Bi hài xuất khẩu lao động “chui”
(Cadn.com.vn) - Ở Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng, tình trạng người dân xuất khẩu lao động (XKLĐ) “chui” còn diễn biến khá phức tạp. Những người dân nghèo đi lao động “chui” bằng đủ con đường mà những kẻ môi giới “vẽ” ra, từ đi du lịch, thăm người thân, cho đến kết hôn giả... Thế nhưng cuộc sống ở miền đất hứa lại không như mong đợi, họ phải chấp nhận cuộc sống chui lủi, mất tự do, phải hứng chịu nhiều rủi ro.
Nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần, gia đình mất đi người thân vì xuất khẩu lao động “chui”. |
Tan mộng đổi đời
Có thể thấy rằng, nhu cầu được đi XKLĐ hiện nay rất lớn. Trong khi nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, chưa kịp thời tiếp cận được các thông tin thì các đối tượng tổ chức đưa người đi xuất khẩu “chui” đã lợi dụng sơ hở trong quản lý hành chính của cơ quan chức năng trong việc cấp phép hoạt động cho các Cty, trung tâm hoạt động trên các lĩnh vực XKLĐ, du lịch, lữ hành, tư vấn du học và xúc tiến việc làm… để thành lập Cty, trung tâm dịch vụ tư vấn, tập hợp, tổ chức các lao động có nhu cầu đi làm ăn ngoài nước trái phép.
Không chỉ quảng cáo trên các trang mạng để tuyển người XKLĐ một số đối tượng còn tung các “chân rết” xuống từng địa phương, đặc biệt nhắm tới nông thôn để mời chào đi XKLĐ không cần trình độ, rằng môi trường làm việc ở nước sở tại rất tốt, lương cao, công việc nhẹ nhàng… Những “chiếc bánh vẽ” đã khiến không ít trường hợp lâm cảnh cơ cực, nợ nần chồng chất. Đã gần một năm trôi qua nhưng Nguyễn Thị Thanh (1966, trú xã Nam Trung, H. Nam Đàn, Nghệ An) vẫn còn ám ảnh thời gian làm giúp việc gia đình ở Saudi Arabia. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đầu năm 2016, chị quyết định đến Saudi Arabia theo lời giới thiệu của một người trong làng. Với lời hứa của đại diện đơn vị môi giới là Cty cổ phần đầu tư và hợp tác quốc tế Nam Việt ở Nghệ An (đường Nguyễn Thị Định, TP Vinh) là công việc nhẹ nhàng, lương khá, thủ tục nhanh gọn, không cần trình độ... nên chị gom tiền đăng ký. Chỉ 20 ngày sau, chị Thanh đã được xuất cảnh.
Xác định đi làm thuê là vất vả, nhưng cuộc sống xứ người nằm ngoài sức tưởng tượng của chị Thanh. Ngôn ngữ bất đồng, chị bị gia đình họ đối xử thậm tệ. “Ba ngày đầu khi mới sang, họ không cho tôi ăn gì cả, thậm chí cũng không được tắm mà chỉ được uống nước cầm chừng. Những ngày tiếp theo, tôi được chủ nhà đưa cho 2 ổ bánh mì, tôi phải cố gắng ăn để có sức làm việc. Mỗi tuần tôi chỉ được chủ nhà cho ăn một bữa cơm. Làm việc nhà, chăm sóc con cái cho chủ nhưng tôi thường xuyên bị chửi bới vô cớ. Không thể chịu nổi cuộc sống cùng cực, tôi gọi điện về cầu cứu chồng, nộp tiền cho Cty XKLĐ để được trở về nước” - chị Thanh tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Thanh kể về quãng thời gian tủi nhục khi làm việc nơi xứ người. |
Cũng ôm mộng đổi đời, mong muốn được đi XKLĐ nên khi được Nguyễn Thị Thủy (1983, trú xã Nghi Đức, TP Vinh) “tư vấn” đi Mỹ với những lời mời chào hấp dẫn: công việc nông nghiệp nhẹ nhàng, mức thu nhập từ 1.000USD rồi tăng dần theo thời gian, lại được cấp cả “thẻ xanh” trong vòng 1 năm nên gia đình em Nguyễn Minh Đức (1992, trú H. Diễn Châu) vay mượn gần 400 triệu đồng để lo một suất lao động chui ở Mỹ. Thế nhưng khi vừa sang đến đảo Samoa (Mỹ), Đức được “cò” đưa vào một nông trang làm việc với mức lương 300 USD/tháng, tức là chưa bằng 1/3 mức lương khởi điểm đã được hứa hẹn trước đó. Công việc vất vả, lương quá thấp, làm được một tháng thì Đức trụ không nổi nên gọi điện về nhà kêu cứu để được về nước. Đến nay gia đình Đức vẫn phải còng lưng trả món tiền nợ gần 400 triệu đồng.
Giữa năm 2016, sau khi nắm được nhu cầu tìm kiếm việc làm của một số người dân xã Nghi Thiết (Nghi Lộc, Nghệ An), Hoàng Niêm (1974, trú xã Nghi Quang, H. Nghi Lộc) nhanh chóng tiếp cận và hứa hẹn sẽ đưa được người sang các nước Châu Âu làm việc nhẹ nhàng, thu nhập cao. Tin lời, anh Phan Văn Bảo (1991), anh Võ Văn Trung (1991) và chị Phan Thị Lưu (1995) gom góp, vay mượn 6.000USD và 10,5 triệu đồng nộp cho Niêm. “Ông Niêm đến nhà hứa nếu không đưa được em sang Đức thì không những trả lại tiền mà còn trả lãi suất hằng tháng cho em. Vì tin tưởng nên gia đình đem sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay tiền cho em đi XKLĐ với hy vọng thoát cảnh đói nghèo. Thế nhưng khi đã sang Nga thì em không được đưa sang Đức như kế hoạch mà ông Niêm đưa ra đủ lý do và yêu cầu phải chờ đợi... Lúc đó bọn em mới biết bị lừa. Giờ đây nợ chồng nợ, chẳng biết khi nào mới trả đủ...” - Phan Thị Lưu ngậm ngùi kể lại.
Đi XKLĐ chui, đương nhiên không có hợp đồng lao động nên nhiều người buộc phải tự tìm việc làm, chấp nhận môi trường làm việc không an toàn, nhiều nguy hiểm. Mới đây, anh Nguyễn Trọng Hiếu (1975, trú xóm Phi Nam, xã Vĩnh Thành, H. Yên Thành) tử vong do mắc bệnh sốt rét. Anh Hiếu đi XKLĐ “chui” tại Angola đã nhiều năm nay, khi mọi người phát hiện anh Hiếu tử vong đã gọi điện báo tin cho gia đình nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện để đưa thi thể anh về quê. Được cộng đồng người Việt ở Angola kêu gọi quyên góp tiền giúp đỡ, ngày 11-5-2017, thi thể anh Hiếu mới được đưa về nước mai táng. Hay như trường hợp anh Phạm Văn Tuân (1982, trú xã Diễn Thái, H. Diễn Châu) bị trúng đạn của bọn cướp khi đang trên đường đến công trường xây dựng hồi năm 2015. Lúc đó, anh Tuân đang là lao động “chui” tại Angola. Khi biết tin nhưng do gia đình không có kinh phí đưa thi thể anh về nước nên phải nhờ đến sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt tại Angola và Đại sứ quán Việt Nam tại Angola.
Hoàng Niêm, đối tượng đưa người xuất khẩu lao động “chui” bị CA tỉnh Nghệ An bắt giữ. |
Những lỗ hổng cần vá
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, chỉ tính riêng trong năm 2016, số lao động di cư tự do tại một số nước như Lào, Thái Lan, Campuchia, Anh, Nga, Australia và một số nước khác là 11.378 người và con số này luôn luôn biến động tùy vào từng thời điểm khác nhau. Hậu quả là khi xuất cảnh đến nước sở tại, người lao động do không có hợp đồng lao động phải chấp nhận sống chui lủi, phải tự tìm kiếm việc làm, ốm đau bệnh tật không được chăm sóc, bị bắt giữ, trục xuất về nước mà không được sự bảo hộ nào. Còn các đơn vị tổ chức đưa lao động ra nước ngoài, khi bị chất vấn đều đổ lỗi cho người lao động, thoái thác trách nhiệm của mình.
Trước tình trạng trên Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền về vấn đề lao động nước ngoài không có hợp đồng hoặc cư trú bất hợp pháp để người dân hiểu hơn, tự ý thức về việc tự ý hoặc thông qua môi giới để làm việc và cư trú ở nước ngoài bất hợp pháp sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho chính bản thân lao động và công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại vẫn còn khiêm tốn. Để thắt chặt việc XKLĐ, vừa qua Bộ LĐ-TB&XH đã kiểm tra, xử phạt, tạm đình chỉ và rút giấy phép hoạt động của 46 Cty XKLĐ vi phạm.
Chỉ tính từ năm 2011 đến tháng 6-2017, Cơ quan ANĐT CA tỉnh Nghệ An đã thụ lý điều tra 51 vụ án, 96 bị can về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, ở lại nước ngoài trái phép” chủ yếu ở các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Australia, các nước Châu Âu và Đông Nam Á. Trước những bánh “vẽ” của những kẻ môi giới lao động, người lao động phải luôn luôn tỉnh táo, tránh tình trạng tiền mất, nợ mang.
Thiếu tá Chu Văn Hương - Đội trưởng Đội điều tra án, Phòng ANĐT CA tỉnh Nghệ An cho biết: Cái khó trong việc đối phó với các đối tượng đưa người đi nước ngoài trái phép là khi thu tiền của người lao động không có biên nhận hoặc chỉ làm giấy biên nhận phản ánh nội dung không rõ ràng, viết sơ sài, có tính chất đối phó đề phòng hậu quả sau này. Cơ quan điều tra cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, tài liệu có giá trị pháp lý.
Có thể thấy, việc ra nước ngoài trái phép không những tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho người lao động mà còn để lại hàng loạt hệ lụy xấu cho xã hội, xâm hại nghiêm trọng đến nền quản lý nhà nước trên lĩnh vực xuất nhập cảnh, hộ tịch, hộ khẩu. Bên cạnh đó, hành vi này còn tạo hình ảnh và dư luận xấu đến lao động Việt Nam ở nước ngoài, làm ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trên lĩnh vực XKLĐ đến các thị trường tiềm năng.
Dương Hóa