Bộ Thông tin và Truyền thông quyết liệt xử lý các vi phạm

Thứ bảy, 15/07/2017 09:14

(Cadn.com.vn) - Ngày 14-7, chủ trì Hội nghị trực tuyến tại 67 điểm cầu trong toàn quốc triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2017, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã đề cập đến nhiều vấn đề “nóng” của ngành, nhất là lĩnh vực viễn thông và báo chí.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông mạnh tay xử lý nạn sim rác với quyết tâm làm “lành mạnh hóa” thị trường viễn thông Việt Nam. Khoảng 24 triệu sim rác đã bị thu hồi. Theo thống kê của các nhà mạng, hiện Việt Nam còn khoảng 131 triệu sim thuê bao di động đã được phát hành. Dân số Việt Nam  hiện là khoảng 92-93 triệu dân, trừ trẻ nhỏ, người dân vùng sâu, vùng xa chưa dùng di động, rõ ràng trên thị trường vẫn còn lượng khá lớn sim rác đang lưu hành. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh phải tiếp tục kiên quyết xử lý vấn nạn này, nếu không sẽ dẫn tới rất nhiều hệ lụy. Hiện nay, mức xử phạt các hành vi vi phạm về đăng ký và quản lý thuê bao di động trả trước còn chưa mang tính răn đe. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn kiến nghị các địa phương phải vào cuộc, cung cấp số điện thoại quảng cáo cho các nhà mạng yêu cầu khóa, xử lý ngay.

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã “mạnh tay” xử lý một số điểm nóng về thông tin, diễn biến phức tạp liên quan đến các mặt đời sống, kinh tế, xã hội, chính trị... Hàng loạt cơ quan báo chí, phóng viên sai phạm ở Trung ương và địa phương đã được xử lý nghiêm. Thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại của báo chí, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, hiện nay, vẫn còn tình trạng báo chí bị thương mại hóa, đăng tải thông tin, hình ảnh giật gân, câu khách, thiếu văn hóa, thiếu nhân văn và phản giáo dục. Tình trạng báo chí vòi vĩnh, ăn tiền doanh nghiệp chưa có dấu hiệu giảm. Nhiều trang thông tin điện tử đưa thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục, giật tít “giật gân, câu khách”. Nhiều bài báo rút tít phản cảm, nhẫn tâm, vô đạo đức... Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử kiểm tra, xử lý nghiêm.

Đặc biệt, sau khi Thông tư 38/2016/TT-BTTT về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có hiệu lực từ 15-2-2017, đến nay, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới như Google, Facebook đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông. Điều này được phản ánh rất rõ nét thông qua việc các doanh nghiệp này đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực xử lý hàng nghìn nội dung thông tin vi phạm pháp luật (Youtube đã gỡ bỏ hơn 3776 clip, 106 tài khoản giả mạo, Facebook đã xóa 600 tài khoản...).

Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ quan thông tấn, báo chí, hoạt động thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại. Bộ tiếp tục chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm quy định của Luật Báo chí, quản lý chặt chẽ các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, tăng cường công tác quản lý nhà nước về vấn đề bản quyền, đặc biệt đối với bản quyền các chương trình truyền hình.

NGỌC BÍCH