước 20-40 micromet được bơm trực tiếp vào động mạch nuôi khối u. Các hạt phóng xạ này sẽ đi vào các nhánh động mạch nhỏ và phân bố khắp trong khối u gây tắc mạch, cắt nguồn dinh dưỡng nuôi u, mặt khác phát ra bức xạ bêta với mức năng lượng 0,93 MeV tiêu diệt các tế bào ung thư.

Kết quả làm giảm thể tích khối u hoặc tiêu hoàn toàn khối u gan mà ảnh hưởng rất ít đến tổ chức gan lành. Phương pháp này được chỉ định cho các bệnh nhân ung thư gan nguyên phát, ung thư đường mật trong gan, ung thư gan thứ phát không còn khả năng phẫu thuật với mục đích tiêu diệt hoàn toàn khối u hoặc làm giảm kích thước u, giảm xuống giai đoạn bệnh còn khả năng phẫu thuật được. Tuy nhiên, để tiến hành kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90 cần phải có sự phối hợp của các chuyên khoa: ung bướu, y học hạt nhân, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, nội tiêu hóa... và đòi hỏi phải có trang thiết bị máy móc để thực hiện: máy chụp mạch số xóa nền (DSA), máy chụp cắt lớp vi tính đa dãy, máy chụp xạ hình SPECT, máy PET/CT, máy đo liều bức xạ, máy đo rà bức xạ...

Với việc đưa trực tiếp hạt vi cầu Y-90 qua động mạch nuôi vào trong khối u đã có tác dụng kép vừa gây tắc mạch cắt nguồn dinh dưỡng nuôi u và phát ra bức xạ bêta tiêu diệt tế bào ung thư tại chỗ, ảnh hưởng rất ít đến mô lành xung quanh. Ưu điểm nổi bật của kỹ thuật này là tạo ra liều chiếu xạ tập trung cao tại khối u trong khi các tổ chức lành xung quanh chỉ chịu liều chiếu xạ thấp, vì thế ít gây ra các tác dụng phụ, giảm biến chứng điều trị.

Người bệnh sau khi điều trị có thể ra viện ngay ngày hôm sau. Bằng phương pháp điều trị này không chỉ mang lại lợi ích cho bệnh nhân ung thư gan nguyên phát không còn khả năng phẫu thuật hoặc đã thất bại với các phương pháp điều trị trước đó như nút mạch mà còn cho cả các bệnh nhân ung thư gan thứ phát như ung thư đại trực tràng di căn vào gan.

"Lợi ích của việc kết hợp xạ trị trong chọn lọc u gan bằng hạt vi cầu phóng xạ và hóa trị cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn vào gan đã giúp kéo dài thời gian kiểm soát bệnh trung bình lên đến 20,5 tháng (cao hơn nhiều so với hóa trị đơn thuần) và giảm 31% nguy cơ phát triển khối u ở gan, tăng 3 lần khả năng khỏi bệnh trong gan. Kết luận này được rút ra từ kết quả nghiên cứu trên hơn 500 bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn gan (nghiên cứu SIRFLOX) đã được báo cáo và công bố tại hội nghị quốc tế về ung thư của Hiệp hội Ung bướu lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) tại Chicago vào tháng 5-2015", GS.TS Mai Trọng Khoa cho biết.

 Ở Việt Nam, kỹ thuật này đã được triển khai thành công tại một số bệnh viện lớn, có đầy đủ trang thiết bị và các chuyên khoa liên quan, đó là BV Bạch Mai, BV 108 và BV Chợ Rẫy. Tính đến tháng 6-2015, có hơn 50 bệnh nhân ung thư gan nguyên phát và thứ phát đã được điều trị thành công, cho kết quả tốt.

Lê Hùng