Biên cương những nẻo đường xuân
(Cadn.com.vn) - Vùng biên giới Mô Rai (H. Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) mùa mưa biến thành “ốc đảo”, mùa khô bụi đỏ mù trời. Bất chấp khắc nghiệt của thiên nhiên và những hiểm nguy, thử thách, những người lính biên phòng vẫn ngày đêm canh giữ biên cương Tổ quốc. Mùa xuân này vẫn thế…
Con nhà lính, tính vùng biên
Từ xã biên giới Rờ Kơi, chúng tôi vượt gần 100km đường rừng trong cơn lốc bụi của mùa khô Tây Nguyên mới đến được Đồn Biên phòng (ĐBP) 709, đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ hơn 19km đường biên và hai cột mốc số 12, 13. Đây là một địa bàn tương đối phức tạp vì hằng ngày có hàng chục lượt xe, phương tiện người ra vào để làm ăn, sản xuất nên cùng với nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biên giới, nhiệm vụ bảo vệ và giữ gìn ANTT, ATXH cũng được Ban chỉ huy Đồn đặt lên hàng đầu.
Đồn trưởng ĐBP 709, thiếu tá Dương Thế Võ cho biết: “Từ khi cột mốc biên giới chính thức được cắm, nhiệm vụ bảo vệ biên giới và cột mốc càng nặng nề, vì nó thể hiện sự uy nghiêm, vĩnh cửu và thiêng liêng đối với từng dải đất biên cương của Tổ quốc. Tuy nhiên, từ khi cột mốc được dựng, việc tuyên truyền Luật Biên giới Quốc gia và công tác bảo vệ đường biên, cột mốc được thuận lợi hơn, người dân đã có ý thức tốt hơn về việc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới!”.
Tâm sự với các chiến sĩ trẻ, chúng tôi được biết hàng ngày các anh phải đương đầu với bao khó khăn, hiểm nguy trên đường tuần tra biên giới. Mỗi ngày, các anh phải lội bộ mười mấy cây số đường rừng, vượt qua nhiều đỉnh núi cao để tới được cột mốc. Mùa khô phải đối mặt với cái nóng như nung người giữa rừng già. Mùa mưa thì sông, suối gào thét, lũ dữ tràn về, mọi ngả đường đều bị chia cắt, đói và lạnh luôn thường trực khi bị “tắc” đường.
Còn nữa, các anh còn phải đối mặt với lũ vắt, muỗi đói thi nhau tấn công... Thiếu úy Nguyễn Thành Công tâm sự: “Em nhập ngũ năm 2005 và năm 2008 được về Đồn 709. Là lính trinh sát em xác định nhiệm vụ, công việc của mình là thường xuyên ở địa bàn, lâu lâu mới về đơn vị. Tết vừa rồi em cùng 7 đồng đội đón giao thừa ở cột mốc. Đêm nằm mắc võng ngủ nhớ nhà vô cùng, nhưng sáng mồng Một về đơn vị thì vui lắm, cũng có bánh chưng, thịt heo, hoa mai. Tình cảm đồng đội ở biên giới thật ấm áp...”.
Ngoài nhiệm vụ tuần tra biên giới, ĐBP 709 còn tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn, nâng cao sức khỏe cho CBCS. Hằng năm, Đồn “tự túc” được 6.500kg rau quả, 750kg cá thịt, thu hoạch khoảng 3.500kg sắn khô, phát triển đàn heo khoảng 50 con và bò 15 con, ngoài ra còn có gia cầm, ao cá...”.
Đêm biên giới, lạ nhà không ngủ được, tôi bước ra sân ngắm nhìn các vì sao phía trên đỉnh Chư Mom Ray hùng vĩ. Gió ngàn lồng lộng thổi, sương khuya bắt đầu rơi lạnh, nhưng ngoài vọng gác, người lính trẻ vẫn đang ôm súng đứng canh.
![]() |
BĐBP Kon Tum tuần tra bảo vệ biên giới. |
Xuân sớm
Rời ĐBP 709, chúng tôi tiếp tục hành trình xuyên đại ngàn để đến với các chiến sĩ ĐBP 707. Nơi chúng tôi qua trước đây là những cánh rừng nguyên sinh thâm u nay đã được thay thế bằng những cánh rừng cao su đang mùa khai thác. Những làng công nhân nằm dọc hai bên con đường bụi đỏ -nhưng tương lai sẽ là những ngôi làng trù phú, như gợi mở một hướng tới tương lai. Những nam nữ công nhân của Cty 78 đang hối hả làm việc trong nắng sớm... một cuộc sống sôi động giữa núi rừng biên giới.
ĐBP 707 hiện ra trước mắt đẹp như tranh vẽ. Một khuôn viên cây cảnh, rộng rãi thoáng đãng trước sân Đồn. Những dãy nhà ở, làm việc, sinh hoạt được xây dựng mới khang trang, bố trí hài hòa đẹp mắt càng tạo thêm vẻ đẹp cho khung cảnh giữa núi rừng biên ải. Mặc dù còn một khoảng thời gian khá lâu nữa mới đến Tết, nhưng các chiến sĩ đã tổ chức trồng hoa, vun cỏ, dọn vệ sinh và quét vôi nhà cửa... để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.
Đồn 707 có nhiệm vụ quản lý bảo vệ đoạn biên giới dài 21km, tiếp giáp với H. Tà Veng, tỉnh Ratanakiri (Campuchia) và ở nội địa đơn vị được giao phụ trách xã Mô Rai (H. Sa Thầy) với dân số 525 hộ/2.064 nhân khẩu, gồm 11 dân tộc ở khắp 7 thôn làng, trong đó dân tộc Gia Rai, Rơ Mâm chiếm đa số. Trong những năm qua CBCS Đồn đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, địa phương về chủ quyền và an ninh biên giới quốc gia. Riêng đối với xã Mô Rai, Đồn đã tham mưu cho địa phương củng cố 1 chi bộ từ yếu kém lên trung bình, 2 chi hội phụ nữ, 2 chi đoàn, 3 chi hội nông dân, 1 tổ an ninh nhân dân cũng từ yếu kém lên vững mạnh.
Tham mưu cho Đảng ủy xã kết nạp 14 đảng viên, phối hợp xây dựng 3 làng văn hóa trong đó có 1 làng đạt cấp tỉnh (Làng Le); xây dựng và công nhận 186 hộ gia đình văn hóa, cùng với địa phương và gia đình vận động 122 em học sinh tiểu học, trung học cơ sở bỏ học trở lại trường, tổ chức khám chữa bệnh giúp dân, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân. Đồn cũng đã vận động nhân dân ở 7/7 thôn, làng ký kết phong trào tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn ANTT thôn, làng, khu vực biên giới, xây dựng kế hoạch và mô hình giúp dân phát triển KT-XH...
Ngoài ra, CBCS Đồn còn tham gia giúp dân gần 600 ngàn công lao động để làm nhà, cỏ lúa, mỳ và vệ sinh thôn làng, xây dựng 12 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa... với tổng kinh phí 270 triệu đồng, tặng 7 sổ tiết kiệm trị giá 200 ngàn đồng/sổ cho các gia đình chính sách, neo đơn...
Thượng úy Chính trị viên phó ĐBP 707 Đồng Thanh Tĩnh đưa chúng tôi về làng Le, làng văn hóa cấp tỉnh của xã Mô Rai. Già A Glá, cựu Bí thư Đảng ủy xã Mô Rai nói: “Từ rất lâu, bộ đội biên phòng đã gắn bó với dân và coi bà con như họ hàng thân thích. Hằng ngày các anh đều ở đây và tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con về pháp luật, cách giữ gìn vệ sinh làng bản, trồng lúa nước và các loại cây công nghiệp có giá trị cao... mà trước đây bà con chưa bao giờ nghĩ tới. Ở làng này không có hộ đói, chỉ có vài hộ thiếu ăn trong mùa giáp hạt nhưng do những hộ này lười biếng”.
Thiếu tá Nguyễn Văn Khiển, Chính trị viên Đồn 707 cho biết: “Một trong những nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị là gắn kết mật thiết với dân, vận động và tuyên truyền nhân dân thực hiện và tham gia các hoạt động xã hội, kết hợp các buổi gặp dân để tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức: tập trung, nhỏ lẻ và từng gia đình. Từ đó nhận thức của nhân dân về chủ quyền an ninh biên giới, TTATXH được nâng lên... nên không có các trường hợp tiếp tay cho các đối tượng xấu, vượt biên và kích động vượt biên trái phép, tình hình an ninh chính trị được giữ vững”.
Chia tay với các anh- những người lính ngày đêm canh giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc- trong mỗi chúng tôi đều có chung sự mến phục đan xen niềm thân thương. Hoa cúc quỳ nở vàng ươm trên khắp các nẻo đường chúng tôi đi qua. Một mùa xuân nữa lại về trên Tây Nguyên đại ngàn. Xin chúc các anh vững tay súng, đón một mùa xuân đầy ắp tình yêu và những bức thư nồng ấm từ hậu phương...
Sông Thu