Bộ sưu tập độc đáo về nghề kim hoàn xứ Quảng

Thứ hai, 09/11/2015 08:22

(Cadn.com.vn) - Ngày 6-11, Hội Mỹ nghệ Kim hoàn tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ ra mắt Nhà bảo tàng mỹ nghệ văn hóa kim hoàn (MNVHKH) Quảng Nam tại xã Quế Phú, H. Quế Sơn, nhằm giới thiệu sinh hoạt đời sống tinh thần, sự sáng tạo, đậm nét nhân văn xưa và nay của nghề Kim hoàn xứ Quảng. Với hơn 500 hiện vật đa dạng được thể hiện vô cùng đặc sắc qua đôi bàn tay tài hoa, trí tuệ của những nghệ nhân dân gian từ các vùng ven biển, các miền núi xa xôi trong và ngoài tỉnh Quảng Nam, Nhà bảo tàng MNVHKH Quảng Nam lần đầu tiên ra mắt trở thành địa chỉ có bộ sưu tập phong phú giới thiệu với công chúng tiếp cận nhiều hơn những câu chuyện văn hóa, đời sống về nghề Kim hoàn đất Quảng.

Cụ thể, đó là những vật liệu chế tác, đá quý, bán đá quý, dụng cụ đồ nghề sản xuất gia công vàng bạc, trang sức người Việt cổ, sừng, nanh, vuốt móng thú rừng, xương động vật, tiền xưa, các loại hạt làm trang sức..., hình ảnh tư liệu, sách báo văn hóa về nghề Kim hoàn là những mốc son vượt không gian,  thời gian đáng nhớ. Ban tổ chức Hội mỹ nghệ Kim hoàn tỉnh Quảng Nam cho biết: "Bằng những việc làm thiết thực, tấm lòng, ý nghĩa cao đẹp, gìn giữ phát huy tưởng nhớ công lao người có công phát minh, khai sáng nghề Kim hoàn, thời gian qua, Hội đã thành lập Ban vận động, thông tin, truyền thông, sưu tầm đón nhận những hiện vật, bảo tồn, bảo vệ, ghi vào sổ vàng, tôn vinh phi vật thể, di sản của ông cha để lại".

Theo ông Trần Đình Phi, Trưởng ban liên lạc Liên huyện tỉnh Quảng Nam, nhiều thập niên qua, cứ vào ngày 26-27 tháng 2 âm lịch, bao thế hệ thợ-chủ nghề Kim hoàn lại long trọng tổ chức ngày giỗ Tổ. Người có điều kiện thuận lợi thì về với cội nguồn viếng Lăng mộ Tổ tại Huế, còn người không đủ điều kiện thì đến Đà Nẵng thắp nén nhang trước bàn thờ Tổ tại gia đình thành tâm bày tỏ lòng biết ơn và nguyện cầu ban phước lành cho con cháu làm ăn phát tài tấn lộc. Đặc biệt, vào đầu năm 2015, Lão sư Kim hoàn-Lương y Nguyễn Anh Dũng đã tự nguyện dành tầng 1 tại nhà riêng của mình cạnh Quốc lộ 1, xã Quế Xuân 1, H. Quế Sơn làm Nhà truyền thống nghề Kim hoàn Quảng Nam  và cũng là nơi thờ tự Nhị vị Đức tổ sư Kim hoàn (*) tại Quảng Nam.



Các hiện vật trưng bày tại Triển lãm.

Khởi đầu từ ý tưởng đó, nay gia đình ông Trần Đình Hoàng, một thành viên của Ban tổ chức lại tiếp tục cho mượn nhà (tại xã Quế Phú, H. Quế Sơn)  vô điều kiện để làm Nhà bảo tàng MNVHKH Quảng Nam khiến anh chị em đồng môn bổn tộc Kim hoàn rất vui mừng, nhiệt thành tham gia hưởng ứng.

Giới thiệu các hiện vật trưng bày tại Nhà truyền thống, nghệ nhân Trần Văn Anh (Ngọc Minh) nói: "Trải qua bao năm tháng thăng trầm lịch sử, thời gian, vạn vật, con người, dòng chảy đi qua các Triều đại nhiều thế kỷ, nhiều thế hệ, từ đôi bàn tay tài hoa, trí tuệ, các bậc tiền nhân Kim hoàn cổ xưa "Chế tác, điêu khắc, chạm trỗ, đức tiền, hảm đậu..." thể hiện sự đa dạng thẩm mỹ phong phú của nghề Kim hoàn. Ngày nay, trong nhịp sống văn minh, hiện đại, con người ai cũng muốn làm mới hoàn hảo cho bản thân mình. Vì lẽ đó, thời trang các mặt hàng trang sức đã trở thành người bạn đồng hành của mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội  để giúp con người duyên dáng hơn, tự tin hơn khi xuất hiện trước công chúng, bạn bè, người thân hay trước ống kính, máy quay, chụp hình... Đây là sự đúc kết kinh nghiệm từ quá khứ của cha ông ta lưu truyền trong việc chế tác nữ trang làm đẹp cho con người. Tất cả đều phải vay mượn chất liệu vàng, bạc quý giá này, hội tụ như một dữ liệu mang tính ưu việt đẳng cấp quốc tế".

T.T.S

(*) Theo sử sách ghi lại, khoảng hơn 200 năm về trước, người có công định hình và khai sáng nghề Kim hoàn đã được triều đình nhà Nguyễn sắc phong, vào các thời Khải Định thứ 9 và Bảo Đại thứ 13. Đó là hai cha con ông Cao Đình Độ và Cao Đình Hương. "Các họ, các lò của ngành Kim hoàn ba miền đã chính thức chọn ngày 7 tháng 2 (ngày mất của ông Cao Đình Hương) làm ngày giỗ". Từ hai cụ tổ họ Cao, nghề đã được lưu truyền trên khắp ba miền đất Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện nay, khu lăng mộ tổ nghề Kim hoàn Việt Nam nằm ở P. Trường An, thành phố Huế.