Biên độ tỷ giá có tiếp tục được điều chỉnh?

Thứ ba, 18/08/2015 09:32

(Cadn.com.vn) - Phản ứng nới biên độ tỷ giá USD/VND từ +/-1 lên +/-2% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được các giới chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là linh hoạt, phù hợp và kịp thời trước “biến cố ” giảm giá đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc. Vấn đề đang được dư luận quan tâm hiện nay, liệu NHNN có tiếp tục nới thêm biên độ để đảm bảo sự cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam?

Các chuyên gia cho biết, đà phá giá của Trung Quốc trong thời gian tới sẽ chững lại. Bởi lẽ, nếu đồng CNY giảm giá quá mạnh khiến các dòng vốn tháo chạy, kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với những khó khăn lớn. Tuy nhiên, một vấn đề cần quan tâm hiện nay là tình trạng nhập siêu của Việt Nam, đặc biệt từ phía Trung Quốc.

Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 91,8 tỷ USD, nhập khẩu đạt 95,3 tỷ USD, nhập siêu 3,5 tỷ USD, vượt xa số xuất siêu năm 2014. Riêng đối với Trung Quốc, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 9,3 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng mạnh với mức 28,8 tỷ USD, dẫn đến nhập siêu ở mức “báo động” 19,5 tỷ USD, tăng 30,7% (+ 4,6 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này dấy lên sự lo ngại từ các cơ quan quản lý về bài toán xuất khẩu của Việt Nam từ nay đến cuối năm trong bối cảnh các nước đồng loạt giảm giá đồng nội tệ để đối phó với “cơn địa chấn” giảm giá CNY của Trung Quốc.

Việt Nam là nước nhập siêu từ Trung Quốc nên sẽ hưởng lợi khi CNY suy yếu. Tuy nhiên, khi hàng Việt Nam cạnh tranh với hàng Trung Quốc ở thị trường xuất khẩu thứ ba, kể cả nội địa, CNY mất giá là một nguy cơ lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Bởi thế, rất nhiều chuyên gia kinh tế, kể cả các tổ chức tiền tệ thế giới đều khuyến cáo Việt Nam nên chủ động điều chỉnh linh hoạt tỷ giá đồng nội tệ nhằm đảm bảo tăng cường năng lực cạnh tranh.

Ông Alan Pham (kinh tế trưởng VinaCapital) phân tích, quyết định tăng gấp đôi biên độ tỷ giá lên 2% thực chất là biện pháp thay thế hữu hiệu cho việc điều chỉnh tỷ giá tham chiếu vì trước đó, NHNN muốn giữ cam kết không nới tỷ giá quá 2% trong năm nay. Sau động thái này, tiền đồng giảm 0,9% so với USD, giảm 0,3% vào ngày hôm sau. Như vậy, kể từ đầu năm, VND giảm 3,2% so với USD.

Adam McCarty (kinh tế trưởng tại Mekong Economics) cho rằng, giảm giá tiền đồng sẽ tốt cho nền kinh tế, giờ là lúc Việt Nam cần tăng cường năng lực cạnh tranh một chút. Ông nhận định, trong giai đoạn hiện nay, NHNN phải hành động để VND có thể giảm thêm 1%, thậm chí giảm đến 2%  từ nay đến cuối năm để khuyến khích xuất khẩu, ngăn chặn nhập siêu.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đức Thành (Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) về chính sách tỷ giá của Việt Nam) khuyến cáo, Việt Nam nên nhanh chóng giảm giá VND. Lấy mức phá giá của Trung Quốc làm mức tham chiếu thấp nhất, nếu Trung Quốc phá giá 5%, Việt Nam nên phá giá mạnh hơn 5%, có thể từ 6 đến 7%. Trước đó, sau khi CNY bị phá giá, hàng loạt đồng tiền nội tệ ở các quốc gia phải “rớt” theo.

Cụ thể, đồng ringgit của Malaysia, trượt 2%, rupiah của Ấn Độ mất 1,6%, tiền của Indonesia cũng rơi xuống mức thấp trong 25 năm với tỷ giá 13.789 rupiah/USD. Đến đồng won của Hàn Quốc, yen Nhật, đôla Singapore, đôla Úc... cũng đồng loạt giảm giá. Chính phủ các nước trong khu vực đều có kịch bản “thủ thế” trước vòng xoáy tăng, giảm của CNY. Chính vì thế, việc “neo” tỷ giá VND/USD sẽ khiến cho VND trở nên mạnh hơn so với nhiều đồng tiền quan trọng khác, gây bất lợi cho nền kinh tế trước “cơn bão” giảm giá của các nước trong khu vực.

Điều này, cho thấy diễn biến trên thị trường tiền tệ Trung Quốc là cực kỳ phức tạp, CNY chưa chắc đã dừng lại như đã tuyên bố. Nếu chủ quan, Việt Nam sẽ bị “đánh” bất ngờ nếu không có kịch bản ứng phó trước kể cả việc tiếp tục nới thêm biên độ tỷ giá trong trường hợp Trung Quốc đẩy CNY “rớt” tiếp.

Có lẽ vì thế, TS Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính ngân hàng) cho rằng, chúng ta không nên đặt ra những “kế hoạch màu hồng” mà phải có những kịch bản đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra. Theo ông, về lâu dài, Việt Nam cần có phương pháp chống đỡ, chiến lược đối phó với từng kịch bản khủng hoảng. Thậm chí, khi cần thiết vẫn phải điều chỉnh chính sách tiền tệ để phù hợp với thị trường.

Với quy mô dự trữ ngoại tệ 37 tỷ USD cùng 10 tấn vàng, liệu NHNN có đủ “công lực” để phản đòn với “chiêu” phá giá tiếp tục của Trung Quốc cho dù tỷ giá CNY/USD vừa được nâng lên lại +0,05%, một tỷ lệ tăng rất thấp so với mức giảm -4,6% vừa qua. Và như thế, bài học kinh nghiệm “già néo, đứt dây” vẫn không cũ cho cơ quan quản lý tiền tệ của các quốc gia trong khu vực nói chung và NHNN nói riêng trong thời gian tới.

Văn Khoa