Bộ Công an nghiên cứu xây dựng, ban hành 145 văn bản quy phạm pháp luật  trong năm 2024

Thứ tư, 20/03/2024 07:00
Ngày 19-3, Bộ Công an tổ chức Hội nghị chuyên đề về xây dựng pháp luật năm 2024. Trung tướng Lê Quốc Hùng- Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến các điểm cầu Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu trực tuyến Công an TP Đà Nẵng, Đại tá Trần Đình Liên- Phó Giám đốc Công an TP chủ trì.
Đại tá Trần Đình Liên- Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng chủ trì điểm cầu trực tuyến tại Công an TP.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Theo báo cáo của Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, trong năm 2023, Bộ Công an đã hoàn thành 88 văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, trình Quốc hội thông qua 4 luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 1 nghị quyết, trình Chính phủ ban hành 6 nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định; chủ trì, phối hợp liên ngành ban hành 3 thông tư liên tịch, ban hành theo thẩm quyền 71 thông tư.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chương trình công tác của Chính phủ và Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công an năm 2024, các đơn vị cần tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an nghiên cứu xây dựng, ban hành 145 văn bản quy phạm pháp luật gồm: 10 dự án luật, 19 nghị định của Chính phủ, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 2 thông tư liên tịch, 113 thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện lãnh đạo các cục nghiệp vụ, Công an địa phương trình bày tham luận về những khó khăn, thuận lợi cũng như kinh nghiệm trong quá trình xây dựng pháp luật.

Phát biểu kết luận Hội nghị, chỉ đạo về nhiệm vụ xây dựng luật trong năm 2024, để đảm bảo tiến độ xây dựng 10 dự án luật, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị Công an các đơn vị được giao chủ trì tham mưu xây dựng cần quyết liệt hơn nữa, khắc phục mọi khó khăn, chủ động, tích cực, tập trung mọi nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án luật, nghiên cứu kỹ lưỡng, dự đoán, đánh giá được những tình huống khó khăn phát sinh trong quá trình thẩm định, thẩm tra, thông qua các dự án luật để chủ động tham mưu với lãnh đạo Bộ sớm có phương án giải quyết. Tờ trình, dự thảo luật, báo cáo đánh giá tác động, tổng kết thi hành pháp luật trong hồ sơ dự án luật phải được chuẩn bị đầy đủ số liệu, diễn đạt rõ ràng, lập luận sắc sảo, thuyết phục. Bên cạnh việc soạn thảo luật, phải có dự thảo văn bản quy định chi tiết luật kèm theo để trình; chấm dứt tình trạng luật đã có hiệu lực nhưng không thi hành được do phải chờ văn bản dưới luật quy định chi tiết.

Đại tá Trần Đình Liên- Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng chủ trì điểm cầu trực tuyến tại Công an TP.

Đối với nhiệm vụ xây dựng 135 văn bản dưới luật theo chương trình năm 2024, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm chính về chất lượng, tiến độ soạn thảo, tham gia ý kiến các văn bản quy phạm pháp luật của đơn vị, địa phương. Ngoài 135 văn bản, các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, sơ kết, tổng kết thực tiễn thi hành để phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập và kịp thời đề xuất báo cáo lãnh đạo Bộ chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác.

M.VINH

Trong năm 2023, Công an TP Đà Nẵng đã tổ chức sơ kết, tổng kết 17 văn bản quy phạm pháp luật và chuyên đề có liên quan đến xây dựng, triển khai thi hành pháp luật; Nghiên cứu, tham gia ý kiến đối với 30 lượt dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo đề nghị của Bộ Công an và UBND TP; Tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm, buổi làm việc nhằm cung cấp thông tin về sự cần thiết phải ban hành, quan điểm chỉ đạo, những nội dung cơ bản, quan trọng của các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng…