Biểu tình và nền kinh tế suy yếu đang làm khó Thủ tướng Ấn Độ

Thứ bảy, 18/01/2020 15:09

8 tháng trước, ông Narendra Modi được ca ngợi là nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất Ấn Độ trong nhiều thập kỷ. Đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử “long trời lở đất” hồi tháng 5-2019, với tỷ lệ phiếu bầu cao hơn chiến thắng hồi năm 2014. Nhưng hiện giờ, ông Modi đang đối mặt với thách thức lớn nhất đối với quyền lực chính trị của mình.

Các nhà hoạt động đốt hình nộm của Thủ tướng Modi khi họ tham gia biểu tình phản đối luật quốc tịch mới tại Kolkata hôm 11-1.    Ảnh: CNN

Trong vài tuần qua, những người biểu tình trên khắp Ấn Độ đã xuống đường để phản đối luật công dân mới mà họ cho là phân biệt đối xử với người Hồi giáo. Các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, bất chấp lệnh cấm các cuộc tụ họp công cộng. Hậu quả là hơn 20 người biểu tình phải trả giá bằng mạng sống của mình.

Nhưng cả ông Modi lẫn người biểu tình đều không có dấu hiệu xuống thang. Phát biểu tại một cuộc biểu tình ở New Delhi hồi tháng 12-2019, Thủ tướng cho biết Luật sửa đổi quyền công dân (CAA) gây tranh cãi, "không liên quan gì đến người Hồi giáo trên đất Ấn Độ". CAA chỉ là động thái mới nhất trong một loạt các bước đi mà ông Modi đã thực hiện như một phần trong chương trình nghị sự của mình nhằm thúc đẩy chủ nghĩa Ấn giáo ở Ấn Độ. Và trong khi BJP của ông Modi vẫn nhận được sự ủng hộ, một số nhà phân tích cảnh báo về lâu về dài, những động thái gây chia rẽ này có thể khiến Thủ tướng Ấn Độ phải trả giá.

Những động thái nguy hiểm

Ông Modi không hề giấu giếm việc trở thành một người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo, và năm ngoái, ông đã thực hiện một số động thái để tiếp tục chương trình nghị sự đó. Sau khi tái đắc cử, ông Modi đã chia bang Jammu và Kashmir trước đây thành hai vùng lãnh thổ, một động thái giúp chính phủ ở New Delhi dễ dàng kiểm soát khu vực có đa số Hồi giáo đang tranh chấp này. Chính phủ của ông cũng đã công bố Sổ đăng ký công dân quốc gia mới, loại bỏ quyền công dân của 1,9 triệu người ở vùng đông bắc bang Assam.

Những người ủng hộ cho rằng, động thái này giúp loại bỏ những người nhập cư Bangladesh không có giấy tờ hợp lệ, nhưng các nhà phê bình lo ngại điều đó sẽ dẫn đến việc trục xuất hàng trăm ngàn người Hồi giáo nói tiếng Bengal. Khi đó, nhiều người cho rằng đây là động thái được sử dụng để biện minh cho sự phân biệt tôn giáo đối với người Hồi giáo ở bang này. Chỉ đến khi ông Modi thông qua CAA vào tháng 12-2019, người biểu tình đã xuống đường trên khắp đất nước. CAA cam kết sẽ nhanh chóng cấp quyền công dân Ấn Độ cho các nhóm thiểu số tôn giáo từ ba quốc gia láng giềng là Pakistan, Bangladesh và Afghanistan, ngoại trừ người Hồi giáo. Các nhà phê bình cho rằng, luật này đe dọa nền tảng thế tục của Ấn Độ bằng cách gây ảnh hưởng đến 200 triệu người Hồi giáo của nước này.

Dấu chân chính trị bị thu hẹp

Có một điều chắc chắn: trong năm qua, dấu chân chính trị của BJP đã bị thu hẹp. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 2018, BJP đã nắm quyền ở 21 trong số 29 tiểu bang của đất nước. Sau khi để thua trong các cuộc bầu cử bang gần đây, BJP chỉ giữ được 15 tiểu bang dưới sự kiểm soát của mình. Gần đây nhất, BJP đã để mất bang Jharkhand, phía đông vào tháng trước vào tay đảng Quốc đại, đảng đối lập chính tại Ấn Độ. "Với kết quả này, người dân đã đánh bại các nỗ lực của BJP nhằm chia rẽ xã hội theo đẳng cấp và tôn giáo", chủ tịch đảng Quốc đại Sonia Gandhi cho biết trong một tuyên bố.

Theo bà Jyoti Malhotra, biên tập viên các vấn đề và chiến lược quốc gia trang tin tức kỹ thuật số The Print, cử tri thất vọng bởi ông Modi ưu tiên các chính sách khác, thay vì ưu tiên phát triển kinh tế. Chiến thắng vang dội của ông Modi trong năm 2014 đến từ những kế hoạch lớn đối với nền kinh tế. Ông chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai mặc dù nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 6 năm và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp hiện tại của Ấn Độ ở mức 7,6% - tăng từ mức 6,9% vào tháng 1-2019. Và mọi người cảm thấy bất mãn. Hôm 8-1, hàng ngàn công nhân liên kết với các công đoàn quốc gia đã tham gia các cuộc đình công trên khắp đất nước để phản đối tư nhân hóa và tác động của suy thoái kinh tế đối với việc làm.

Một ngày trước đó, chính phủ đã cắt giảm dự báo tăng trưởng cho năm tài khóa này xuống còn 5% - tốc độ chậm nhất trong 11 năm qua – với lý do nhu cầu tiêu dùng thấp hơn và đầu tư tư nhân giảm. "Những gì đã xảy ra trong 5 năm qua là người dân Ấn Độ tiếp tục nghi ngờ những lợi ích mà ông Modi mang lại", bà Malhotra nói. Theo chuyên gia này, các đảng đối lập đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử khu vực gần đây vì nền kinh tế đang trong tình trạng tồi tệ và BJP đã không đáp ứng được kỳ vọng của cử tri bằng cách tăng việc làm.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Modi đã đưa ra lệnh cấm 86% toàn bộ tiền mặt đang lưu hành và thực hiện thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) trên toàn quốc bằng một mạng lưới thuế quan địa phương, lần đầu tiên hợp nhất 28 bang thành một thị trường. GST được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng, nhưng nhiều nhà kinh tế nghi ngờ về khoảng thời gian cần thiết để các doanh nghiệp làm quen với hệ thống mới này. "Đó thực sự là chìa khóa dẫn đến kết quả xấu của BJP trong cuộc bầu cử bang".

Con đường phía trước

Hiện tại, đảng BJP của ông Modi chỉ mất vị thế trong cuộc bầu cử tiểu bang. Nhưng các cuộc biểu tình và sự bất mãn ngày càng tăng đối với nền kinh tế có thể gây ra những tác động rộng lớn hơn.

Ông Gilles Verniers, trợ lý giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Ashoka của Ấn Độ, dự báo rằng trong vài tháng tới, sẽ có nhiều cuộc đối đầu giữa chính quyền trung ương và chính quyền tiểu bang - đặc biệt là tại các bang do phe đối lập lãnh đạo. Ông Verniers dự đoán, ông Modi sẽ sử dụng một số công cụ khác nhau để ngăn chặn, chẳng hạn như áp đặt Mục 144 - ngăn chặn sự tụ tập của 4 người trở lên - như ông đã làm  để xử lý các cuộc biểu tình hồi tháng 12-2019. Ông cũng có thể chặn Internet, một chiến thuật mà Ấn Độ đã sử dụng hơn 100 lần vào năm 2019 - thường xuyên hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Nhưng làm như vậy, ông Modi có thể làm xấu đi danh tiếng của một đất nước được cho là nền dân chủ lớn nhất thế giới. Ấn Độ đang đi theo một hướng độc đoán hơn vào thời điểm các đối tác và nhà đầu tư quốc tế mong đợi chính phủ tập trung vào nền kinh tế. "Thời điểm này là thảm họa đối với Ấn Độ", ông Verniers nói.

Liệu chương trình nghị sự dân tộc gây tranh cãi sẽ khiến ông Modi để mất nhiệm kỳ thứ ba hay không, vẫn còn quá sớm để nói. Ông Modi vẫn còn 4 năm nữa trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, và hiện tại, các đảng đối lập không muốn gây chiến. Bà Malhotra cho rằng, nếu muốn thành công, ông Modi cần tập trung vào nền kinh tế, không chính trị hóa tôn giáo. Nhưng ông Verniers cho rằng, ông Modi sẽ không loại bỏ các chính sách gây chia rẽ của mình. "Tôi cho rằng, chính phủ sẽ tiếp tục chiến đấu bởi vì đây không phải là những chính sách nhằm tạo ra lợi thế bầu cử, đây là những chính sách dành cho BJP mang tính giáo lý và là trung tâm của những gì họ tin tưởng. BJP càng tập trung vào các chính sách biểu tượng giáo lý cốt lõi đó, thì nó càng ít quan tâm đến nền kinh tế", ông Verniers nói. “Hãy nhớ rằng, quan trọng nhất là nền kinh tế. Nếu nền kinh tế tiếp tục tồi tệ, thì tôi nghĩ Thủ tướng và đất nước sẽ tiếp tục gặp khó khăn", ông Verniers nhấn mạnh.

AN BÌNH