Bí ẩn ngôi mộ số 7 (Kỳ 1: Đi tìm nguồn gốc ngôi mộ số 7)
10 năm qua, thân nhân 2 gia đình liệt sỹ (LS) Hoàng Thị Minh (nguyên quán xã Tân Sơn, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) và LS Lê Đức Lợi (nguyên quán xã Kỳ Sơn, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cùng chăm nom, thăm viếng và thờ phụng một ngôi mộ liệt sỹ- ngôi số 7, lô số 1, NTLS H. Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Các cơ quan có thẩm quyền từ Bộ LĐ-TB&XH, Cục Người có công, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh, Phòng LĐ-TB&XH H.Kỳ Anh... cùng vào cuộc xác minh làm rõ.
Bằng Tổ quốc ghi công của LS Hoàng Thị Minh và Ngôi mộ số 7, lô số 1 sau khi được gắn bia thì xảy ra tranh chấp. |
Hai gia đình cùng nhận mộ
Ông Hoàng Đình Hoan (1960, trú xóm 6, xã Tân Sơn) đã 10 năm mòn mỏi đi dò hỏi thông tin, gõ cửa các cơ quan chức năng để được gắn tên cho người cô ruột của mình là LS Hoàng Thị Minh tại ngôi mộ số 1, lô số 7, NTLS H.Kỳ Anh. Bởi theo ông, đây chính là phần mộ của LS Minh. Để chứng minh, ông Hoan cho biết: “Gia đình tìm kiếm được mộ phần này dựa theo phương pháp tâm linh và các tài liệu thu thập từ các đồng đội, những người biết việc”. Ông Hoan kể, năm 1963, khi đang là giáo viên ở xã Sơn Hải, H.Quỳnh Lưu, o (cô- P.V) Minh đã tham gia lực lượng TNXP, được phiên chế về đơn vị 216 Tổng đội TNXP số 43- Bộ GTVT. Năm 1966, đơn vị của o Minh đóng tại xã Kỳ Lâm, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ngày 6- 4, trong một trận ném bom của đế quốc Mỹ, o Minh đã bị vùi sâu dưới lòng đất, 2 ngày sau các đồng đội mới tìm thấy. Thi hài o Minh được an táng ngay tại mảnh đất này.
Năm 1978, sau khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc quy tập mộ LS về an táng tại NTLS, rất nhiều ngôi mộ tại xã Kỳ Lâm được quy tập về NTLS H.Kỳ Anh, trong đó có mộ LS Minh. Nhận được thông tin hài cốt LS Hoàng Thị Minh được quy tập về NTLS H.Kỳ Anh, ông cùng nhiều người thân khác lặn lội từ Quỳnh Lưu vào tìm kiếm, nhưng không thấy phần mộ nào ghi tên Hoàng Thị Minh. Mãi đến năm 2005, qua dò hỏi thông tin từ đồng đội của o Minh và các nhân chứng tại xã Kỳ Lâm, và bằng phương pháp ngoại cảm, gia đình đã tìm được phần mộ của LS Minh là ngôi số 7, lô số 1, tại NTLS H.Kỳ Anh. Thời điểm này, trên bia khắc dòng chữ “Liệt sỹ vô danh”. Từ đây, gia đình yên tâm thờ phụng, hương khói cho phần mộ này.
Tuy nhiên, đến năm 2008, khi gia đình vào viếng mộ thì phát hiện ngôi mộ số 7 mà bấy lâu nay gia đình hương khói đã được gắn bia có dòng chữ “Liệt sỹ Lê Đức Lợi, quê Kỳ Sơn, Kỳ Anh, Hà Tĩnh”. Bất ngờ với phần mộ “bỗng nhiên” được gắn bia, ông Hoan và gia đình đã làm đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng. Về phía gia đình LS Lê Đức Lợi, ông Lê Hồng Đức (anh trai LS Lợi) cho biết, LS Lê Đức Lợi hy sinh tại Campuchia năm 1979, mộ sau đó được quy tập về NTLS Mũi Nai, Hà Tiên (Kiên Giang). Theo giấy báo tử số 2 ngày 25- 4- 1982 của Sư đoàn 8, Quân khu 9 thì LS Lê Đức Lợi hy sinh ngày 29- 1- 1981 tại cột sa la, Kăm-cớt, Campuchia trong khi chiến đấu truy quét tàn quân Pôn Pốt, hài cốt LS đã được an táng tại NTLS Mũi Nai, Hà Tiên, Kiên Giang, hàng số 12, mộ số 11. Ông Lê Viết Thắng (anh trai LS Lợi) cũng cho biết, năm 1988 chính ông và em rể là Nguyễn Trọng Điền cất bốc từ NTLS Mũi Nai. “Lúc bốc ngôi mộ từ tỉnh Kiên Giang về thì hài cốt LS Lê Đức Lợi đã an táng nhưng chưa cấp bia (mới cất bốc từ Campuchia về được khoảng 2 tuần) và ông đã trực tiếp cất bốc về Hà Tĩnh. Hài cốt LS Lợi về quê và tạm nghỉ chân tại Trường Đảng H.Kỳ Anh, sau đó được UBND H.Kỳ Anh, Phòng LĐ-TB&XH H.Kỳ Anh chấp thuận cấp ngôi mộ số 7, lô số 1 để an táng”- ông Thắng cho biết.
Vợ chồng ông Hoàng Đình Hoan trình bày quá trình đi tìm mộ o Minh. |
Nhiều bất cập từ thông tin của 2 gia đình
Theo ông Trần Bá Toản- Trưởng phòng LĐ-TB&XH H.Kỳ Anh cho biết, từ những thông tin do ông Hoàng Đình Hoan phản ánh, UBND H.Kỳ Anh, Phòng LĐ-TB&XH H.Kỳ Anh cũng đã vào cuộc xác minh. Qua kiểm tra, rà soát hồ sơ không thấy có văn bản nào phản ánh việc cất bốc hài cốt LS Hoàng Thị Minh từ xã Kỳ Lâm về an táng tại NTLS H.Kỳ Anh. Tuy nhiên, qua xác nhận của người làm chứng và giấy chứng nhận hi sinh của Tổng đội TNXP 768 thì ở địa bàn xã Kỳ Lâm trước đây có phần mộ của LS Hoàng Thị Minh. Những nhân chứng sống này là ông Nguyễn Dương Lầm- người cùng đơn vị và trực tiếp chôn cất LS Hoàng Thị Minh, hiện cư trú tại thôn Thủy Trà, xã Nam Trung, H.Nam Sách, Hải Dương. Ông Phạm Thanh Bình, bà Nguyễn Thị Luyến là công dân xã Kỳ Lâm, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Xác minh sự việc trong cuốn sổ lưu lập xong ngày 30- 12- 1981 có ghi phần mộ số 7 là chưa có thi hài, sau đó gạch ngang và ghi LS Lê Đức Lợi, Kỳ Sơn, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, hi sinh ngày 28-1-1981; trong cuốn sổ ghi danh sách mộ chí lập ngày 4- 5- 2000 đã ghi mộ số 7 tên của LS Lê Đức Lợi. Điều này cũng được ông Nguyễn Văn Sáu- quản trang khẳng định: năm 2002, khi tiếp nhận công việc quản trang thì đã thấy mộ số 7, lô số 1 đã được gắn bia là LS Lê Đức Lợi. Tuy nhiên, lời khai này cũng không có chứng thực, bởi sau đó không lâu thì ông Sáu mất. Cũng theo ông Toàn, việc tìm kiếm và cất bốc hài cốt LS Lê Đức Lợi về theo như tường trình của ông Lê Văn Thắng là không có cơ sở pháp lý để khẳng định vì không có giấy tờ chứng minh.
Trước sự việc này, ngày 8-1-2013, Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Tĩnh căn cứ các thông tin nêu trên và đối chiếu với giấy báo tử của LS Lê Đức Lợi, sau đó gửi công văn đến 3 cơ quan: Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang và QK9 xin cung cấp thông tin về việc cất, bốc mộ LS Lê Đức Lợi từ NTLS Mũi Nai về Hà Tĩnh năm 1988 và khẳng định lại thông tin trong giấy báo tử của LS Lê Đức Lợi an táng tại hàng mộ số 12, mộ số 11 có phải là ngôi mộ của LS Lê Đức Lợi hay không?.
Ngày 9- 9- 2013, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang có công văn số 10/PCT-BCS phúc đáp: Qua kiểm tra, rà soát trên tất cả hệ thống lưu trữ và các danh sách lưu tại các NTLS trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, qua các lần cất bốc, di dời hài cốt LS từ năm 1986 tới nay không có LS Lê Đức Lợi (1960, quê Kỳ Sơn, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), hi sinh ngày 29-11-1981 và cũng không ký hồ sơ di chuyển hài cốt LS Lê Đức Lợi về Hà Tĩnh. Ngày 4-10-2013, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang có công văn số 1120/LĐTBXH phúc đáp: năm 1987, QK9 có chủ trương di dời toàn bộ phần mộ của LS ở các nghĩa trang tạm, khu vực biên giới đưa về các nghĩa trang đã được xây dựng hoàn thiện thuộc QK, LS có quê thuộc các tỉnh phía bắc được chuyển về NTLX tỉnh Kiên Giang; thời kỳ này nhà nước chưa có chủ trương cho thân nhân LS di chuyển hài cốt về quê nhà, nên việc tiếp nhận hài cốt LS Lê Đức Lợi từ NTLX Mũi Nai về Hà Tĩnh năm 1988 là không có cơ sở.
Ngày 1-11-2013, Phòng Chính sách, Cục Chính trị- QK9 có công văn số 442/PCS phúc đáp: kiểm tra toàn bộ hồ sơ lưu trữ danh sách mộ LS (biết tên) của NTLS Mũi Nai cũ và danh sách hài cốt LS từ NTLS Mũi Nai chuyển về NTLS tỉnh Kiên Giang, NTLS các tỉnh, thành phố trên địa bàn QK9 không thấy có tên LS Lê Đức Lợi (1960, quê Kỳ Sơn, Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Như vậy, qua 3 văn bản trả lời của 3 cơ quan trên đều khẳng định mộ của LS Lê Đức Lợi không có trong NTLS Mũi Nai, Hà Tiên, Kiên Giang và không được các cơ quan có thẩm quyền cho cất bốc về Hà Tĩnh năm 1988.
X.S (còn tiếp)