Biểu tượng trong lòng dân
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, khu căn cứ (KCC) Huyện ủy Hòa Vang (TP Đà Nẵng) là ngọn núi cao 300m thuộc khu tam giác Phú Túc - Ô Rây - Tống Cói (H. Hiên, Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) có lịch sử tồn tại lâu dài, có vai trò và tác dụng to lớn đối với một chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng của địa phương, là biểu tượng truyền thống yêu quê hương, đất nước và tấm lòng kiên trung với Đảng, Bác Hồ của quân, dân Hòa Vang anh hùng. Năm 2014, Bộ VH-TT&DL công bố Quyết định xếp hạng KCC Huyện ủy Hòa Vang là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng Nguyễn Văn Chi và các lão thành cách mạng thăm lại KCC xưa. |
Bây giờ, các địa danh trên KCC đã trở thành những biểu tượng trong lòng dân như “Đá Đà Nẵng”, “Đá Non Nước”, từ thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, H. Hòa Vang) muốn lên đến đó phải vượt bộ hơn 1.500 bậc cấp. Nơi đây, những khối đá này cùng với các hầm bí mật, bếp Hoàng Cầm, Trạm đại phẫu... vẫn còn hằn sâu dấu tích của bom đạn chiến tranh và lưu dấu biết bao bước chân của cán bộ cách mạng; trong đó có nhiều đồng chí là cán bộ cao cấp của Tỉnh ủy và Khu ủy khu V như Hồ Nghinh, Trần Thận hay đồng chí Nguyễn Văn Chi - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng... Theo già làng Cơ Tu Đinh Văn Trí (thôn Phú Túc), trong chiến tranh chống Mỹ, dải đất chiến khu xưa có địa hình núi non hiểm trở, tất cả gần như đều bị bao phủ bởi đồi rừng, lau lách, đường đi cheo leo, nhiều vách đá dựng đứng. Nếu ai không đi sơ tán mà “bám trụ” phục vụ kháng chiến đều phải ở rất bí mật, chủ yếu sống với núi rừng. Việc thiếu ăn, mặc rét, bị vắt, muỗi rừng “hành hạ” là chuyện thường tình. Mỗi lần nhớ miền xuôi, các cán bộ chỉ biết leo lên các đỉnh núi cao nhìn xuống…
Nhận thức được giá trị nhiều mặt và ý nghĩa to lớn của KCC cách mạng, từ năm 2004, lãnh đạo H. Hòa Vang đã đầu tư kinh phí để từng bước khôi phục, tôn tạo, tái hiện di tích lịch sử này, gắn với bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch, thực hiện tốt dự án quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử khu di tích. Đây là một công việc cần thiết phải thực hiện để người dân địa phương nói riêng và TP nói chung hiểu được giai đoạn lịch sử đầy khó khăn, gian khổ của các thế hệ người Hòa Vang trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước; đồng thời khai thác thế mạnh về di tích, thắng cảnh trên địa bàn huyện vào mục tiêu phát triển du lịch kết hợp với giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau…
Gần 60 năm trôi qua, KCC Huyện ủy Hòa Vang vẫn còn đó như một biểu tượng về tinh thần cách mạng, hy sinh của thế hệ những người đi trước, quyết đấu tranh vì độc lập, tự do cho quê hương. Để hôm nay, vùng nông thôn Hòa Vang vươn vai phát triển cùng với các địa phương khác trên địa bàn TP. Ngoài những giá trị về vật chất, khu di tích còn mang một giá trị nhân văn sâu sắc - đó chính là niềm tự hào, kiêu hãnh cho bao thế hệ mà cha ông đã dựng nên từ máu và nuớc mắt. “Hòa Vang đất mẹ anh hùng/Máu xương đổ xuống hòa cùng nước non/Dựng xây cơ đồ vuông tròn/Ngày nay tươi đẹp, mai sau vững bền”… Hằng năm, nhiều sự kiện văn hóa, giáo dục truyền thống thông qua các hoạt động “Thăm lại chiến trường xưa”, “Hướng về cội nguồn” của các thế hệ trên địa bàn nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn đều được tổ chức tại đây. Qua đó, thế hệ đi trước, là những người trực tiếp tham gia kháng chiến có điều kiện để ôn lại quá khứ hào hùng của một thời kỳ đấu tranh gian khổ. Và, thế hệ đi sau, là lớp người kế thừa, phát huy những thành quả cách mạng được hiểu rõ thêm những giá trị truyền thống quý báu. Từ đó, họ càng trân trọng quá khứ, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống yêu nước và cách mạng để vững bước tiến vào tương lai.
VY HẬU