Biến rác thành vàng

Thứ tư, 04/12/2013 08:55

(Cadn.com.vn) - Ngành công nghiệp tái chế của đảo Đài Loan (Trung Quốc) đang ngày càng bùng nổ và trở thành điểm sáng của thế giới bởi những lợi ích kinh tế và môi trường.

Trong những năm 1980-1990, ngành công nghiệp Đài Loan bùng nổ khi nền kinh tế của "Con hổ Châu Á" đa dạng và trưởng thành hơn. Tuy nhiên,"điều kỳ diệu của Đài Loan" cũng có mảng tối - những núi rác ngập đường phố, những quan ngại về những chất thải độc hại. Người dân bất mãn với giới quan chức về cách xử lý các "tác dụng phụ" của công nghiệp hóa nhanh chóng, cho rằng, dường như Đài Loan đã phát triển quá lớn để tồn tại thoải mái trên một hòn đảo nhỏ.

Bây giờ, Đài Loan đang trải qua sự bùng nổ khác. Các Cty tái chế, vốn phát triển về số lượng từ khoảng 100 trong những năm 1980-1990 đến hơn 2.000 hiện nay, đang chuyển đống chất thải thành hàng tỷ USD. Báo Diplomat dẫn nguồn Cục Phát triển Công nghiệp của Đài Loan cho rằng, ngành công nghiệp tái chế kiếm được 2,2 tỷ USD  năm ngoái, tăng từ con số 840 triệu một thập kỷ trước. Thùng rác có giá trị ở Đài Loan, báo New York Times nhận định.

Đài Loan, vốn là "nhà" của hàng loạt các Cty công nghệ như Asus, Acer và HTC, sản xuất nhiều thiết bị điện tử bình quân đầu người hơn bất kỳ nơi nào khác. Nhiều trong số các Cty tái chế của Đài Loan chuyên tách kim loại quý từ điện tử tiêu dùng - một thực tế mà theo nghĩa đen có thể hiểu là "chuyển rác thành vàng". Một Cty tuyên bố rằng, họ có thể chiết xuất 99,99% vàng nguyên chất từ các thiết bị điện tử bị loại bỏ.

Từ năm 1997-2011, Đài Loan có thể giảm tích tụ rác thải sinh hoạt hàng ngày từ 1,14 kg xuống còn 0,43 kg. Trong cùng thời gian đó, tỷ lệ tái chế bùng nổ từ 5,87% lên hơn 60% - biến Đài Loan thành một trong những nhà tái chế hàng đầu thế giới và là "nhà lãnh đạo" trong chính sách ủng hộ môi trường cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Thành công của ngành công nghiệp quản lý chất thải của Đài Loan bắt nguồn từ nguồn quỹ rất lớn để khuyến khích tái chế. Các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu trả một khoản phí dựa trên chi phí ước tính thu gom rác thải - mà được chia thành 33 loại. Cục Bảo vệ môi trường (EPA) sau đó phân phối các phí cho các Cty tái chế.

Đài Loan là nhà sáng tạo quan trọng trong ngành công nghiệp tái chế. Sáng kiến mới về Tetra Pak - hộp đóng gói chất lỏng được làm từ giấy, keo và giấy nhôm - gần đây được đưa vào hoạt động ở Chiyai. Mặc dù Đài Loan không phải là thành viên của Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu, chính phủ Trung Quốc "sẵn sàng, hài lòng và có khả năng" "cho vay" chuyên môn để nỗ lực tạo phúc lợi môi trường toàn cầu.

Rõ ràng, ngành công nghệ tái chế của Đài Loan cần được các nước trên thế giới nhân rộng.

Thanh Văn