"Biển đảo mãi mãi trong trái tim chúng tôi"

Thứ năm, 12/06/2014 08:45

(Cadn.com.vn) - Đó là chủ đề của buổi giao lưu, gặp mặt vừa tổ chức của 218 Cựu quân nhân (CQN) Trường Sa (thời kỳ 1984 - 1989) đang sống, công tác tại các tỉnh từ Bình Phước, Khánh Hòa đến Thái Bình, nhân kỷ niệm 30 năm ngày nhập ngũ và nhận nhiệm vụ đến với quần đảo Trường Sa. Buổi giao lưu không chỉ đạt được điều mong muốn của các đồng đội sau 30 năm gặp lại mà ý nghĩa hơn là CQN đã đóng góp 15.250.000 đồng gửi qua Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân hưởng ứng chương trình "Góp đá xây dựng Trường Sa". 100% CQN có mặt tại buổi gặp mặt đều tham gia gửi tin nhắn hưởng ứng chương trình "Chung tay vì biển đảo quê hương" do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động (mỗi tin nhắn 18.000 đồng, có nhiều đồng chí gửi từ 2 đến 3 tin nhắn).

Doanh nhân Trần Văn Xuất cho biết: "Đồng đội ở Trường Sa ngày ấy, bây giờ mỗi người mỗi ngả, có nhiều đồng đội đang tại ngũ, có người trở thành doanh nhân thành đạt, là những ngư dân trên các con tàu khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ, nhưng cũng có nhiều đồng đội còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Bản thân tôi về lại với đời thường cũng như bao đồng đội khác, phải gồng mình vượt qua khó khăn thử thách để làm kinh tế. Nay thành đạt, tôi nghĩ phải làm cái gì đó để các đồng đội Trường Sa gặp lại nhau, có điều kiện giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Vì lẽ đó, tôi đã đề nghị và được sự đồng ý của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương tái hiện mô hình Cột mốc Chủ quyền Đảo Trường Sa Đông đặt trong khuôn viên trưng bày sản phẩm Điêu khắc đá mỹ nghệ Xuất Ánh bên đường Trường Sa (Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Cột mốc chủ quyền đã giúp "tìm được nhiều đồng đội khi họ quá bộ qua đây, bằng sự kiên trì liên lạc của mình và qua hệ thống thông tin đại chúng nên đã tạo được niềm vui đồng đội sau 30 năm gặp lại...".

Các cựu quân nhân tham gia chương trình "Góp đá xây dựng Trường Sa".

Tại buổi giao lưu gặp mặt, các CQN đã cùng nhau gợi mở nhiều kỷ niệm về những năm tháng đồng đội đoàn kết, gắn bó bên nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên đảo, nơi sóng gió biển khơi để hoàn thành nhiệm vụ. Trong nhiều câu chuyện nghĩa tình đồng đội giúp nhau làm kinh tế ổn định cuộc sống của các Ban liên lạc Trường Sa tại các tỉnh, thành phố, bản chất "Bộ đội Cụ Hồ" luôn là động lực, tiếp sức trong tâm trí các CQN sẵn sàng nhận nhiệm vụ đến với biển, đảo lần nữa khi Tổ quốc cần.

"Biển đảo mãi mãi trong trái tim chúng tôi" được các CQN biểu thị bằng hành động góp tiền "góp đá xây dựng Trường Sa" và kịch liệt lên án về hành động ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép xâm phạm chủ quyền Việt Nam và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hợp pháp của ngư dân trên các ngư trường truyền thống lâu đời nay của Việt Nam. Ý nghĩa và sôi động khi ca sĩ Anh Đào, Đoàn ca nhạc Khánh Hòa (bộ đội hải quân trao cho cái tên "ca sĩ của biển, đảo", "người phụ nữ đầu tiên đến với Trường Sa" - năm 1988 và 2013 đến với quần đảo) cùng các CQN cất cao tiếng hát qua các bài: Tiếng hát Sơn đảo Sơn Ca và Gần lắm Trường Sa...

Thiếu tướng Nguyễn Viết Hoàng, Phó Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 (từ năm 1988 đến 1993 công tác tại các đảo Phan Vinh và đảo Trường Sa lớn trong quần đảo Trường Sa, giữ chức vụ Đảo Trưởng) đến dự, phát biểu ghi nhận về ý nghĩa buổi giao lưu gặp mặt của CQN Trường Sa lần đầu tiên được tổ chức. Gặp mặt là để các CQN tiếp tục phát huy bản chất tốt đẹp "Bộ đội Cụ Hồ" trong xây dựng và sẵn sàng vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Và mong rằng, các CQN tiếp tục thể hiện tốt chức năng phối hợp với Hội Cựu chiến binh tại địa phương mình làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, người thân, hội viên đề cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu kích động, gây rối an ninh trật tự của địch trên đất liền, trong thời điểm tình hình căng thẳng ngoài Biển Đông khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép.

Đối với các CQN và người thân của các CQN trong lực lượng ngư dân trên các tàu cá khai thác, đánh bắt hải sản dài ngày trên vùng biển Hoàng Sa, vùng đặc quyền kinh tế lâu đời của Việt Nam hiện nay, cần bình tĩnh, khôn khéo, phối hợp cùng với các lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và các tàu cá ngư dân ta tiến hành các biện pháp quản lý, ngăn cản, tránh các va chạm không có lợi với tàu Trung Quốc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thực hiện ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình, lãnh đạo Việt Nam sẽ cân nhắc và quyết định việc sử dụng các biện pháp pháp lý theo luật pháp quốc tế, nhằm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và lợi ích chính đáng của mình".

Bài và ảnh: Nhân Mùi