Biến nghĩa PR & lằn ranh vinh – nhục

Thứ ba, 25/11/2014 10:44

* KỲ 1: XE ÔM, TAXI NHẬP VAI PR

(Cadn.com.vn) - PR là viết tắt của Public Relations trong tiếng Anh, dịch ra tiếng Việt là quan hệ công chúng. PR là việc một cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chủ động thực hiện các quan hệ giao tiếp với cộng đồng nhằm xây dựng hình ảnh tốt đẹp của mình. Tất nhiên, không phải ai bước vào nghề cũng giỏi, cũng làm được nếu không hội đủ được những tố chất cần thiết: Thông minh, năng động, khéo léo, tư duy phân tích cao, khả năng giao tiếp tốt. Tuy nhiên, ngữ nghĩa của từ PR đang bị “biến dạng” và bất cứ ai cũng có thể theo nghề, thậm chí kiếm bộn tiền. Trong loạt phóng sự dài kỳ này, chúng tôi phản ánh về lằn ranh nhục – vinh của cái biến nghĩa từ PR...

Sau những chuyến thâm nhập dài ngày, chúng tôi xin mở đầu loạt phóng sự nghề PR với “công nghệ” kiếm tiền của những “người vận chuyển”: Xe ôm, taxi... Cách kiếm tiền của một bộ phận bác tài hành nghề này không phải ai cũng biết, nhưng xin khẳng định, nhiều người trong số họ vào mùa làm ăn là hái ra tiền.

Trước đây, với xe ôm chở khách thì bỏ công, đổ xăng chỉ tính tiền khách qua chặng đường ngắn, dài. Taxi tính tiền theo ki-lô-mét, ăn chia theo phần trăm do Cty quy định. Nhưng ở thời điểm hiện nay, kinh tế khủng hoảng, nhiều “dự án” làm ăn, kinh doanh của các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn TP đang cần tới cách PR của xe ôm, taxi dưới hình thức cam kết miệng, sẽ chi “huê hồng”. Chuyện giới thiệu khách, mối làm ăn để hưởng “huê hồng” chẳng ai cấm, nhưng cũng có lúc, cách làm PR của họ vô tình tiếp tay cho tệ nạn xã hội, khoảng tối mà các cấp, các ngành đang chung tay dẹp bỏ.

Hai cữ bia hơi “chén chú chén anh” với Tr., cậu tài xế xe ôm thường trực trên đường Tôn Đức Thắng, chúng tôi được nghe đủ chuyện bi, hài. Tr. kể, khoảng 3 năm trước, mỗi tháng “cày” tẹt ga từ sáng sớm tới tối, trừ tiền xăng, hao mòn xe cậu mang về cho gia đình khoảng 1,5- 2 triệu đồng. Nhưng hơn một năm nay, từ khi kiếm được “mối làm ăn”, trung bình mỗi tháng cậu bỏ túi 4-5 triệu đồng là bình thường, thậm chí có tháng trúng mánh cả chục “chai” (triệu). Mùa hè có mối mùa hè, mùa đông có mối mùa đông, nhưng tất nhiên mùa du lịch thì cậu “lượm” tiền khá hơn nhiều. “Làm ăn kiểu gì?” - tôi hỏi. Tr. lan man kể: Thì dắt mối cho quán nhậu, karaoke, nhà trọ, thậm chí tìm “đào” cho những ông khách thích của lạ, chán cơm thèm phở. Theo Tr. thì cái “duyên” để kiếm tiền “huê hồng” của cậu xuất phát từ cuốc xe ôm chở khách tới một nhà nghỉ trên đường Nguyễn Tất Thành giữa năm 2013. Sau khi gọi chủ nhà nghỉ ra đón khách, Tr. định đi thì bà chủ gọi níu lại, thủ thỉ: “Lần sau có khách cứ chở tới chỗ chị nhé, ai có nhu cầu em út càng tốt”, rồi bà dúi vào tay 30.000 đồng, nói tiền cà-phê, ăn sáng. Từ đó, Tr. có thêm nghề, mà cậu gọi đó là PR!

Ngoài làm nghề xe ôm, mỗi tháng Tr. còn kiếm thêm vài triệu đồng
từ nghề dắt mối cho khách sạn, nhà nghỉ và quán nhậu.

Sau lần ấy đến giờ, ít nhất nhà nghỉ này đã được Tr. dắt cho hơn 30 mối khách, trong đó khách ở đàng hoàng có, khách thích tìm “em út” lăng nhăng cũng nhiều. Nếu là khách thường, “huê hồng” mỗi lượt 30-50 ngàn đồng, tùy theo ngày lưu trú ít hay nhiều. Còn khách có nhu cầu “của lạ” thì chủ nhà nghỉ có lần chi cả trăm ngàn. Cứ một lần gái “đi khách” 200-300 ngàn đồng, chủ nhà nghỉ xén bớt của “đào” 50 -100 ngàn đồng rồi chi cho Tr. 50-60% trong số ấy. “Để lăng-xê cho các nhà nghỉ, khách sạn, thời đó mình dành cả tuần đi dọc các tuyến đường vùng ven, thậm chí ở nội thành khảo sát xem phòng ốc hạng sang hay bình dân để tiện giới thiệu, PR theo yêu cầu của khách. Bây giờ trong bộ nhớ của em có tới gần 50 khách sạn, nhà nghỉ, mà cái nào có điều hòa, wifi em biết tất. Đến giờ hầu hết các chủ nhà nghỉ sẵn sàng chi 10-15% tiền khách thuê phòng mỗi ngày nếu em dắt mối về, thậm chí có nơi ế khách thì chi đến 20%” - Tr. kể.

Nâng ly bia, đánh ực một cái, Tr. cao hứng khoe tiếp rằng, thời điểm tháng 8-2014, vô tình cậu kiếm được mánh lớn nhờ vào 4 vị khách đi tiếp thị hàng thực phẩm chức năng từ Hà Nội vào khảo sát thị trường Đà Nẵng ở lại dài ngày. Theo nhu cầu ở gần biển, trong 10 ngày, nhóm người ở 2 phòng tại khách sạn mini K.L với giá 500.000 đồng/ngày, thế là Tr. bỏ túi 1 triệu đồng.

Không chỉ làm PR cho nhà nghỉ, khách sạn, gần đây Tr. còn “đa năng” hơn, kiếm cả mối quán nhậu, nhà hàng, thậm chí khách đi xe đường dài để hưởng “huê hồng” theo hóa đơn tính tiền món ăn và vé xe. Nên những “mối” cần tới sự trợ giúp của Tr., cậu biết hết nơi nào có đặc sản gì, từ hải sản tươi sống tới đồ rừng, rắn rết, ba ba... Thấy Tr. làm ăn được, nhiều người hành nghề xe ôm khác cũng theo nghề mà Tr. nói là PR.  

K., tài xế taxi kể về chuyện làm PR cho nhà hàng, khách sạn, karaoke.

Chung cách làm nghề tay trái hái tiền như cánh xe ôm, các bác tài taxi cũng kiếm ăn kha khá nhờ vào nghề PR cho các nhà hàng, quán nhậu, khách sạn. Tất nhiên khách của taxi “đại gia” hơn nên “huê hồng” cũng nhiều hơn. K., tài xế hãng taxi H. nói thẳng, chuyện kiếm 300 - 500 ngàn đồng vào mùa du lịch khi chở đoàn 6-8 khách tới quán nhậu, nhà hàng ven biển là bình thường, bởi hầu như hóa đơn tính tiền món ăn đoàn nào cũng 2-3 triệu đồng trở lên. Riêng gặp khách phía Bắc, lâu lâu ăn hải sản hạng sang thì phiếu tính tiền lên đến chục triệu đồng cũng là bình thường. “Khi chở khách tới, tụi mình không cần phải nán lại xem khách ăn những gì mà quản lý, ông chủ mỗi quán rất uy tín, ngày mai trả theo đúng 5-10% hóa đơn tính tiền món ăn khách đã chi, không có chuyện dấm dúi. Bởi chỉ cần biết được họ gian dối thì lần sau không có chuyện tụi tôi đưa khách về, ngoại trừ khách có yêu cầu chở tới quán ấy” - K. quả quyết.

Theo K., thông thường trước đây taxi giới thiệu món ăn, đặc sản và chở khách tới quán, ông bà chủ chỉ “lại quả” 50.000 đồng mỗi chuyến, nhưng bây giờ xưa rồi, bây giờ chủ quán phải chi phần trăm trên hóa đơn khách ăn uống. Cũng như xe thồ, ngoài những điểm ăn uống trong sáng, vận chuyển tới khách sạn ngủ nghỉ, tài xế taxi cũng am hiểu những nơi ăn chơi “nhạy cảm” rõ như lòng bàn tay. Từ bar, karaoke, quán nhậu có “tay vịn”, em út phục vụ tới Z, thậm chí cả mức giá nếu khách muốn “nhảy dù” kiểu “tàu nhanh” hay “qua đêm”, tài xế đều nắm rõ. Thông thường mỗi lần chở tới, quản lý hoặc nhân viên điểm kinh doanh biết điều ngay, “bo” 50-100 ngàn đồng tùy điểm. Nếu biết trước đoàn khách sẽ tiêu sang vài triệu, hàng chục triệu đồng, ngày mai chủ quán “lại quả” nhiều hơn, từ tiền khách ăn nhậu đến chuyện thối lui của “đào” hát karaoke, quán nhậu kiếm được “chuyến bay” đêm với khách làng chơi...

Phóng sự: NHÓM PHÓNG VIÊN XÃ HỘI
(còn nữa)