Bộ LĐ-TB&XH quản lý hơn 500 trường CĐ, trung cấp
(Cadn.com.vn) - Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH vừa tổ chức lễ bàn giao công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.Theo đó, Bộ GD-ĐT bàn giao nguyên trạng chức năng quản lý nhà nước đối với các trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp (không tính các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên các cấp), hệ đào tạo trình độ CĐ, trung cấp chuyên nghiệp tại các trường ĐH và các cơ sở giáo dục khác (không tính lĩnh vực đào tạo giáo viên) sang Bộ LĐ-TB&XH.
Như vậy, sẽ có hơn 200 trường CĐ và hơn 300 trường trung cấp chuyên nghiệp từ chỗ thuộc quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT được chuyển sang cơ quan quản lý nhà nước mới là Bộ LĐ-TB&XH. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay, Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục xử lý dứt điểm những vấn đề liên quan đến tuyển sinh của các trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp năm 2016. Từ năm 2017, các trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp sẽ tuyển sinh theo quy chế do Bộ LĐ-TB&XH ban hành.
Ngoài ra, về đào tạo, những sinh viên CĐ tuyển sinh từ khóa 2016 trở về trước được tiếp tục học chương trình CĐ hiện hành cho đến khi kết thúc khóa học, được cấp bằng CĐ theo quy chế của Bộ GD-ĐT. Những sinh viên tuyển sinh từ khóa 2017 trở đi học theo chương trình mới của Bộ LĐ-TB&XH, cấp bằng CĐ thuộc giáo dục nghề nghiệp.
Về liên thông trung cấp chuyên nghiệp - CĐ - ĐH, những học sinh, sinh viên trung cấp chuyên nghiệp, CĐ tuyển sinh từ năm 2016 trở về trước nếu có đủ điều kiện theo quy định hiện hành thì được tạo điều kiện để học liên thông lên ĐH nếu có nguyện vọng.
Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh chỉ tiêu liên thông của các trường ĐH để có thể tuyển sinh đào tạo liên thông trung cấp chuyên nghiệp - CĐ - ĐH cho các đối tượng này. Việc đào tạo liên thông đối với học sinh, sinh viên thuộc giáo dục nghề nghiệp tuyển từ năm 2017 trở đi sẽ thực hiện theo quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ.
Theo kế hoạch, kể từ ngày 1-1-2017, Bộ LĐ-TB&XH sẽ thực hiện quản lý nhà nước toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (trừ các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên).
Theo TTO