Biên cương ghi dấu chân anh (Kỳ cuối: Thắm tình hữu nghị!)
Đường biên giới giữa Việt Nam- Lào dài khoảng 2.337 km, tiếp giáp 10 tỉnh của nước ta với 10 tỉnh của nước bạn Lào. Nếu trước đây, có những đoạn 40 km biên giới mới có cột mốc thì đến nay đã có 1.002 cột mốc chính cố định và cọc dấu tại 905 vị trí. Trong đó, riêng đường biên giới đi qua địa phận tỉnh Quảng Nam dài 157,422km.
Những hình ảnh thể hiện tình cảm giữa 2 đội cắm mốc quốc giới Việt Nam- Lào của 2 tỉnh Quảng Nam- Sêkông. |
Theo thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, trên cơ sở 17 cột mốc chính (từ T1-T17), trải qua gần 6 năm thực hiện kế hoạch tăng dày, tôn tạo, đến nay đoạn biên giới Việt-Lào qua địa phận tỉnh Quảng Nam (Việt Nam) và tỉnh Sêkông (Lào) có 60 cột mốc, trong đó có một cột mốc đại 717 cắm tại cửa khẩu Đăk Tô (H.Nam Giang), 17 cột mốc trung, 42 cột mốc tiểu và 7 cột dấu đi qua 14 xã vùng biên của 2 huyện Tây Giang và Nam Giang (Quảng Nam- Việt Nam), 6 khu của 2 huyện Kà Lùm, Đăk Chưng (Sêkông-Lào).
* Hoàn thành xong công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt- Lào, BCH BĐBP tỉnh Quảng Nam vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (QĐ số 750/QĐ-CTN ngày 26-4-2017). Một đồng chí thuộc BCH BĐBP tỉnh Quảng Nam (chức vụ trợ lý biên giới) được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, 2 đồng chí BCH BĐBP tỉnh được nước bạn Lào tặng thưởng huân chương hữu nghị, trong đó có Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng. Nhiều CBCS BĐBP Quảng Nam được UBND tỉnh tặng bằng khen... |
Để hoàn thành kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt- Lào (2008-2016) là một quá trình nỗ lực dài lâu của 2 nước, trong đó có những nỗ lực thầm lặng của những đội cắm mốc được phân công làm nhiệm vụ thực địa, xây dựng cắm mốc, chủ lực là CBCS BĐBP. Trên hành trình thực thi nhiệm vụ vinh quang đó, thắm đượm nhiều câu chuyện về tình hữu nghị anh em giữa hai nước.
Nhớ năm 2013, trong một lần dừng chân ngủ nhờ tại nhà bà con ở bản Tăng Nông, H.Đăk Chưng (Sêkông, Lào), Thượng úy, y sĩ Phạm Tường Vân phát hiện cháu bé 10 tuổi bị bỏng nước sôi đã 10 ngày có dấu hiệu nhiễm trùng. Lập tức, anh đã sát trùng, tiêm và đắp thuốc cho cháu bé. Suốt 10 ngày sau đó, anh theo dõi, chăm sóc, chữa trị vết thương cho cháu. Đến ngày đoàn lên đường về lại Quảng Nam cũng là lúc cháu bé lành vết thương. "Trước khi chia tay, chúng tôi cấp thêm cho cháu 15 ngày thuốc, hướng dẫn gia đình cách cho cháu uống thuốc và làm vệ sinh... Một tháng rưỡi sau đó, qua thăm hỏi, tôi được biết cháu bé đã khỏe hẳn"... Trung tá Minh Dương cho biết thêm, trong thời gian thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, ngoài tình cảm mà Đội Cắm mốc tỉnh nước bạn dành cho mình thì tình cảm bà con vùng biên giới 2 huyện Đăk Chưng, Kà Lùm (tỉnh Sêkông-Lào) dành cho Đội Cắm mốc tỉnh Quảng Nam vô cùng thắm thiết, chân thành... Để minh chứng rõ nét hơn, Trung tá Minh Dương, Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng đưa cho tôi xem những bức ảnh, clip được các anh ghi và lưu lại làm kỷ niệm: "Nhiều lúc anh em hai bên làm việc quên ăn, đút cho nhau từ miếng mì tôm sống. Mình có gì thì san sẻ cho bạn, bạn có gì cũng sẻ chia cho mình. Tình cảm, đoàn kết như anh em một nhà...".
Trong quá trình thực thi công trình có ý nghĩa trọng đại mang tầm quốc gia hai nước này, sự thống nhất cao giữa hai bên chính là kết quả để công tác tôn tạo, tăng dày đường biên giới cột mốc hoàn thành đúng tiến độ. Theo đó, riêng địa phận biên giới Việt- Lào qua 2 tỉnh Quảng Nam và Sêkông, việc thực hiện công tác tăng dày, tôn tạo địa giới cắm mốc bắt đầu từ tháng 9-2008 đến 12-2014 thì kết thúc phần xây dựng và nghiệm thu. Năm 2015, hoàn tất hồ sơ gửi ra Hà Nội...
Theo báo cáo tại hội nghị tổng kết hoàn thành Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt- Lào tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9 vừa qua, trong 8 năm thực hiện dự án (2008-2016), hai nước Việt- Lào đã phối hợp tổ chức 63 cuộc họp các cấp, 100 đoàn liên ngành song phương và hàng ngàn cuộc họp, làm việc giữa các tỉnh của 2 nước có đường biên giới với đội quân cắm mốc liên hợp, thể hiện sự thống nhất cao giữa hai nước. Tình cảm đó đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tại hội nghị này.
Thủ tướng cho rằng, việc hoàn thành toàn bộ công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào là một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa to lớn, thể hiện sự thống nhất cao, sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Công trình này là biểu tượng sinh động của mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt, tình đoàn kết và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt - Lào. Cũng theo Thủ tướng, công trình này là tài sản vô giá truyền lại cho con cháu hai nước kế thừa, tiếp tục gìn giữ trong tương lai...
Tác giả cùng CBCS Đồn BP 645 (Tây Giang) tại cột mốc giới Việt Nam- Lào năm 2009. |
Cho đến lúc gặp họ, tôi chợt hiểu vì sao cứ mỗi lần lên xe đi công tác, qua một địa phận nào đó, tôi lại bồn chồn, chăm chú tìm kiếm những cột mốc nằm ven đường như thể tìm người quen. Thói quen ấy phải chăng được hình thành từ những kỷ niệm khó quên trong những lần vượt suối băng đèo lên biên giới, xúc động đến lặng người khi chứng kiến nghi thức chào cờ của CBCS BP ở vùng biên. Có khi sau cả ngày băng rừng lội suối mệt nhoài, chân tay cóng cứng, mà vẫn chưa đến được nơi mình cần đến. Đến khi nhìn thấy cột mốc biên giới hiện ra, trong tôi lại trào dâng niềm xúc động không thể diễn tả bằng lời...
Mới đây, khi xem bộ phim tài liệu về Đồn BP Ba Tầng (Quảng Trị) hàng năm thường phối hợp ngành GD-ĐT H.Hướng Hóa tổ chức đưa học sinh các trường đến từng cột mốc, đường biên để tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, nhằm giúp các em hiểu hơn về chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, qua đó ý thức trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc, tôi lại thêm một lần nữa xúc động. Chợt hiểu sâu xa hơn câu thổ lộ chân tình của Đại úy Nguyễn Văn Chiến: "Đối với người chiến sĩ BP còn gì vinh dự hơn khi được giao nhiệm vụ đi cắm mốc trên đỉnh Trường Sơn"!...
Ghi chép: Phan Thủy