Biển Đông trên bàn Hội nghị AMM

Thứ tư, 05/08/2015 08:34

(Cadn.com.vn) - Vấn đề biển Đông và cuộc khủng hoảng người di cư Rohingya chính là chủ đề được ưu tiên thảo luận trên bàn Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 48 khai mạc ở thủ đô Kuala Lumpur sáng 4-8.

Hội nghị AMM năm nay khai mạc tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia trong bối cảnh tranh chấp ở biển Đông đang rất nóng bỏng, nhất là quanh vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về những tuyên bố chủ quyền vô lý của Bắc Kinh ở vùng biển giàu tài nguyên này.

Theo AFP, Hội nghị AMM 48 đánh dấu sự khởi động loạt hội nghị thường niên, nổi bật nhất là Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) sẽ diễn ra vào ngày mai (6-8). Đây là một trong những diễn đàn an ninh lớn nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với sự tham gia của cả Mỹ, Trung, Nhật, Hàn và Liên minh Châu Âu (EU). Cả Trung Quốc và Mỹ đều không phải là thành viên của ASEAN, nhưng cả hai sẽ tham gia ARF, để có thể tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề quan tâm ở Châu Á-Thái Bình Dương, nhất là biển Đông.

Các ngoại trưởng ASEAN tại Hội nghị AMM hôm 4-8. Ảnh: AFP

Kêu gọi Trung Quốc thực hiện "3 ngừng" ở biển Đông

Chương trình nghị sự chính của AMM lần này chủ yếu xoay quanh những tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông.

Điểm nóng hiện nay là hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc trên một bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong đó có một đường băng. Philippines hôm 4-8 tuyên bố sẽ tiếp tục ủng hộ việc Mỹ kêu gọi Trung Quốc thực hiện “3 ngừng ở biển Đông” (ngừng hoạt động bồi lấp, ngừng hoạt động xây dựng và ngừng các hành động gây hấn) bất chấp việc Bắc Kinh nhấn mạnh, vấn đề này không nên được đưa ra tại các cuộc họp của ASEAN. Ngoại trưởng Albert Del Rosario cho biết, Manila sẵn sàng giúp giảm căng thẳng leo thang trong khu vực tranh chấp, nếu Trung Quốc đồng ý bị ràng buộc bởi các điều kiện tương tự. Tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc không có dấu hiệu cho thấy sẽ ngừng xây dựng tại các đảo nhân tạo ở vùng biển tranh chấp. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng không cho thấy bất kỳ sự thỏa hiệp nào.

Malaysia, chủ tịch đương nhiệm ASEAN, cho biết, chủ đề thảo luận là không giới hạn và có thể sẽ được nâng tầm hơn nữa. Phát biểu khai mạc AMM 48, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman tuyên bố: “ASEAN có thể và nên đóng một phần quan trọng trong việc thực hiện một giải pháp hòa giải trên biển Đông”. “Trên tất cả, chúng tôi phải giải quyết vấn đề này một cách hòa bình và hữu nghị. Chúng ta đã có một khởi đầu tích cực nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa”, ông nhấn mạnh.

Theo Kuala Lumpur, dù không có tên trong chương trình nghị sự chính thức, biển Đông là một trong những vấn đề quan trọng sẽ được thảo luận tại ARF.

Tìm giải pháp cho vấn đề người di cư

Ngoài biển Đông, ASEAN cũng đang phải tìm cách giải quyết vấn nạn dòng người di cư ồ ạt đến từ Bangladesh và Myanmar, những người muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó và bị ngược đãi ở quê nhà.

Đây là bài toán đau đầu đối với nhiều nước ASEAN trong thời gian qua. Khủng hoảng di cư bùng phát, liên quan đến người Hồi giáo thiểu số Rohingya, việc phát hiện những ngôi mộ tập thể ở Malaysia và Thái Lan, và những cáo buộc về tình trạng lao động nô lệ trong ngành thủy sản của Thái Lan. Giới phân tích cho rằng, đây là vấn đề khá hóc búa đối với ASEAN trong bối cảnh hiện nay, khi khu vực này còn có quá nhiều việc phải làm, nhất là việc hướng đến Cộng đồng chung ASEAN vào cuối năm 2015.

Các cuộc họp của ASEAN lần này cũng chú trọng giải quyết một số vấn đề ảnh hưởng đến khu vực, như an ninh hàng hải, cứu trợ thiên tai, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh và việc sử dụng các thông tin và công nghệ truyền thông... Thủ tướng Malaysia Najib Razak, khi phát biểu khai mạc hôm 4-8, cũng khẳng định, ASEAN ngày càng hội nhập đang trong lộ trình trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2050. “Một số ý kiến còn lạc quan, chúng ta có thể trở thành thị trường lớn thứ 4 thế giới sau EU, Mỹ và Trung Quốc vào năm 2030, tức là chỉ còn 15 năm nữa”, ông Najib nói.

Theo Thủ tướng Malaysia, ASEAN hiện có lực lượng lao động lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc, và rất thực tế khi ASEAN tự nhận là “quyền lực thứ 3” ở Châu Á.

Khả Anh