Biển Đông phủ bóng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung

Thứ ba, 22/09/2015 09:40

(Cadn.com.vn) - Hôm nay (22-9), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ bắt đầu chuyến công du được chờ đợi đến Mỹ, nơi ông sẽ có cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama.

Chuyến thăm Mỹ lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình trở thành chủ đề quan tâm của các tờ báo lớn trên thế giới trong bối cảnh Bắc Kinh đặt nhiều hy vọng sẽ cải thiện quan hệ song phương.

Tuy nhiên, căng thẳng đang gia tăng giữa hai nước về một loạt vấn đề, đặc biệt là các cáo buộc tấn công mạng cùng với các động thái tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở biển Đông, đang phủ bóng đen lên chuyến công du này - dịp hiếm hoi mà ông Tập và ông Obama sẽ hội đàm thượng đỉnh.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
tại cuộc họp thượng đỉnh hồi tháng 11-2014. Ảnh: AFP

Tìm tiếng nói chung...

Hầu hết người dân Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa kinh tế, an ninh mạng và chỉ trích gay gắt những động thái mà họ gọi là “bắt nạt” của Bắc Kinh ở biển Đông. Vì vậy, ai cũng đã nghĩ đến một bầu không khí tiêu cực xung quanh Hội nghị Thượng đỉnh Tập Cận Bình-Obama lần này.       

Tuy nhiên, không phải tất cả đều ảm đạm. Bắc Kinh và Washington đã tìm thấy tiếng nói chung trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran và Triều Tiên, ngay cả khi Trung Quốc không thể khởi động lại bàn đàm phán 6 bên với Bình Nhưỡng. Tại Washington lần này, các vấn đề hai bên dự kiến sẽ có được tiếng nói chung chính là thương mại, Triều Tiên và Iran. Các quan chức Mỹ nói rằng, họ không hy vọng nhiều về bước đột phá lớn trong các vấn đề đang làm điêu đứng quan hệ song phương, nhưng dự đoán có thể đi đến những cử chỉ hòa giải như khởi động lại đối thoại về an ninh mạng và ký hiệp ước về tránh sự cố ngoài ý muốn giữa các máy bay quân sự hai nước.

“Đối với tôi, điều quan trọng nhất về cuộc gặp gỡ này là sự thừa nhận về tầm quan trọng của một mối quan hệ”, giáo sư Brantly Womack tại Đại học Virginia nhận định.

... Xen lẫn giữa những nghi ngờ

Cuộc khảo sát mới nhất về thái độ của người Mỹ đối với Trung Quốc do Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy, 54% rất lo ngại Bắc Kinh.

Đứng đầu mối lo ngại chính là số nợ 1.270 tỷ USD của Mỹ mà Trung Quốc đang nắm giữ và hậu quả người Mỹ mất việc làm do sự cạnh tranh được cho là “không công bằng” của Bắc Kinh. Tiếp đó là những đòn tấn công mạng nhắm vào các hệ thống mạng quan trọng của Mỹ từ Trung Quốc. Dù trao đổi giữa quân đội hai nước có những bước tiến nhất định, Washington vẫn nghi ngờ ý đồ của Bắc Kinh, nhất là những động thái của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông. Vấn đề được quan tâm đặc biệt gần đây là những hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở biển Đông tranh chấp và việc xây dựng 3 đường băng có khả năng đủ dài cho những máy bay ném bom của Bắc Kinh. Washington nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh ngừng các hoạt động như vậy, nhưng Bắc Kinh vẫn cố tình làm lơ. “Mỹ không phải là một phần của những tranh chấp này, và chúng tôi hy vọng họ không tham gia”, phía Bắc Kinh từng tuyên bố.

Mức độ ngờ vực lẫn nhau, đặc biệt là trong vấn đề biển Đông, tấn công mạng, gián điệp, được thể hiện rõ khi chính phủ Mỹ từ bỏ truyền thống kéo dài nhiều thập kỷ - không ở tại khách sạn Waldorf-Astoria nổi tiếng ở New York. Không có lý do nào được đưa ra cho sự thay đổi bất ngờ này, nhưng người ta có thể thấy nguyên nhân rõ ràng là do một tập đoàn của Trung Quốc đã mua lại khách sạn này từ tập đoàn Hilton của Mỹ. Giới phân tích cho rằng, Nhà Trắng lo ngại bị nghe trộm.

Trong khi đó, tại thời điểm này, niềm tin vào sự tăng trưởng đáng mơ ước của Trung Quốc bị lung lay bởi sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và suy thoái kinh tế vốn gây chấn động các thị trường toàn cầu. Và thảm họa nổ kho hóa học hồi tháng 8 tại thành phố cảng Thiên Tân vốn giết chết 173 người nhấn mạnh những lo ngại về nạn tham nhũng ở nền kinh tế số 2 thế giới.

Hoàn cảnh thật sự khác với thời điểm hai nhà lãnh đạo gặp gỡ vào tháng 11-2014 tại một Hội nghị Thượng đỉnh Châu Á-Thái Bình Dương ở Bắc Kinh. Và hy vọng về một bước đột phá là khó xảy ra.

Khả Anh